Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cử nhân khó xin việc, lương thấp hơn lao động nghề

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội, người có bằng cao đẳng, đại học thường đòi hỏi lương cao hoặc mong muốn trở thành quản lý khi chưa có đủ kinh nghiệm.

Phát biểu tại hội thảo Giải pháp khủng hoảng thừa cử nhân được tổ chức tại Đại học Nguyễn Trãi ( Hà Nội) ngày 29/4, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội cho biết: Vài năm trở lại đây, lao động có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng khó tìm được việc như mong muốn, thậm chí khó xin việc và lương thấp hơn học viên có nghề.

Đòi lương cao dù thiếu kinh nghiệm

Theo bà Trinh, lao động tốt nghiệp THPT, nhân viên kỹ thuật sẽ được trả lương theo tay nghề nên có thu nhập tương đối cao. Một thợ hàn có tay nghề bình thường lương 6 triệu đồng/tháng, thợ hàn sử dụng công nghệ lành nghề có thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, sinh viên có bằng đại học, cao đẳng nếu vào nhà nước, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, hưởng lương bằng hệ số 2,34 nhân với mức tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng, năm đầu tiên chỉ được hưởng 85%.

Điều này do tân cử nhân nghĩ mình có năng lực nhưng lại không quan tâm phần thiếu về kỹ năng, trong khi chủ sử dụng lao động lại quan tâm vấn đề này. Ví dụ, nhân viên kinh doanh chỉ học marketting không thể làm được việc.

Cu nhan dai hoc kho xin viec anh 1

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên.

Trong quá trình phỏng vấn, người có trình độ cao đẳng, đại học mới ra trường thường đòi hỏi lương cao hoặc mong muốn trở thành người quản lý khi còn thiếu kinh nghiệm. Nhiều sinh viên có hai bằng đại học lại kén chọn và theo xu thế “nhảy việc” hoặc có tâm lý “ở nhà với bố mẹ rồi tìm việc sau”.

Bà Ngọc Trinh kể: "Tôi có dịp tiếp cận một dự án của Australia, người ta thấy rất lạ lùng vì tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cao nhưng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp luôn lớn".

Gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp

Người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%, trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%.

90% sinh viên thiếu kỹ năng mềm

Lo lắng về tình trạng thất nghiệp, Phạm Huyền (sinh viên lớp K14, Quan hệ Công chúng, Đại học Nguyễn Trãi) cho biết, cô từng bỏ học một trường công lập để theo học trường ngoài công lập vì không thấy hợp. Huyền từng có những băn khoăn về việc người tuyển dụng có định kiến giữa trường công và trường tư, khả năng xin việc có đồng nghĩa “mác” của trường?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó giám đốc ngân hàng Standard Chartered - chia sẻ, điều lo lắng của sinh viên là đúng, bởi doanh nghiệp luôn có nhiều lựa chọn, sinh viên phải tự định vị được bản thân.

Bà Bích chia sẻ, cách đây 10 năm, khi bắt đầu xin việc, người tuyển dụng nói trong vòng phỏng vấn cuối cùng: “Em quá hiền để làm nghề kiểm toán”. Cô gái trẻ không từ bỏ, đã xin 10 phút để thuyết phục bằng những lý do như khẳng định mình đủ xinh đẹp để gặp khách hàng, sẽ dành 2-3 năm đầu tiên để học hỏi vì yêu thích, đủ sức khỏe có thể làm việc áp lực.

Năm 2015, 23.192 người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội đăng ký tìm tìm việc. 55% trong số đó là lao động có trình độ cao đẳng, đại học.

“Những điều nói ra tưởng chừng vớ vẩn đã thuyết phục được người tuyển dụng. Khi xin việc, người trẻ nên bày tỏ suy nghĩ của mình để tự tạo cơ hội cho bản thân. Người tuyển dụng không tìm người giỏi nhất mà tìm người phù hợp nhất”, bà Bích tư vấn.

Ở câu chuyện thứ hai, nữ phó giám đốc cho rằng, sinh viên khi ra trường thường suy nghĩ những điều rất to tát. Các bạn hãy bắt đầu bằng công việc nhỏ nhất với tinh thần cầu tiến, dần dần sẽ được giao những nhiệm vụ lớn hơn.

Với câu chuyện thứ ba, nếu không đáp ứng được kiến thức của nhà tuyển dụng, các bạn có thể xin một cơ hội khác, dành một tuần đến 10 ngày để tìm hiểu và trả lời vùng kiến thức đó.

“Có thể bạn mới ra trường còn nhiều thiếu sót nhưng hãy chứng tỏ mình có khả năng nắm bắt kiến thức nhanh nhất. Đó là khả năng sinh tồn, dám đối diện và vượt qua thử thách”, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ.

Nữ phó giám đốc cho rằng, 3-5 năm đầu tiên sau khi ra trường là thời gian “vàng” để người trẻ hết mình với đam mê và xem nghề nghiệp đó có phù hợp bản thân không.

Bà Trần Thị Thúy Nga – cố vấn nhân sự cấp cao của Công ty Misa - đưa ra con số: 90% sinh viên thiếu kỹ năng mềm. Việc nhà trường đào tạo không đúng lĩnh vực doanh nghiệp cần dẫn đến tình trạng thừa nhân sự.

Để khắc phục tình trạng này, ông Trân Văn Vinh – Giám đốc khối đào tạo, Đại học Nguyễn Trãi cho biết, nhà trường sẽ gặp gỡ từng sinh viên để hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm, tích cách, sở thích, đam mê của các em. Học sinh cũng sẽ trả lời phiếu 100 câu hỏi kết hợp phỏng vấn trực tiếp để tìm hiểu xem các em phù hợp vị trí, công việc nào trong tương lai.

Nhà trường cung cấp cho sinh viên 15 kỹ năng mềm, 7 kỹ năng nghề để hỗ trợ các em trong quá trình học và sau khi ra trường. Trong đó, nhiều sinh viên trong khóa học “Đánh thức người khổng lồ trong bạn” đã bật khóc ngay trong lớp, gọi điện về cho cha mẹ khi đã được thức tỉnh ra nhiều điều ý nghĩa.

Cử nhân giấu bằng đại học đi làm công nhân Sau một thời gian dài không tìm được việc làm, nhiều cử nhân quyết định giấu bằng đi làm công nhân.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, sinh viên thất nghiệp do định hướng nghề nghiệp chưa đạt yêu cầu, cộng với suy nghĩ phải vào đại học, dẫn đến tỷ lệ học sinh vào cao đẳng, đại học ngày càng đông, tạo áp lực cho nền giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của một số trường cao đẳng, đại học chưa tốt, sinh viên thiếu kỹ năng mềm, kém ngoại ngữ, làm việc nhóm yếu, trong khi yêu cầu của thị trường lao động biến đổi hàng ngày.

Về chủ quan, nhiều sinh viên chọn việc theo tâm lý a dua vì bạn bè, theo ý bố mẹ mà không biết khả năng của bản thân, nhu cầu của xã hội. Qua khảo sát, bà Trinh nhận thấy, nhiều sinh viên năm đầu trả lời không biết vì sao chọn ngành, không ít sinh viên năm thứ hai, thứ ba nhận thấy sai lầm khi chọn nghề, phó mặc tâm lý học cho xong.

Bà Trinh cho rằng, biện pháp khắc phục cần sự phối hợp của các ngành giáo dục, lao động và doanh nghiệp. Trước tiên cần làm rõ về mặt tư vấn, khi nghĩ đến nghề mình muốn lựa chọn, đồng thời phải nghĩ đến khả năng bản thân, nhu cầu xã hội, sau đó là tính cách, sức khỏe và điều kiện gia đình; cũng như cần nâng cao chất lượng tuyển sinh, “thầy ra thầy, trò ra trò”.

Cử nhân thất nghiệp vì thiếu kỹ năng mềm

Theo số liệu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố ngày 24/12/2015, cả nước có 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 20% tổng số lao động thất nghiệp.

Quyên Quyên

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm