Một tòa án ở Hà Lan đã ra phán quyết phạt công ty phần mềm Chetu có trụ sở bang Florida (Mỹ) số tiền 73.000 USD vì sa thải nhân viên một cách vô lý, theo Insider.
Theo đó, nhân viên người Hà Lan, người không được nêu tên trong vụ kiện, làm việc từ xa cho Chetu từ tháng 1/2019 và cho biết thu nhập hàng năm rơi vào khoảng 73.000 euro mỗi năm gồm tiền lương, hoa hồng, tiền thưởng và phụ cấp kỳ nghỉ.
Nam nhân viên người Hà Lan đâm đơn kiện sau khi bị phía công ty ở Mỹ đuổi việc. Ảnh minh họa: iStock. |
Hồi tháng 8, anh nhận được thông báo rằng trong thời gian tham gia chương trình đào tạo nội bộ, anh sẽ phải duy trì trạng thái đăng nhập trong cả ngày làm việc với tính năng chia sẻ màn hình được bật và webcam được kích hoạt.
Đáp lại, nhân viên này phản đối với lý do "thấy kém thoải mái khi bị camera giám sát 9 tiếng/ngày".
"Đây là sự xâm phạm quyền riêng tư và khiến tôi cảm thấy thực sự khó chịu", người đàn ông phản ứng lại với yêu cầu của cấp trên và từ chối bật camera ở phía mình.
Ba ngày sau đó, người đàn ông bị sa thải với lý do "từ chối nhiệm vụ" và "không chịu hợp tác".
Trong tài liệu gửi lên tòa án ở Hà Lan, nơi vụ việc được xét xử, nam nhân viên cho hay phía công ty đã có thể theo dõi các hoạt động của anh trên máy tính xách tay, nói thêm rằng người này đã đồng ý chia sẻ màn hình làm việc của mình trước đó.
Trong tài liệu, phía Chetu trích lời một nhân viên của công ty này phản bác lại rằng yêu cầu nhân viên phải bật webcam "không khác gì" việc người lao động sẽ bị mọi người nhìn thấy cả ngày trong văn phòng thực tế.
Trong phán quyết đưa ra hồi tuần trước, tòa án Hà Lan đã đứng về phía nhân viên này, nói rằng vụ sa thải "không có giá trị pháp lý".
Theo nguyên đơn khởi kiện, anh đã đồng ý chia sẻ màn hình làm việc, song không thể chấp nhận chuyện bật camera theo dõi cả ngày. Ảnh: BI. |
"Người sử dụng lao động đã không nói rõ về lý do sa thải. Hơn nữa, không có bằng chứng về việc từ chối làm việc, cũng không có bất kỳ chỉ dẫn hợp lý nào", trích tài liệu của tòa án.
Phía tòa án cho biết thêm việc bắt buộc một nhân viên phải bật camera của họ để giám sát là chống lại quyền được tôn trọng đời tư của nhân viên.
Tòa án còn đề cập đến phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu trong một vụ việc vào năm 2017, chỉ ra "rằng video giám sát nhân viên tại nơi làm việc, dù là bí mật hay không, phải được coi là một hành vi xâm nhập đáng kể vào đời tư của người lao động".
Tòa án ở Hà Lan đã ra phán quyết Chetu phải trả cho nhân viên cũ 48.500 USD tiền bồi thường, 2.600 USD tiền lương chưa trả, 8.300 USD cho các quyền lợi, phụ cấp kỳ nghỉ chưa được thanh toán. Cộng với các chi phí khác, con số cuối cùng rơi vào khoảng 73.000 USD.
Trang TechCrunch chỉ ra nếu nhân viên người Hà Lan đó đang làm việc ở bang Florida hoặc nhiều nơi khác ở Mỹ, nhân viên đó dễ bị ràng buộc vào cái gọi là "luật tuân thủ đúng quy định của công ty", trong đó quy định rằng những người lao động thích làm theo ý muốn cá nhân có thể bị nghỉ việc bất kỳ lúc nào, với bất cứ lý do nào.