Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Công ty 'giam' thưởng Tết, nhân viên TP.HCM đau đầu xoay tiền tiêu

Không ít nhân sự bức xúc khi doanh nghiệp giữ lại một phần lương tháng 13, thưởng cuối năm, hẹn trả sau Tết. Các công ty cho biết quyết định này nhằm giữ chân nhân viên.

Tình trạng giữ lại một phần thưởng Tết của nhân sự diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Ngày 22/1, Quốc Huy (25 tuổi, quận 7, TP.HCM) nhận thông tin bị nợ lương tháng 13 và thưởng Tết. Theo thông báo từ ban lãnh đạo, anh và đồng nghiệp sẽ nhận được khoản phúc lợi tài chính này vào tháng lương đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đối với Huy, đây là tin tức “sét đánh ngang tai”. Trước đó, anh đã lên kế hoạch chi tiêu món tiền này một cách cụ thể, chỉ chờ tài khoản kêu 2 tiếng “ting ting”.

“Thật vô nghĩa. Có thưởng như không. Thưởng Tết là để tiêu Tết chứ”, nhân sự marketing 25 tuổi chia sẻ với Tri Thức - Znews, bày tỏ bức xúc trước quyết định của doanh nghiệp.

giam thuong Tet,  no thuong Tet,  lich nghi Tet,  thong bao nghi tet anh 1

Kế hoạch chi tiêu Tết của nhiều nhân sự bị đảo lộn vì công ty nợ phúc lợi cuối năm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Theo báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM dựa trên kế hoạch của 1.570 doanh nghiệp, mức thưởng cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong khi đó, báo cáo nhanh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội về tình hình thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ cũng cho biết mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với 311 triệu đồng, hơn Tết năm trước 106 triệu đồng.

Song, không phải nhân sự nào cũng được nhận lương, thưởng trước kỳ nghỉ lễ dài nhất năm. Một số nhân sự như Quốc Huy rơi vào cảnh bị nợ lương tháng cuối năm, tháng 13 và thưởng Tết. Phần lớn bày tỏ nỗi thất vọng bởi đã lên kế hoạch chi tiêu dịp Tết dựa trên khoản tiền thưởng này.

Từ phía doanh nghiệp, một số quản lý, lãnh đạo cho biết quyết định này nhằm mục đích giữ chân nhân sự sau Tết Âm lịch. Ngoài ra, dòng tiền chậm trễ dẫn đến quỹ lương thưởng không được đảm bảo cũng là lý do được các công ty nhỏ đưa ra.

Nhân sự ‘tiêu trước, trả sau’

Kế hoạch chi tiêu Tết Ất Tỵ của Quốc Huy bao gồm biếu tiền mặt bố mẹ, mua sắm cho gia đình và bản thân. Khi không có thưởng, anh buộc phải điều chỉnh dự định.

giam thuong Tet,  no thuong Tet,  lich nghi Tet,  thong bao nghi tet anh 2

Quốc Huy quẹt thẻ tín dụng để chi tiêu dịp Tết khi lương thưởng chưa về tay.

"Tiêu trước, trả sau" chính là phương án được Huy áp dụng. Cụ thể, anh tiến hành quẹt thẻ tín dụng cho các món quà tự thưởng cho bản thân như bàn phím máy tính và tai nghe.

Khoản tiền định biếu bố mẹ Huy đành khất đến sau Tết. Anh cũng may mắn không phải chịu áp lực tài chính, quà cáp từ phía gia đình. Tuy nhiên, anh vẫn nỗ lực tìm quà tặng cho bố mẹ trước, thanh toán bằng thẻ tín dụng, đợi ra Giêng trả nợ ngân hàng.

“Thẻ tín dụng là cứu tinh của tôi ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn không đủ để chi tiêu thoải mái. Tôi vẫn phải ‘thắt lưng buộc bụng’, vỡ mộng tất tay dịp lễ năm nay”, Quốc Huy chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất của anh hiện nay là các khoản ăn chơi, gặp gỡ bạn bè. Một số đơn vị ăn uống không chấp nhận thanh toán bằng loại thẻ trên.

Giống với Quốc Huy, chuyên viên kinh doanh Mỹ Hà (28 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh bị công ty nợ phúc lợi tài chính cuối năm. Năm nay, hoạt động kinh doanh của công ty Hà không thuận lợi, khiến toàn bộ nhân sự “đứng ngồi không yên” khi nghĩ về lương thưởng từ hàng tháng trước Tết.

