Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty luyện thi bán nông sản sau khi Trung Quốc cấm dạy thêm

Công ty giáo dục New Oriental quyết định tặng cơ sở vật chất cho các trường ở nông thôn sau khi tuyên bố dừng dạy thêm cho trẻ, chuyển qua kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Trong buổi phát sóng trực tiếp hôm 8/11, Yu Minhong, người sáng lập New Oriental, cho biết công ty sẽ thiết lập nền tảng bán các sản phẩm nông nghiệp thông qua hình thức livestream. Các giáo viên luyện thi của công ty này sẽ tham gia hoạt động bán nông sản nhằm giúp nông dân phục hồi kinh tế và nâng cao tay nghề, theo Global Times.

Yu cho biết thêm, sau khi Trung Quốc áp dụng chính sách "giảm kép", công ty ông đã đóng cửa khoảng 1.500 địa điểm dạy thêm. Qua đó, New Oriental tặng gần 80.000 bộ bàn ghế cho các trường học vùng nông thôn tại Trung Quốc.

cong thi day them chuyen qua ban nong san anh 1

Công ty dạy thêm chuyển hướng kinh doanh sau chính sách "giảm kép". Ảnh: SupChina.

Kể từ khi Trung Quốc công bố chính sách "giảm kép" vào tháng 7, các công ty giáo dục tư nhân đã điều chỉnh cơ cấu kinh doanh. Các nhà phân tích cho rằng chuyển đổi sang giáo dục nghề nghiệp hoặc các ngành khác là hướng đi chính của nhiều công ty giáo dục. Tuy nhiên, một số tổ chức quyết định dừng hoạt động hoàn toàn.

"New Oriental quyên góp cơ sở vật chất đã hỗ trợ các trường học vùng nông thôn, tránh lãng phí, đồng thời giúp công ty kết nối với nhiều nguồn lực địa phương để chuẩn bị cho việc ra mắt nền tảng nông nghiệp và vạch ra hướng đi tương lai trong lĩnh vực giáo dục nông thôn", Zhang Yi, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu iiMedia, nói với Global Times.

Việc chuyển hướng qua lĩnh vực kinh doanh nông sản không có nghĩa là New Oriental từ bỏ hoàn toàn giáo dục. Công ty này thông báo sẽ nâng cấp hoạt động nhằm hướng đến đối tượng là sinh viên đại học. Cụ thể, họ sẽ cung cấp các khóa đào tạo cho các kỳ thi liên quan như CET (kỳ thi tiếng Anh bậc đại học tại Trung Quốc).

Tương tự New Oriental, TAL Education Group (công ty luyện thi cho học sinh bậc phổ thông) cũng chuyển hướng sau lệnh cấm dạy thêm. Cụ thể, công ty này sẽ cung cấp những khóa đào tạo phi học thuật và giúp trẻ phát triển tài năng cá nhân, theo Wall Street Journal.

Bằng cách tận dụng công nghệ giáo dục tiên tiến, nội dung chất lượng cao và kinh nghiệm lâu năm, TAL Education Group sẽ tiếp tục hoạt động và khám phá cơ hội để cung cấp dịch vụ giáo dục phù hợp với quy tắc Chính phủ đặt ra.

Ông Zhang Yi lưu ý tiềm năng thị trường cho giáo dục chất lượng và giáo dục nghề nghiệp tại Trung Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi nước này đang gia tăng dân số có trình độ học vấn, nhu cầu về nhân tài. Vì thế, các công ty dạy thêm vẫn có cơ hội "chuyển mình" nếu tìm được hướng đi phù hợp.

"Giảm kép" là chính sách được Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Chính sách này được chính thức áp dụng năm học mới 2021, bắt đầu từ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Đông, Thượng Hải, An Huy...

Theo đó, học sinh lớp 1 và 2 không cần làm bài tập về nhà bằng hình thức viết, chỉ đọc bài và tự ôn lại bài cũ. Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, nhà trường chỉ được phép giao lượng bài tập vừa phải, sao cho các em hoàn thành trong vòng 1 giờ.

Nội dung mới này cũng nhắm vào các cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài trường học. Cụ thể, họ sẽ không được dạy thêm ngoài trường vào các ngày lễ lớn, hoặc trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông.

Phụ huynh, giáo viên Trung Quốc mệt mỏi vì chính sách 'giảm kép'

Trung Quốc ban hành chính sách "giảm kép" để giảm gánh nặng học tập cho học sinh. Tuy nhiên, áp lực của phụ huynh và giáo viên lại tăng gấp đôi.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm