Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử nhạc pop

25 năm trước, giới trẻ Mỹ (và ngoài Mỹ) mê mẩn bởi tiếng hát của hai anh chàng trong nhóm Milli Vanilli.

Album đầu tay của họ, Girl You Know It’s True và cũng là tên bài hát được phát hành dưới dạng single, đứng đầu top nhiều bảng xếp hạng danh tiếng nhất suốt nhiều tuần lễ. Nhưng chẳng ai ngờ, Girl You Know It’s True là một cú lừa ngoạn mục trong lịch sử pop và nạn nhân lớn nhất chính là giải thưởng âm nhạc Grammy.

Tráo vỏ

Milli Vanilli là dự án âm nhạc của ông bầu người Đức, Frank Farian. Frank cũng chính là người đã lập nên ban disco nổi tiếng nhất thế giới, Boney M. Cũng cần nhớ lại rằng, Boney M thành công khắp nơi nhưng chính nhóm nhạc này cũng để lại vết nhơ khi sau vài năm hoạt động, các ca sĩ trong nhóm tố nhau là không biết hát và cuối cùng sự thật được phơi bày là giọng hát của 2 người trong nhóm hóa ra là của chính… Frank Farian!

Boney M. tan rã, Frank Farian lên kế hoạch lập một nhóm nhạc tương tự nhưng quy mô sẽ lớn hơn và thị trường mà Frank Farian nhắm tới là nước Mỹ. Năm 1987, Farian tìm được 3 giọng ca xuất sắc là John Davis, Brad Howell và Charles Shaw. Cả ba là quân nhân Mỹ đang đóng quân tại Tây Đức. Họ hát rất tốt nhưng lại không đáp ứng được ngoại hình cần thiết để có thể trình làng. Farian cần những gã bụi bặm một chút, da màu càng tốt và phải biết nhảy. Vì thế dự án bị hoãn.

Nhóm Milli Vanilli nhận giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại Grammy 1990. Màn kịch của họ được xem là cú lừa lớn nhất trong lịch sử của giải thưởng âm nhạc uy tín này.

Nhóm Milli Vanilli nhận giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại Grammy 1990. Màn kịch của họ được xem là cú lừa lớn nhất trong lịch sử của giải thưởng âm nhạc uy tín này.

Cho đến năm 1988, văn phòng của Farian xuất hiện hai chàng Mỹ đen, đen bóng, bụi bặm. Họ đến xin việc. Nhìn tướng tá là Farian đã hài lòng. Nhưng đến khi hai chàng trai cất tiếng hát thì ông bầu này chỉ biết ôm đầu thất vọng. Một tia sáng chợt lóe lên trong đầu Farian như thời Boney M. ngày trước. Họ không cần hát, nhiệm vụ đó đã có người khác lo. Chỉ cần Rob Pilatus, Fabrice Morvan (tên 2 người đến xin việc) nhảy tốt, biết giữ hình ảnh thì chắc chắn Milli Vanilli sẽ đi xa.

Lên đường

Phải công nhận Frank Farian là ông bầu cực kỳ mát tay và biết nhìn xa trông rộng. Trong hằng hà những nhóm nhạc dance, R&B ngày đêm mong được các ông chủ hãng đĩa ở Mỹ để ý thì Farian, với mối quan hệ của mình có thể đi đường tắt. Nhưng để đi lối ngắn, Farain có vũ khí của mình. Đó chính là ca khúc Girl You Know It’s True. Đây vốn là một bài hát của nhóm The Numarx phát hành năm 1987 và rất thịnh hành trong các sàn nhảy ở Munich (Đức). Sau khi quan sát, Farian quyết định mua lại ca khúc này và giao cho Milli Vanilli thể hiện, nhịp được đẩy nhanh hơn và màu sắc thấm R&B nhiều hơn là chất dance nguyên thủy. Bản demo được gửi đến Hãng đĩa Arista (Mỹ) và được chấp nhận ngay lập tức. Không ai trong hãng đĩa này nhận ra rằng đằng sau hai chàng da đen kia là 3 anh chàng da trắng đã hát với số tiền được trả không đủ mua một chiếc xe hơi.

Năm 1989, Girl You Know It’s True được phát hành dưới dạng single và trở thành quả bom lợi nhuận của Arista. Lập kỷ lục về bán nhanh, 7 triệu đĩa tiêu thụ trong vòng vài tháng, đưa Pilatus, Fabrice Morvan trở thành những người được săn đón bậc nhất. Theo đúng lời ông thầy, hai chàng trai đóng vai rất tốt. Họ trả lời, đùa giỡn, chiều fan y như những ngôi sao bậc nhất và có vẻ họ hoàn toàn rất thích hợp để làm công việc này.

Album chính thức được trình làng sau đó cũng trở thành bom tấn của năm. Nhiều ca khúc trong album leo lên hạng nhất các bảng xếp hạng ở Mỹ và châu Âu. Hãng Arista khoan khoái và một loạt dự án được chuẩn bị cho những album kế tiếp. Lúc ấy người ta “say” đến độ Milli Vanilli làm gì cũng chẳng ai hoài nghi. Thậm chí trong một buổi diễn trực tiếp được MTV ghi hình, khi nhóm hát bài Girl You Know It’s True thì đến đoạn giữa bỗng nhiên đĩa bị nhảy và lặp đi lặp lại câu “Girl, You Know It’s” nhưng gần như chả ai nghĩ hai chàng kia đang hát nhép. Tháng 10/1989, nhóm nhạc này được giải thưởng âm nhạc Grammy đề cử vào hạng mục quan trọng Nghệ sĩ mới của năm.

Cú lừa thế kỷ

Ngày 21/2/1990 Milli Vanilli bước lên sân khấu Grammy và nhận giải thưởng quan trọng nhất cho cuộc đời âm nhạc của họ.

Nhưng sau tiếng vỗ tay là sự nghiệp của Milli Vanilli đi tong. Vì quá bức xúc, từ bên kia đại dương, Charles Shaw, người phụ trách phần rap cho các bài hát của Milli Vanilli, lên tờ New York Newsday nói rằng anh và hai người bạn của mình mới xứng đáng là chủ nhân của chiếc mâm vàng Grammy. 

Shaw còn nói thêm rằng anh quá bức xúc khi những kẻ không lao động lại ngồi mát ăn bát vàng trong khi anh hát gần hết trong album nhưng chỉ được trả 6.000 USD. Ông bầu Frank Farian lập tức viết ngay chi phiếu 155.000 USD hy vọng sự việc chìm xuồng. Nhưng mọi việc có vẻ đã trễ. Nhà báo Chuck Philips của tờ Los Angeles Times đã bỏ công đi điều tra và chứng minh giọng hát trong album kia hóa ra không phải của hai chàng da đen. 

Màn kịch bị lộ và lần đầu tiên trong lịch sử của mình, gần 6.000 người tham gia bầu chọn Grammy đã bị ăn một quả lừa cay đắng. Chủ tịch Grammy họp báo phần trần và thừa nhận đây là một sự nhục nhã. Grammy chỉ còn biết làm một việc tiếp theo, thu hồi giải thưởng. Hãng Arista bị kiện lừa dối người hâm mộ. Gần 1.000 phụ nữ ở Ohio quyết đòi tiền đĩa mà họ đã mua. Hãng Arista sau đó đã quyết định thu hồi toàn bộ đĩa chưa bán.

Sau khi sự việc đổ bể, hai chàng kịch sĩ của Milli Vanilli đã họp báo và phân trần rằng chẳng qua họ không được ông bầu cho hát và khi ký hợp đồng họ không biết tiếng Đức nên ký đại và vì thế không biết có điều khoản cấm hát thật. Sau đó cả hai đã hát luôn trong buổi họp báo để chứng minh họ cũng biết hát. Nhưng chẳng ai muốn xem thêm vở hài kịch trơ trẽn ấy nữa.

Cuộc đời của 2 chàng da đen của Milli Vanilli sau đó cũng có nhiều giai thoại. Người bảo họ khổ lắm, phải đi bán kem kiếm sống. Nhưng kỳ thực họ vẫn hoạt động âm nhạc dù chẳng tới đâu. Năm 1998, cả hai quyết định làm một album để chứng có một Milli Vanilli thật sự biết hát. Album có cái tựa ý nghĩa, Back And In Attack (Trở lại và tấn công) và nhà sản xuất lại vẫn tiếp tục là ông bầu cũ, Frank Farian. Nhưng họa vô đơn chí, trước khi album chuẩn bị họp báo ra mắt thì một nửa của Milli Vanilli, ca sĩ Rob Pilatus qua đời trong khách sạn vì phê chất gây nghiện quá liều. Back And In Attack không bao giờ được phát hành nữa.

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cu-lua-ngoan-muc-nhat-trong-lich-su-nhac-pop-n20141113142416250.htm

Theo Nguyên Minh/Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bạn có thể quan tâm