Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 94 diễn ra sáng 28/3 (giờ Việt Nam), Will Smith gây chấn động khán phòng khi tiến đến sân khấu và tát thẳng mặt MC Chris Rock, sau khi nam diễn viên hài đùa cợt về vợ của Smith, diễn viên Jada Pinkett Smith.
Cụ thể, trong phần công bố giải phim tài liệu, Chris Rock sử dụng chứng rụng tóc alopecia của Jada Pinkett để chọc cười khán giả. Anh nói rằng mình mong chờ sự xuất hiện của nữ diễn viên trong phần 2 của G.I. Jane - bộ phim có nhân vật chính cạo trọc đầu.
Cosmopolitan gọi cú tát của Will Smith là một trong những khoảnh khắc khó xử nhất Oscar 2022. Còn Vanity Fair nói rằng đây có thể là lần đầu tiên bạo lực xảy ra trên sân khấu lễ trao giải.
Will Smith tát Chris Rock tại sân khấu Oscar 2022. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, đó chắc chắn không phải lần duy nhất Chris Rock trêu chọc Jada Pinkett Smith.
Tại Oscar 2016, khi Jada Pinkett tuyên bố tẩy chay lễ trao giải vì danh sách đề cử "Oscar So White" (Oscar toàn người da trắng), Rock mỉa mai: "Jada tẩy chay giải Oscar cũng giống như tôi tẩy chay quần lót của Rihanna vậy".
Hành động của Will Smith không đúng nhưng những từ ngữ mà Chris Rock thốt ra cũng đã đi quá xa. Việc sử dụng phụ nữ như một công cụ gây cười, châm biếm chắc chắn không phải trò đùa. Bất kể trên sân khấu hay trong cuộc sống thường ngày, nó thực sự gây tổn thương thay vì tạo tiếng cười.
"Tôi đứng về phía Jada"
Katie Hale, người mắc chứng rụng tóc alopecia từ năm 23 tuổi, có thể phần nào hiểu được những gì Jada Pinkett Smith trải qua ngày hôm nay.
"Đó chính xác là điều mà rất nhiều phụ nữ như tôi phải trải qua mỗi ngày: bị nhìn chằm chằm, trở thành trò đùa của người khác, những bình luận mang tính xúc phạm. Nó nhiều vô số kể và cực kỳ mệt mỏi", Hale, cố vấn truyền thông tại Melbourne (Australia), nói.
Dù không cổ xúy cho bạo lực, Hale không muốn trò đùa của Chris Rock được dung thứ như bấy lâu nay nó vẫn tồn tại. Cô muốn vấn đề này cũng như sự trêu chọc mà bản thân đối mặt mỗi ngày được đáp trả và giải quyết.
Jada Pinkett Smith và Will Smith tại lễ trao giải Oscar. Ảnh: AP. |
"Thật tốt khi thấy Will Smith đứng lên. Nhưng bạo lực không bao giờ là câu trả lời. Anh ấy có thể vô tình khiến người vợ của mình thêm khó xử".
Hale cảm thấy tiếc khi cú tát của Smith còn được chú ý hơn cuộc thảo luận nghiêm túc rằng tại sao mọi người thích pha trò về phụ nữ, về tình trạng bệnh tật của một ai đó.
Cô ước Smith có thể tạo ra tác động tích cực hơn bằng cách sử dụng lời nói thay vì dùng tay.
"Tôi đứng về phía Jada bởi rụng tóc chắc chắn không phải một trò đùa với những ai đang đau khổ vì nó", Hale nói.
Hơn cả một trò đùa
Q: Người chồng làm gì khi "máy rửa chén" ngừng hoạt động?
A: Đánh "cô ấy"!
Q: Vì sao NASA không đưa một phụ nữ lên mặt trăng?
A: Vì chưa cần phải làm sạch nó!
Những câu như thế này có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, từ cuộc đối thoại hàng ngày cho đến mạng xã hội. Đó là những ví dụ cụ thể của "disparagement humor" (tạm dịch: hài hước chê bai) - những trò đùa nhằm coi thường, rập khuôn hoặc ác ý đối với một cá nhân hoặc một nhóm yếu thế trong xã hội, theo The Conversation.
Phụ nữ là một trong những nạn nhân phổ biến của hài hước chê bai. Có vô số trò đùa liên quan đến ngoại hình, kích thước, khả năng nấu ăn, trí thông minh của các cô gái.
Sau khi chứng kiến sự tức giận của Will Smith, ngay trên sân khấu Oscar, Chris Rock giải thích: "Này anh bạn, đó chỉ là một trò đùa về bộ phim 'G.I. Jane' mà thôi".
Chris Rock đùa cợt về Jada Pinkett Smith tại Oscar 2016. Ảnh: Kevin Winter/Getty. |
"Chỉ là một trò đùa" thường là cách mọi người bao biện, ngụy trang những biểu hiện của thành kiến trong chiếc áo choàng vui vẻ, hóm hỉnh.
Nghe có vẻ vô hại, song thực ra bản chất của hài hước chê bai không phải là trò đùa bình thường. Nó luôn được nảy sinh từ định kiến và sẽ góp phần củng cố phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính.
Trong nghiên cứu năm 2007 của giáo sư tâm lý học Thomas E. Ford, sự hài hước chê bai đã được chứng minh là có thể "giải phóng" hành vi phân biệt giới tính ở một bộ phận đàn ông vốn có quan điểm chống bình đẳng giới.
"Việc hùa theo những trò đùa khiếm nhã với phụ nữ khiến đàn ông tin rằng hành vi phân biệt giới tính của họ được xã hội dễ dàng chấp nhận", Ford viết.
Trên tạp chí Psychology Today, giáo sư tâm lý học Dara Greenwood nhận định việc kể hoặc đánh giá cao trò đùa phân biệt giới tính hoặc câu chuyện xúc phạm phản ánh những vấn đề nghiêm trọng.
"Trong thời đại của phong trào #MeToo như hiện nay, những điều này là sự chứng thực của thái độ sai trái, chứ không đơn giản chỉ là nói cho vui".