Khi doanh nghiệp công bố vẫn nỗ lực gửi lương tháng thứ 13 và một khoản lì xì nhỏ cho nhân sự, Mỹ Hà và đồng nghiệp đều hào hứng. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi lãnh đạo lập tức thông báo nợ khoản tiền này đến sau Tết Âm lịch.

“Sếp tôi nói có một tin vui và một tin buồn. Tin vui là vẫn có phúc lợi tài chính cuối năm, tin buồn là chúng tôi chưa nhận được luôn”, Hà kể lại.

Dù không vui trước thông tin này, chuyên viên kinh doanh 28 tuổi đành tặc lưỡi chấp nhận, phần nào hiểu cho khó khăn của doanh nghiệp. Theo cô, quyết định trả lương tháng 13 cho nhân sự trong hoàn cảnh này cho thấy nỗ lực lớn từ phía công ty.

Hơn nữa, Mỹ Hà chưa xây dựng gia đình riêng, không gặp áp lực lớn về kinh tế dịp này. Cô tâm niệm rằng “có muộn thì tiêu muộn, trước sau gì cũng là tiền của mình”.

Doanh nghiệp tìm cách giữ chân nhân viên, xoay vòng tiền

Ở phía doanh nghiệp, Phú Đỗ (TP Thủ Đức, TP.HCM), phó giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, cho biết công ty anh cũng đưa ra quyết định giữ 50% thưởng Tết của nhân sự, trả vào tháng lương đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Quyết định này xuất phát từ nhu cầu giữ chân người lao động. Tình trạng đồng loạt nhảy việc sau khi có thưởng Tết của nhân sự từng khiến doanh nghiệp của anh rơi vào thế khó, gián đoạn quy trình, kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng trả khách.

Ngoài ra, số tiền mà công ty giữ lại cũng có thể được ưu tiên chi trả cho các vấn đề khẩn cấp khác, bao gồm trả nợ ngân hàng và thanh toán chi phí thuê mặt bằng.

Đối mặt với sự phản đối, tâm lý bức xúc của một bộ phận nhân sự, Phú Đỗ và các thành viên ban lãnh đạo khác phải lên tiếng trấn an, tránh tình trạng “già néo đứt dây”, khiến kế hoạch ban đầu phản tác dụng.

“Không chỉ nhân sự, các quản lý cấp cao như chúng tôi cũng bị ‘giam’ thưởng. Tôi thẳng thắn chia sẻ thông tin này với cấp dưới để các bạn thông cảm”, phó giám đốc nói với Tri Thức - Znews.

giam thuong Tet,  no thuong Tet,  lich nghi Tet,  thong bao nghi tet anh 3

Nhiều doanh nghiệp phải thất hứa với nhân sự, trả thưởng sau Tết Nguyên đán. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Tương tự, Đức Hùng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ sở hữu một startup trong lĩnh vực truyền thông, cũng không thể trả 100% lương tháng 13 và thưởng Tết cho 21 nhân sự như đã thông báo.

Hồi tháng 11, anh cho rằng công ty sẽ nhận về một khoản thanh toán lớn trước kỳ nghỉ lễ ít nhất 3 tuần. Do đó, Hùng lập tức tính toán khoản phúc lợi tài chính cuối năm cho nhân viên, mong muốn đem đến cho cấp dưới một mùa Tết đủ đầy.

Tuy nhiên, khoản tiền mà anh dự đoán nhận được không về kịp, buộc Đức Hùng phải trích quỹ lương thưởng cho năm sau, trả trước một phần phúc lợi cho nhân sự, đành khất số còn lại đến sau Tết Âm lịch.

“Sai lầm của tôi trong năm nay là thông báo thưởng Tết sớm, khiến các bạn mừng hụt, đẩy bản thân vào thế khó. Tôi vẫn chưa biết phải nói với nhân sự thế nào”, Hùng tâm sự.

Đối diện với ánh mắt háo hức chờ đợi của nhân viên, chủ sở hữu startup này cảm thấy đặc biệt áy náy, song chưa tìm ra phương án giải quyết ổn thoả.

Nhận 250 triệu đồng thưởng Tết nhưng không dám tiêu pha

Một số nhân sự TP.HCM, Hà Nội nhận được lương, thưởng Tết tương đối cao dịp cuối năm. Nhưng trước biến động của thị trường lao động gần đây, họ cân nhắc kĩ lưỡng khi chi tiêu.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm