Chiếc mặt nạ gây tranh cãi thực chất chỉ là một trò đùa được dàn dựng. Ảnh: Baby Mute. |
“Baby Mute là công cụ thay đổi cuộc chơi dành cho các bậc phụ huynh muốn tận hưởng các hoạt động yêu thích mà không phải lo lắng về tiếng quấy khóc của con mình”.
Đó là nội dung mô tả một sản phẩm mới được tung ra thị trường vừa qua, có tên là “Baby Mute”. Sản phẩm, được thiết kế giống chiếc rọ mõm dành cho động vật, hứa hẹn sẽ “giữ em bé yên lặng trong các chuyến bay dài và những đêm xem phim” bằng cách che miệng trẻ sơ sinh và át tiếng ồn của chúng, New York Post đưa tin.
“Chiếc khẩu trang này được thiết kế để che miệng và mũi của đứa trẻ một cách nhẹ nhàng, giúp giảm 87% tiếng khóc lóc”, trích thông tin trên website.
Một số người cho biết trang web được thiết kế chỉn chu, trông không giống một trò lừa đảo. Hiện website đã bị xóa. Ảnh: Baby Mute. |
Dòng mô tả cũng cam kết rằng em bé vẫn sẽ “bình tĩnh và thoải mái” khi đeo sản phẩm, trong lúc cha mẹ tiếp tục các hoạt động thường ngày của mình.
Ngày 19/4, Brad Gosse, diễn viên hài nổi tiếng người Canada, đã quảng cáo sản phẩm này trên trang mạng xã hội cá nhân, thậm chí gắn đường dẫn liên kết tới website bán chiếc mặt nạ dành cho trẻ sơ sinh.
Khi truy cập, một số người cho biết trang web trông hoàn toàn hợp pháp với lượng thông tin vừa đủ để tạo niềm tin. Nhưng nếu đặt mua sản phẩm, website sẽ báo “đã hết hàng”. Hiện trang web đã bị xóa.
Bài đăng nhanh chóng gây phản ứng dữ dội, với vô số bình luận chỉ trích Gosse vì lan truyền “thông điệp nguy hiểm”.
“Đây là hành vi lạm dụng trẻ em. Món đồ này không thể hợp pháp”, trích một bình luận.
Tuy nhiên, toàn bộ sự việc này thực ra đều là giả và được chính nam diễn viên hài này dàn dựng.
Goose thừa nhận anh tạo ra trò đùa này để mua vui. Anh cũng chia sẻ một số ảnh chụp màn hình về “các lượt tìm kiếm liên quan” trên Google để thể hiện rằng cú lừa của mình ngoạn mục như thế nào.
Trên thực tế, tiếng khóc lóc, sự ồn ào của trẻ em ở nơi công cộng có thể là "cơn ác mộng" đối với nhiều người.
Dựa theo một cuộc khảo sát thực hiện trên 2.700 người của Yahoo Travel, 74% người được hỏi không thích trẻ con la hét tại sân bay hay trên máy bay. Những người được hỏi cũng cho biết họ thà ngồi cạnh những hành khách chiếm dụng không gian hơn là những đứa trẻ hiếu động, thích la hét.
Tiếng ồn ào của trẻ em ở nơi công cộng có thể gây khó chịu cho nhiều người. Ảnh minh họa: Kenishirotie/iStockphoto. |
Năm 2019, hãng hàng không Japan Airlines ra mắt tính năng nhận diện chỗ ngồi của trẻ em dưới 2 tuổi trên hệ thống đặt chỗ, giúp khách hàng có thêm lựa chọn phù hợp.
Năm 2017, hãng AirAsia X cũng giới thiệu lựa chọn “khu vực yên tĩnh” trên chuyến bay để hành khách tránh ngồi gần trẻ em. Hãng cho biết sẽ có 8 hàng ghế trẻ em không được phép ngồi.
Ngày càng nhiều nhà hàng trên thế giới cũng đưa ra quy định cấm trẻ em, hoặc thu phí nếu trẻ em gào khóc, gây mất trật tự trong không gian quán.
Tháng 9/2022, một nhà hàng ở Singapore thông báo thu “phụ phí 10 SGD nếu trẻ em gây ồn ào” sau khi nhiều thực khách phàn nàn, CNA đưa tin. Kể từ khi thực hiện chính sách ăn uống mới, nhà hàng cho biết có ít phàn nàn hơn về việc trẻ em cư xử không đúng mực trong không gian.
“Trước đó, tuần nào chúng tôi cũng nhận được góp ý hoặc phàn nàn về việc này”, người đại diện cho biết.
Tại Hàn Quốc, số địa điểm giới hạn độ tuổi của trẻ em, chủ yếu từ 13 trở lên, xuất hiện ngày càng nhiều và được đón nhận nhiệt tình. Mô hình quán cà phê “adult-only” (chỉ dành riêng cho người trưởng thành) ở một số nước châu Âu cũng đang là xu hướng được ưa chuộng.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.