Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cư dân thành phố giàu nhất Trung Quốc thắt chặt chi tiêu

Hào hứng khi được thỏa mãn những thú vui hậu phong tỏa, song cư dân ở Thượng Hải không còn mạnh tay chi tiền như trước. Họ lo lắng tình cảnh khó khăn sẽ lặp lại.

Ngay khi Thượng Hải (Trung Quốc) được gỡ phong tỏa vào ngày 1/6, Yang Zengdong (40 tuổi), một bà mẹ hai con, đã sẵn sàng đưa cả gia đình đi chơi xa để đánh dấu ngày đặc biệt.

Niềm vui nhỏ của cô là đi thẳng tới trung tâm mua sắm, nhìn những cửa hàng đang mở cửa và mua một món đồ uống hay ít đồ chơi nho nhỏ cho cô con gái. Cô đã không được thực hiện nó trong suốt hai tháng phải ở yên trong nhà.

Theo CNA, những nhà bán lẻ đang trông chờ làn sóng "chi tiêu trả thù" từ những khách hàng như Yang. Xu hướng đổ xô mua sắm hậu phong tỏa đã từng bùng nổ ở Trung Quốc vào năm 2020, khi chính quyền đã kìm chế được đợt bùng phát đầu tiên của dịch.

Tuy nhiên, lần này nhiều người có xu hướng dè chừng. Thượng Hải đã kết thúc phong tỏa, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách Zero-Covid. Điều đó khiến 25 triệu cư dân ở thành phố này có xu hướng thắt chặt chi tiêu vì lo lắng rằng cảnh phong tỏa sẽ lặp lại lần nữa.

thuong hai go phong toa anh 1

Người dân Thượng Hải tận hưởng không khí bên ngoài sau khi thành phố được gỡ phong tỏa. Ảnh: Aly Song/Reuters.

Cảnh giác

"Rất nhiều bạn bè của tôi, những người có gia đình và con nhỏ, đều có ý tưởng mua một tủ lạnh lớn hơn để trữ đồ hoặc thực phẩm. Ngay bây giờ, họ không quan tâm tới việc mua những thứ không cần thiết", Yang, một giáo viên, cho biết.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Alibaba, Daniel Zhang, cũng đã đưa ra quan điểm này trong bài phát biểu của mình vào tuần trước.

"Ở tất cả tầng lớp người tiêu dùng khác nhau, nhu cầu với các mặt hàng thiết yếu đã tăng lên và ít có sự nhạy cảm về giá cả", Zhang nói với các nhà phân tích.

thuong hai go phong toa anh 2

Nhiều người tích trữ thực phẩm và tránh mua đồ không cần thiết. Ảnh: Shine.

Mặc dù Thượng Hải chắc chắn chứng kiến sự phục hồi của ngành bán lẻ, nó sẽ đạt mức cơ bản thấp, với mức chi tiêu bán lẻ đã giảm mạnh vào tháng 4, giảm 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giống như nhiều nước khác, việc mua sắm khó có thể được thúc đẩy bởi các khoản thanh khoản kích cầu cho người tiêu dùng. Trung Quốc nhắm mục tiêu chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp hơn là những người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm.

Jason Yu, Giám đốc điều hành Greater China của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, dự đoán sự phục hồi chi tiêu ban đầu tại các cửa hàng thực phẩm và đồ uống cùng các "danh mục liên quan đến niềm vui".

Ngành làm đẹp cũng được hưởng lợi khi cuộc sống bình thường trở lại. Yu cho biết thêm lễ hội mua sắm "618" sắp tới, trong đó các nền tảng thương mại lớn của Trung Quốc và các thương hiệu đều tham gia - có thể thúc đẩy doanh số bán hàng bùng nổ.

"Sẽ có nhu cầu lớn bị dồn nén đối với những sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp, đặc biệt khi các thương hiệu thúc đẩy quảng bá bằng cách giảm giá".

Hy vọng

Là thành phố lớn và giàu có bậc nhất ở Trung Quốc, Thượng Hải từ lâu đã trở thành thỏi nam châm hút ngành bán lẻ hàng xa xỉ, là nơi tập trung 12% các cửa hàng bán hàng hiệu cao cấp ở đại lục.

thuong hai go phong toa anh 3

Người dân đi tàu điện ngầm ở quận Tĩnh An, Thượng Hải, ngày 1/6. Ảnh: AFP.

Khi trung tâm thương mại cao cấp Plaza 66 mở cửa lại vào cuối tuần trước, nơi này đã chứng kiến những dòng người tấp nập bên ngoài cửa hàng Hermès. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho những người điều hành thương hiệu cao cấp có trụ sở tại Paris, Pháp.

Amrita Banta, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Agility Research and Strategy, cho biết: "Nhiều cửa hàng đang cung cấp ưu đãi để thu hút người mua sắm trở lại, ví dụ tăng gấp 3 số điểm tích lũy mà họ có thể nhận trong các chương trình dành cho khách hàng thân thiết".

Tuy nhiên, cô không còn chắc chắn về làn sóng chi tiêu trả thù như thông thường ở Thượng Hải.

"Tôi mong đợi những ngày đầu mở cửa lại sẽ có rất đông khách hàng tới đây, nhưng đồng thời cảnh tượng như dự kiến sẽ khiến nhiều người quyết định ở nhà vì không muốn tới những nơi đông đúc", cô nói.

Nữ giáo viên họ Yang cho biết Thượng Hải vẫn còn bị bao phủ bởi màu sắc u ám.

"Tôi không sợ bị nhiễm virus, nhưng tôi sợ nếu kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải đi cách ly tập trung. Với đa số người dân, đây là thời gian để tận hưởng cuộc sống bên ngoài nhưng cũng cần bảo vệ sức khỏe và giữ tiền bạc. Đây không phải lúc nên tiêu xài hoang phí".

Cô gái bị đuổi việc vì đi vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt ở Trung Quốc

Câu chuyện của Lin (hiện sống tại Quảng Châu) đã dấy lên cuộc tranh luận về những khó khăn trong kỳ kinh nguyệt của nữ giới chốn văn phòng.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm