Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cứ sống thế này, bảo sao đến bạn thân cũng không chơi với mình nữa

Từng là bạn rất thân, bỗng một ngày, cả hai trở nên xa lạ, không muốn gặp mặt hay chuyện trò với nhau. Vì sao vậy?

Vài ngày trước, một người bạn phàn nàn với tôi rằng anh ấy có một người bạn thân thiết đã lâu năm. Nhưng thời gian gần đây, anh ta không còn muốn gặp mặt hay trò chuyện với bạn của mình nữa.

Mối quan hệ giữa hai người dần trở thành sự trói buộc miễn cưỡng, không còn thoải mái như ngày xưa.

Thực tế, điều đó không có nghĩa là anh ấy đã phản bội tình bạn, mà bởi cảm xúc của anh ấy về mối quan hệ này đã thay đổi.

Tình bạn là trải nghiệm tình cảm của cả hai bên, chỉ khi cả hai đều có tình cảm tích cực, tình bạn này mới thực sự xứng đáng được duy trì lâu dài.

Nếu một ngày, mối quan hệ mà từ trước tới nay bạn vẫn gọi là ''tình bạn thân'' bỗng đổ vỡ, từ thân quen trở thành hai con người xa lạ, hãy nghĩ xem nguyên nhân có phải bắt nguồn từ những điều dưới đây:

Thứ nhất, đã quá lâu rồi, hai người không gặp mặt cũng chẳng gọi điện hỏi thăm nhau.

Hãy mở điện thoại và kiểm tra xem, trong danh sách những cuộc hội thoại thường xuyên liên lạc liệu có tên số điện thoại của người bạn này không?

Nhiều người vẫn nói rằng đã là bạn thân thì sẽ không cần thường xuyên gọi điện. Nhưng thật ra, càng là những người bạn thân thiết thì người ta càng muốn biết về cuộc sống của bạn mình và mong chờ những cuộc gọi của nhau nhiều hơn.

Có nhiều lý do để mọi người hợp lý cho việc không liên lạc với bạn bè trong thời gian dài. Đó là do phải lo toan cuộc sống, công việc, đến thời gian dành cho bản thân còn không có thì sao có thể lắng nghe được những tâm sự của bạn bè?

Nhưng cuối cùng, đó cũng chỉ là những lời ngụy biện cho bản thân. Bởi nếu đã thực sự trân trọng mối quan hệ này, bạn luôn có cách để cân bằng được mọi vấn đề.

Cứ như thế rồi khoảng cách tình bạn cứ càng ngày càng lớn dần lên và tan vỡ lúc nào không hay.

Thứ hai, dựa dẫm quá nhiều vào đối phương.

Có bạn thân là để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Nhưng bạn không nên hiểu nhầm giữa "chia sẻ" và "dựa dẫm".

Như bạn biết đấy, đối phương cũng như bạn, người ta cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống và công việc. 

Đừng chỉ biết than thở mỗi lúc gặp mặt hay trò chuyện, bởi sẽ chẳng ai có thể kiên trì và lắng nghe những lời than thở của bạn mãi đâu. Hãy truyền cho nhau năng lượng tích cực chứ đừng để người khác phải buồn phiền về bạn.

Thứ ba, đừng cố tìm hiểu đời sống cá nhân của nhau nếu người kia không muốn chia sẻ.

Nếu bạn thấy người bạn của mình không thể chia sẻ với mình một điều gì đó thì cũng đừng nên quá tò mò.

Không thể kể với bạn nhưng không có nghĩa là họ không tin tưởng bạn, không tin tưởng vào mối quan hệ giữa hai người. Mà bởi ai cũng có bí mật, những điều không thể nói.

Nếu bạn cứ khăng khăng tìm hiểu bằng được là bạn đang vô tình xâm phạm đời sống cá nhân của đối phương. Và như thế, hai người sẽ cảm thấy không còn thoải mái, tình bạn sẽ chẳng được bền lâu.

Thứ tư, đừng quá đề cao cái tôi cá nhân của mình. 

Để có được tình bạn chân thành, mọi người luôn nghĩ sẽ vì nhau mà cố gắng, làm quen với những thói quen của nhau. Nhưng không có nghĩa là bạn có quyền bắt đối phương phải chấp nhận mọi tính cách của mình.

Bạn cho mình quyền được trách móc, giận hờn đối phương mỗi khi họ làm không vừa ý bạn. Thay vì lắng nghe bạn lại vội vã đưa ra ý kiến của mình mỗi khi họ trao đổi việc gì đó. 

Thay vì lúc nào cũng quyết định mọi chuyện theo ý mình, hãy quan tâm đến sở thích, mong muốn của đối phương nữa. 

Hãy để tình bạn trở thành niềm vui, động lực giúp cuộc sống của bạn vui vẻ và thành công hơn, chứ đừng biến tình bạn trở nên áp lực và nhiều tổn thương.

Sau 5 năm tốt nghiệp, vì sao bạn bè thành công còn tôi thì không?

Học chung lớp, tốt nghiệp cùng thời điểm nhưng sau 5 năm, người thành công rực rỡ, kẻ lại chưa tìm nổi cho mình một công việc. Vậy đó là "lỗi số phận" hay lỗi của bản thân?

Phan Quỳnh

Bạn có thể quan tâm