Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Covid-19 có thể gây ra hội chứng mù mặt

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện người bị nhiễm SARS-CoV-2 có khả năng mắc phải hội chứng mù mặt hiếm gặp. Đây được xem là biến chứng mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Hội chứng mù mặt ảnh huởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Ảnh: Psychology Today.

Theo Medical Daily, khi các chuyên gia y tế nghĩ rằng họ xác định được tất cả triệu chứng của hậu Covid-19; nghiên cứu mới xuất hiện đã cho thấy một bệnh nhân mắc phải hội chứng mù mặt.

Căn bệnh kỳ lạ này khiến người bệnh không thể nhận ra những khuôn mặt quen thuộc, kể cả người thân, bạn bè xung quanh. Hội chứng mù mặt thuộc dạng hiếm gặp nhưng vẫn nằm ở mức báo động nguy hiểm. US News & World Report thông tin hội chứng này có tên khoa học là prosopagnosia. Nó làm suy yếu khả năng phân biệt khuôn mặt này với khuôn mặt khác.

Trường hợp mù mặt đầu tiên liên quan đến Covid-19

Bà Marie-Luise Kieseler, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm nhận thức xã hội của Đại học Dartmouth ở Hanover, New Hampshire, nói rằng hội chứng mù mặt thường phát sinh khi mạng lưới xử lý khuôn mặt của não bị tổn thương sau một cơn đột quỵ hoặc chấn thương đầu.

Bà Kieseler và đồng nghiệp Brad Duchaine đã xác định được trường hợp mù mặt đầu tiên liên quan đến mắc Covid-19. Trong báo cáo được xuất bản trên Cortex, 2 nhà nghiên cứu đã mô tả trường hợp của một phụ nữ 28 tuổi tên Annie, người nhiễm SARS-CoV-2 vào tháng 3/2020.

Bệnh nhân trải qua giai đoạn khó khăn khi nhiễm virus. Cô sốt cao, tiêu chảy, ho nhiều và khó thở, thậm chí có lúc ngất xỉu vì thiếu oxy. Sau 3 tuần, Annie khỏi bệnh nhưng lại bắt đầu bị mất phương hướng ở vài tuần tiếp theo. Bệnh nhân cũng nhận ra điều không ổn khi không thể nhận diện khuôn mặt một cách chính xác.

Vào tháng 6/2020, một cú sốc xảy ra khi Annie quyết định gặp mặt gia đình để ăn tối lần đầu tiên sau khoảng thời gian chiến đấu với căn bệnh quái ác. Tại nhà hàng, Annie đi ngang qua người thân của mình và cảm thấy hoảng loạn khi không thể nhận ra khuôn mặt của họ.

Khi một người đàn ông gọi tên Annie, cô quay sang, vẫn giọng nói quen thuộc nhưng đó lại là khuôn mặt cô không thể nhận ra.

"Giống như giọng nói của bố tôi phát ra từ khuôn mặt của một người xa lạ", Annie kể lại.

Bien chung cua Covid-19 anh 1

Hội chứng mù mặt ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Ảnh: Psychology Today.

Vẫn chưa tìm được sự liên quan giữa Covid-19 và hội chứng mù mặt

Theo đánh giá của bà Kieseler và ông Brad Duchaine, tất cả bằng chứng đều chỉ ra sự thiếu hụt trong quá trình xử lý bộ nhớ khuôn mặt. Tuy nhiên, ngoài chứng prosopagnosia, Annie còn gặp khó khăn trong việc điều hướng những địa điểm từng quen thuộc. Cô thậm chí phải dựa vào chức năng ghim của Google Map để nhớ nơi mình đã đỗ xe.

"Sự kết hợp giữa chứng prosopagnosia và tình trạng thiếu khả năng điều hướng mà Annie mắc phải là điều khiến chúng tôi chú ý, vì 2 chứng bệnh này thường đi đôi với nhau sau khi ai đó bị tổn thương não hoặc chậm phát triển", ông Duchaine nói.

Ông Duchaine cho biết có nhiều vấn đề về nhận thức do Covid-19 gây ra. Nhưng ở Annie, các nhà nghiên cứu phải chứng kiến vấn đề nghiêm trọng và có tính chọn lọc cao. Điều đó cho thấy nhiều người cũng có thể mắc phải những vấn đề nghiêm trọng và có chọn lọc sau khi bị Covid-19.

Hiện tại, 2 nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ làm thế nào một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lại dẫn đến các vấn đề thần kinh dai dẳng đối với một số người, kể cả sau khi họ mắc bệnh; và liệu tình trạng này có được cải thiện hay tự khỏi được không. Tuy nhiên, bà Kieseler lưu ý thời điểm này không có cách chữa trị hội chứng prosopagnosia. Do đó, trong trường hợp của Annie, bệnh nhân chỉ xác định được những người thân yêu thông qua giọng nói của họ.

Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.

Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.

Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.

Những cách phòng ngừa bệnh cúm mùa hiệu quả

Theo trang English Jagran, virus cúm có thể gây ra triệu chứng nghiêm trọng ở người già và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Chúng cũng gây biến chứng và đe dọa tính mạng con người.

Minh Uyên

Bạn có thể quan tâm