Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm cho những tỉnh, thành nào?

Bắc Ninh và Nam Định mua hàng nghìn kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Trong khi đó, nhiều địa phương cho rằng họ không liên quan đến doanh nghiệp này.

Bộ Công an đang điều tra mở rộng đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Ngày 17/12, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) đã khởi tố ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và 6 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra cho thấy bị can Việt đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo nhiều cơ sở y tế và đơn vị liên quan trên cả nước nhằm hợp thức hồ sơ chỉ định thầu. Mục đích để được cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và nhiều cơ sở y tế.

C03 làm rõ Việt Á đã bán sản phẩm đến 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Sau khi khám xét 16 địa điểm liên quan vụ án tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An và Cần Thơ và triệu tập 30 người liên quan, Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị để làm rõ bản chất yếu tố tư lợi.

Nang gia kit xet nghiem anh 1

Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Ảnh: Báo Chính phủ.

Theo Bộ Công an, tại Hải Dương, ông Phan Quốc Việt ký 5 hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm với tổng trị giá 151 tỷ đồng. Mỗi kit được cơ cấu giá ở mức 470.000 đồng. Theo cáo buộc, Chủ tịch Công ty Việt Á đã chi "lại quả" ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) với số tiền gần 30 tỷ đồng. Hiện, ông Tuyến đã bị khởi tố, bắt giam.

Tại Bắc Ninh, thông tin từ CDC nơi đây cho thấy tại các quyết định ngày 14/6 và 23/6, cơ quan chức năng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư chống dịch, mua hơn 20.000 bộ test PCR LightPower của Việt Á với giá 470.000 đồng/bộ, bằng với mức giá Việt Á bán cho CDC Hải Dương.

CDC tỉnh Nam Định cũng cho biết trong quyết định ngày 18/6, địa phương đã mua 13.536 bộ test từ Công ty Việt Á với giá 509.250 đồng/bộ. Tổng giá trị thanh toán là hơn 6,8 tỷ đồng.

Ngày 20/12, Zing nhiều lần liên hệ với Sở Y tế và CDC Bắc Ninh, Nam Định để tìm hiểu thêm thông tin về mức giá mua thiết bị. Ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc CDC Nam Định nói đang trong cuộc họp nên chưa hồi âm. Lãnh đạo đơn vị còn lại cũng từ chối phản hồi.

Đại diện CDC Hà Nội cho hay đơn vị sử dụng kit của nhiều nhà cung cấp, trong đó có Công ty Việt Á. Tuy nhiên, cơ quan này không trực tiếp đàm phán để mua kit của doanh nghiệp mà tiếp nhận từ đơn vị tài trợ thông qua Ủy ban MTTQ thành phố và các đơn vị tài trợ đàm phán mua từ Việt Á.

Nang gia kit xet nghiem anh 2

Bị can Phan Quốc Việt bị bắt giam 4 tháng để điều tra. Ảnh: Bộ Công an.

Tại Nghệ An, lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh ngành chức năng xác định 7-8 cơ sở y tế mua kit xét nghiệm trong thời gian chống dịch. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa phát hiện sai phạm hay có vấn đề nâng khống giá thiết bị. Về quy trình mua sản phẩm, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, bài bản.

Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đơn vị đã thực hiện đúng quy định và không liên quan đến việc thổi giá thiết bị của Công ty Việt Á. Đối với việc Bộ Công an khám xét một số địa điểm ở địa phương, lãnh đạo CDC tỉnh nói cơ quan điều tra làm việc với công ty con của Việt Á, không liên quan đến trung tâm.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết các cơ sở y tế trong tỉnh đã mua kit của Công ty Việt Á nhưng số lượng rất ít, chưa đến 3 tỷ đồng. Việc mua thiết bị tại các đơn vị y tế diễn ra đầu năm 2020 với số lượng vài nghìn bộ nhưng không có khuất tất.

Còn ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam, xác nhận đơn vị nhận 3 máy xét nghiệm của Công ty Việt Á nhưng đã trả lại. Về sinh phẩm và kit xét nghiệm, cơ quan này không mua mà được một đơn vị khác tặng. Ngoài ra, Việt Á còn đầu tư 2 hệ thống phòng khám đa khoa ở tỉnh này.

Một số tỉnh thành ở miền Tây như Cần Thơ, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre, đã yêu cầu đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát việc mua kit xét nghiệm để làm rõ có liên quan đến sản phẩm của Công ty Việt Á hay không.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 10/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để vi phạm liên quan đến đầu thầu thiết bị y tế.

Một số ý kiến cho rằng các vi phạm trên là do lỗi cơ chế, hệ thống. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh các vụ việc đều do lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm. Trong các vụ án, cơ quan điều tra đã cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, chứng minh rõ yếu tố tư lợi, tham nhũng và làm rõ việc thông đồng với nhà thầu cung cấp thiết bị để đẩy giá lên, trích phần trăm ăn chia.

Chân dung Chủ tịch Công ty Việt Á trong vụ nâng giá kit xét nghiệm

Phan Quốc Việt bị cáo buộc thông đồng với lãnh đạo các cơ sở y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, chi phần trăm ngoài hợp đồng với số tiền rất lớn để tiêu thụ kit xét nghiệm.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm