Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Covid-19 khiến phụ nữ Mỹ muốn quản lý tiền bạc trong nhà

Từng phó mặc việc quản lý tài chính cho chồng, giờ đây phụ nữ Mỹ nhận ra họ cần phải được biết và quyết định nhiều hơn ở thời điểm dịch bệnh đang tạo ra không ít mối nguy.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Tara Beier và chồng mình, Dennis (sống ở Santa Monica, California), hiếm khi thảo luận về chuyện tiền bạc. Họ giữ tài khoản ngân hàng riêng biệt và phân chia trách nhiệm cụ thể trong gia đình.

Người chồng 42 tuổi của cô trả khoản vay thế chấp cho tài sản mà họ sở hữu, còn Beier quản lý một căn nhà cho thuê. Mọi thứ được duy trì suốt 12 năm chung sống.

Thế nhưng giờ đây, khi mọi thứ "đóng băng" vì dịch, sự nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh của Dennis đã sụp đổ. Đột nhiên, gánh nặng của khoản thế chấp đổ lên vai Beier.

Với công việc của một ca sĩ kiêm nhạc sĩ, Beier hiện phải chịu trách nhiệm trang trải tiền thế chấp, tiền ăn uống, chi phí hàng ngày và tiền thuê nhà. "Tôi cảm thấy chồng đang dựa vào mình nhiều hơn", cô nói.

Khi đại dịch bùng phát, cô muốn và buộc phải biết chi tiết về tiền bạc. Bởi lỡ như chồng nhiễm bệnh, cô cần nắm được các tài liệu quan trọng và mật khẩu tài khoản ngân hàng mà anh đang giữ, hay biết liệu anh có khoản vay nào không.

quan ly tien bac anh 1

Dịch bệnh khiến nhiều phụ nữ Mỹ muốn hiểu rõ thực tế tài chính của gia đình.

Phụ nữ thành người gánh vác kinh tế

Tuy nhiên, thực tế trên cũng gây nên thách thức lớn khi Beier thực sự không biết nhiều về tình hình tài chính hiện tại, và cô luôn thấy miễn cưỡng mỗi khi phải hỏi về nó.

"Tôi lớn lên trong một gia đình mà mỗi lần đề cập đến tiền bạc, câu chuyện sẽ trở nên căng thẳng hoặc kết thúc với sự khó chịu. Cha tôi là người kiểm soát tài chính trong nhà".

Trong 3 tháng phong tỏa, vợ chồng cô có nhiều thời gian trò chuyện. Hai người cũng bàn về những chuyện đã làm, ước mơ và mục tiêu tài chính trong tương lai.

Giống như Beier, vấn đề trên cũng diễn ra với rất nhiều phụ nữ trên khắp nước Mỹ. Dịch bệnh tạo nên nhiều mối nguy khiến họ nhận ra không thể phó mặc cho chồng quyết định các vấn đề tài chính như trước.

Trong khoảng thời gian mọi thứ đều trở nên không chắc chắn, người phụ nữ trong gia đình càng mong muốn sự minh bạch, đặc biệt là rõ ràng về chuyện tiền bạc.

"Covid-19 đã tạo cơ hội cho mọi người quan tâm nhiều hơn đến chuyện trong nhà, hướng sâu vào vấn đề tài chính", Erika Wasserman, một chuyên gia liệu pháp tài chính ở Miami, cho biết. Cô cũng nhận thấy xu hướng này ngay trong thực tế gia đình mình.

"Bản chất phụ nữ chính là những người lập kế hoạch. Vì vậy, đây là cơ hội để họ hỏi chồng hoặc bất kỳ ai đang quản lý tài chính về kế hoạch hiện tại. Không chỉ về ngân sách hay khoản thế chấp, mà còn kế hoạch với bảo hiểm nhân thọ. Đó có thể là lần đầu tiên họ đặt câu hỏi sau một thời gian dài".

quan ly tien bac anh 2

Nhiều cặp vợ chồng bàn bạc thẳng thắn nói về chuyện tiền bạc vì lo lắng trước đại dịch.

Nhiều phụ nữ đang phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc con cái và cả cha mẹ trong mùa dịch. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ sốt sắng về chuyện tiền bạc.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 3 vừa qua với 3.000 nhà đầu tư nam và nữ với tài sản có thể đầu tư tối thiểu là 25.000 USD, 47% phụ nữ và 31% nam giới có liên quan đến các từ tiêu cực như “sợ hãi, “lo lắng”, “không đủ”, "kinh sợ" khi nói về lập kế hoạch tài chính.

Michelle Smith, giám đốc điều hành của Source Financial Advisors ở New York, nói rằng đã đến lúc phụ nữ cần đóng vai trò tích cực hơn trong quản lý tài chính gia đình.

"Nhiều phụ nữ sợ phải thẳng thắn đề cập với chồng những chuyện như: Tôi được đứng tên cái gì? Chúng ta có gì? Chúng ta có tin tưởng nhau không? Tôi đã ký tên vào cái gì đây? Thế nên nhiều người vợ không biết phải làm gì cả".

Công khai để phòng bất trắc

Alison và Sal Strazzullo, cặp vợ chồng sống ở Manhattan, có sự phân công trách nhiệm theo cách truyền thống. Alison ở nhà nội trợ, chăm sóc 3 đứa con nhỏ, trong khi chồng Strazzullo (48 tuổi), một luật sư làm việc tại New York, chịu trách nhiệm về tiền bạc.

"Sal luôn là người đưa ra quyết định trong gia đình. Nhưng vì Covid-19 tạo nên nhiều mối lo, chúng tôi hiểu rằng cần biết mọi thứ về vấn đề tài chính của nhau. Mọi thứ cần rõ ràng, phòng trường hợp điều bất trắc xảy đến với một trong hai chúng tôi", người vợ bày tỏ.

quan ly tien bac anh 3

Công khai tài chính giúp vợ chồng thấy an tâm hơn.

Vanessa Gordon (31 tuổi) luôn vui vẻ khi để chồng là bác sĩ Kris Gordon (44 tuổi) lo liệu tiền bạc trong nhà. Cô biết mức lương của chồng, biết anh dùng tiền đầu tư vào Morgan Stanley và TD Ameritrade nhưng "không biết số tiền anh ấy tiết kiệm được".

"Anh ấy xử lý các khoản thuế. Tôi có tài khoản cá nhân. Tôi luôn nói với chồng rằng muốn có nguồn thu nhập tài chính của mình và tôi đã xây dựng công việc kinh doanh riêng", Vanessa Gordon cho hay.

Công ty của cô vẫn hoạt động tốt cho tới khi dịch Covid-19 bùng phát. Tháng 3, mọi sự kiện của cô đều bị hủy, mất quảng cáo và doanh thu công ty giảm tới 95%.

Giữa tháng 4, chồng đã đứng ra hỗ trợ tài chính cho công ty của Vanessa. Vợ chồng nhà Gordon cuối cùng đã phải cùng nhau ngồi lại bàn bạc về vấn đề tài chính.

"Anh ấy nói anh đang phải trả tiền để tôi duy trì công việc. Tôi thấy đau lòng, bởi nó là sự thật. Tôi suy sụp. Thật đáng sợ khi tôi không có nguồn thu nhập nào cả".

Điều khiến người vợ hoảng sợ nhất là khi chồng cho cô thấy điểm tín dụng của họ đang bị ảnh hưởng như thế nào, giảm từ 800 xuống 650. "Tôi chưa từng nhìn thấy xếp hạng tín dụng của chúng tôi", Vanessa nói.

Để kiếm thêm tiền, cô bắt đầu dạy kèm cho học sinh 6 ngày một tuần, đôi khi dạy đến 8 tiếng một ngày. Song Vanessa cảm thấy thoải mái hơn khi biết phạm vi tài chính thực sự của gia đình mình.

Amy Richardson, một nhà lập kế hoạch tài chính, cho biết gần đây cô có nhiều cuộc trò chuyện về quản lý tiền bạc với sự tham gia của cả vợ và chồng. Trong khi đó trước đây, thường chỉ một trong hai người có mặt.

"Giờ đây, thấu hiểu là sức mạnh. Mọi người nhận ra tầm quan trọng của việc gắn kết và cùng tham gia vào vấn đề này".

Còn đối với Beier, những cuộc trò chuyện "không thoải mái" với chồng đã mang lại hiệu quả tích cực. Dù cô không vui vẻ với tất cả thông tin nhận được, ví dụ chuyện chồng có một vài thẻ tín dụng và đang nợ khoảng 30.000 USD.

"Song nó đem đến sự rõ ràng và thực sự tốt cho mối quan hệ của chúng tôi", cô nói.

Áp lực 'gà mái mẹ' ở Trung Quốc

Nỗi sợ con mình không thành công trong tương lai khiến nhiều cha mẹ Trung Quốc trở thành "gà mái mẹ", thúc ép trẻ học hành từ khi còn ít tuổi.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm