Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Công ty hô hào đóng tiền và 4 chuyện khác về làm thêm thời sinh viên

"Tôi nhận ra trên đời này làm gì có việc nhẹ, lương cao. Mỗi lần tìm công việc làm thêm mới, tôi đã có bài học phải cẩn trọng hơn".

Ảnh: Upsplash.

Đại học là cơ hội để sinh viên thỏa sức khám phá những điều mới mẻ cho bản thân và chuẩn bị cho mình những kỹ năng trước khi vào đời. Đi làm thêm, tùy theo điều kiện kinh tế, là trải nghiệm mới hoặc là một điều phải làm.

Bạn có thể đọc trước kinh nghiệm đi làm thêm từ chia sẻ của 5 người trẻ dưới đây.

"Khó bỏ việc nhưng cũng không thể nghỉ học"
Thúy Ngân (2001) - Sinh viên năm cuối ngành Marketing, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Chuyện của tôi

Hiện tại, tôi đang có công việc làm thêm tại một doanh nghiệp chuyên tư vấn, cung cấp các giải pháp, dịch vụ Marketing cho các doanh nghiệp khác.

Khối lượng công việc dồn dập, liên tục từ dự án này sang dự án khác từng khiến tôi choáng ngợp. Bên cạnh đó, tôi bắt buộc phải dành nhiều thời gian cho việc học khi bước vào năm cuối.

sinh vien lam them anh 1

Thúy Ngân lo lắng không thể cân bằng giữa việc học và làm thêm.

Có những ngày tăng ca, trở về nhà, dù mệt mỏi, tôi vẫn phải lao vào làm bài tập đến 2h sáng. Hoạt động liên tục, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tôi dần thấy áp lực và mất cân bằng.

Việc này đã kéo dài được một thời gian, tuy nhiên, tôi không muốn dừng công việc này hoặc lựa chọn công việc khác, bởi tôi biết đây là môi trường tốt để tôi tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường. Nhưng tôi cũng sợ rằng mình không thể cân bằng được với việc học.

Tôi ước

Có lẽ trước đó, tôi nên suy nghĩ kỹ hơn, dành thời gian để hoàn thành việc học trước khi đi làm liên tục như vậy. Còn bây giờ, tôi cần xác định các mức độ ưu tiên để sắp xếp thời gian biểu sao cho hợp lý.

"Các công ty yêu cầu đóng phí, hô hào động lực, cần ‘né’ ngay"
Kim Liên (2000) - Sinh viên năm cuối

Chuyện của tôi

Hè năm hai, khi đang tìm kiếm việc làm thêm mới, tôi sáng mắt khi thấy thông báo tuyển dụng nhân viên bán hàng của một công ty nọ. Tôi lập tức ứng tuyển vì gần phòng trọ, công việc nhẹ nhàng mà lương cao.

Ngày đi phỏng vấn, tôi cứ nghĩ mình may mắn khi trúng tuyển và được hẹn ngày đến học việc. Nhưng mọi thứ không như tôi nằm mơ.

sinh vien lam them anh 2

Kim Liên từng gặp công ty lừa đảo.

Cứ nghĩ mình là một trong số ít người trúng tuyển, nhưng ngày đến học việc, rất đông người đứng chờ ở ngoài, đa phần là sinh viên giống tôi. Công ty yêu cầu mỗi người mới phải đóng 20.000 đồng để làm thẻ ra vào và mua sách giới thiệu công ty.

Sau đó, người hướng dẫn bắt đầu tung hô “ông nọ, bà kia”, làm việc tại công ty kiếm được bao nhiêu tiền để làm mờ mắt nhân viên mới.

Để tăng uy tín, một người tự xưng là giám đốc khu vực tách chúng tôi thành từng nhóm để tư vấn cá nhân, bắt đầu mồi chài đóng tiền đầu tư kinh doanh.

Phương thức công ty này sử dụng là yêu cầu nhân viên mới đóng một khoản tiền (tối thiểu là 2 triệu đồng), sau đó, lập cho họ một website bán hàng. Họ sẽ được nhập hàng từ công ty với giá 700.000-800.000 đồng (tiền nhập hàng trừ luôn vào số tiền đóng ban đầu), sau đó tùy ý bán ra, giá bán có thể lên đến 3 triệu đồng.

Với những ai chỉ mong muốn làm nhân viên bán hàng hoặc nhân viên văn phòng, công ty này bắt đầu thái độ. Với những người nhẹ dạ cả tin, đóng tiền kinh doanh, họ tỏ ra niềm nở và ủng hộ.

Để được ra về, tôi ậm ừ nói sẽ đóng, nhưng hẹn ngày hôm sau với lý do không đem theo tiền. Về nhà, tôi tìm hiểu kỹ hơn thì chắc chắn đó là công ty lừa đảo. Nhiều người đóng tiền vào nhưng cả tháng không bán được gì, không có lương, cũng không được hoàn tiền.

Tôi ước

Những ngày sau, tôi nhận hàng chục tin nhắn và cuộc gọi từ công ty đó. Chỉ đến khi tôi chặn số, mọi chuyện mới dừng lại. Đến giờ, tôi vẫn thấy công ty này đăng tin tuyển dụng để câu kéo sinh viên. Mỗi lần tìm công việc làm thêm mới, tôi đã có bài học phải cẩn trọng hơn.


“Nếu có thể, hãy trải nghiệm nhiều công việc”

Huỳnh Đức (1999) - Chuyên viên pháp chế

Chuyện của tôi

Giữa năm hai, tôi có công việc làm thêm đầu tiên - pha chế, phục vụ tại quán cà phê. Nửa năm sau, tôi bắt đầu đi làm gia sư và sau đó, tôi làm việc tại một công ty Luật (đúng chuyên ngành tôi học).

Tôi nhận ra ngay cả những công việc tay chân như phục vụ với mức lương 17.000 đồng/giờ cũng cho tôi nhiều bài học như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, quan sát và trân trọng đồng tiền. Đến bây giờ, tôi vẫn vận dụng những kỹ năng này trong cuộc sống.

Tương tự, làm gia sư giúp tôi có nguồn thu nhập khá ổn, tận dụng ngay kiến thức mình có để kiếm ra tiền. Còn công việc làm thêm cuối cùng giúp tôi có kinh nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thuận lợi hơn khi ra trường.

Tôi ước

Nếu có thể quay lại, tôi nghĩ mình sẽ đi làm ngay từ năm nhất, được va chạm, trải nghiệm thêm nhiều công việc, tôi sẽ có nhiều góc nhìn hơn.


“Hãy chú ý cả môi trường”

Nam Anh (1999) - Biên kịch

Chuyện của tôi

sinh vien lam them anh 3

Nam Anh nhận ra môi trường làm việc là yếu tố quan trọng.

Tôi thường chọn công việc làm thêm đúng với ngành học của mình, vừa tận dụng được kiến thức trên trường, đồng thời, được trải nghiệm công việc thực tế. Tuy nhiên, tôi từng từ chối làm việc tại một công ty vì môi trường làm việc không tốt.

Ngày đầu tiên đi làm, tôi nhận về không ít lời bàn tán từ “ma” cũ, trong đó có cả trưởng nhóm. Hóa ra, một anh bạn tôi quen cũng làm việc tại đây, người này khi biết tôi trúng tuyển đã tạo dựng nên nhiều câu chuyện để nói xấu tôi với cả công ty.

Những ngày sau, tôi thường xuyên bị trưởng nhóm “đì” mặc dù mình không làm gì sai. Sát deadline, tôi mới nhận được phản hồi yêu cầu chỉnh sửa từ anh ta (cho dù tôi đã gửi duyệt trước đó vài ngày). Hôm đó, tôi đã phải làm việc đến 4h sáng để hoàn thành.

Người này cũng thường xuyên nói rằng sẽ không duyệt tôi ở vòng thử việc. Sau một tháng, tôi chủ động xin nghỉ và tìm kiếm công việc mới.

Tôi ước

Tôi nhận ra, môi trường làm việc là yếu tố quan trọng khi quyết định làm việc, cho dù là làm thêm. Đừng ngại thay đổi, đừng cố “lỳ” làm công việc không phù hợp với mình mà cản bước những cơ hội khác.


“Đừng bán sức lao động với giá bèo bọt”

Phạm Yến (1999) - Trợ giảng

Chuyện của tôi

Tôi bắt đầu đi làm thêm vào năm hai. Cùng hai người bạn, chúng tôi chọn làm nhân viên phục vụ tại một quán buffet lẩu - nướng, mức lương 13.000 đồng/giờ và ba ngày thử việc không lương.

Ngày đầu tiên thử việc, tôi làm ca tối, bắt đầu từ 18h, đi học về chỉ kịp ăn lót dạ rồi vội vàng đến quán. Lượng khách đông, ra vào liên tục, chúng tôi luôn chân, luôn tay phục vụ đồ, dọn dẹp bàn cho hàng trăm khách.

Về đến nhà lúc 23h30, hai chân mỏi nhừ, tôi chỉ còn sức tắm giặt rồi lập tức đi ngủ để sáng hôm sau đi học sớm. Ba ngày thử việc liên tục như vậy, chúng tôi gần như kiệt sức, đến nỗi đi học nhưng nằm dài ra bàn vì quá mệt. Chúng tôi lập tức xin nghỉ.

Tôi ước

Tôi nhận ra, mức tiền lương 13.000 đồng/giờ không đáng để tôi đánh đổi sức khỏe như vậy. Sau này, khi chọn công việc làm thêm khác, tôi chú ý hơn đến khối lượng công việc thực tế sẽ làm, ưu tiên nhất vẫn là sức khỏe và việc học.

Năm điều tôi ước mình biết sớm hơn khi vào đại học

Tôi nhận ra mình đã đi chậm hơn người khác rất nhiều. Ước gì, tôi đã lựa chọn bước ra khỏi vùng an toàn gia đình để có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trước khi ra trường.

Ngọc Bích (Ảnh: NVCC)

Bạn có thể quan tâm