Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cự tuyệt thương mại hóa giáo dục đồng nghĩa với tự đầu hàng

Theo TS Ngô Tự Lập, giáo dục đại học Việt Nam không chỉ cần phải chấp nhận, mà còn phải chủ động thương mại hóa giáo dục đại học một cách hợp lý.

Chúng ta nhìn còn chưa thật

- Tại sao lại là “thương mại hóa giáo dục”chứ không phải là “xã hội hóa giáo dục”, thưa ông?

- Cách hiểu khái niệm “Xã hội hóa” ở Việt Nam không giống cách hiểu trên thế giới. Ở phương Tây, người ta dùng “xã hội hóa” khi một công ty đang thuộc sở hữu tư nhân chuyển sang sở hữu nhà nước. Việt Nam lại dùng ngược lại.

Tôi dùng “thương mại hóa” có dụng ý hẳn hoi. Bởi theo tôi, làm giáo dục hiện nay cần 4 chữ “thật”. 

Thứ nhất là “nhìn thật”: Chúng ta phải bắt nguồn từ thực tiễn, nhìn thẳng vào thực tiễn, chứ không phải là xuất phát từ ước muốn hay lý thuyết của chúng ta.

Thứ hai là “nghĩ thật”: Cần suy nghĩ một cách ráo riết, quyết liệt và phân tích thực tiễn một cách khách quan, khoa học.

TS Ngô Tự Lập: "Giáo dục Việt Nam cần một khoán 10".

Thứ ba là “nói thật”. Tức là trao đổi thẳng thắn về các vấn đề và nhận thức thực tiễn. Ví dụ, hiện nay, nhiều người vẫn tránh dùng từ “khủng hoảng” khi nói về hiện trạng giáo dục. Nhưng không nên nghĩ “khủng hoảng” chỉ toàn những điều tồi tệ. Có khủng hoảng phát triển và khủng hoảng suy thoái.

Một trong những lý do của khủng hoảng giáo dục hiện nay là những thành công của nền giáo dục. Góp phần nâng cao dân trí, dẫn đến những đòi hỏi cao hơn của người dân đối với chính nền giáo dục.

Tuy nhiên, cũng có lý do chủ quan. Chúng ta đã chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, đương nhiên giáo dục phải thay đổi. Nhưng chúng ta chậm thay đổi. Chậm không phải là sai, nhưng chậm trễ kéo dài, là chúng ta sai.

Và thứ tư là “làm thật”. Sau khi đã nói thẳng với nhau thì hãy làm thật. Tức là giải quyết vấn đề một các thật sự, triệt để, chứ không nửa vời. Giải quyết vấn đề vì sự đòi hỏi của thực tiễn, chứ không phải để hoàn thành kế hoạch, để có thành tích.

- Và giáo dục Việt Nam đang ở chữ “thật” nào?

- Hiện nay nhìn cũng không thật. Và nếu đã nhìn không thật thì không có cả 3 chữ thật còn lại.

- Ông cho rằng có sự cố tình không nhìn thật, hay là nhìn không ra?

- Giống như Immanuel Kant, nhà triết học nổi tiếng người Đức, đã nói về nhận thức, không phải chúng ta không đủ khả năng mà không đủ dũng cảm. Điều này thật đáng tiếc.

Chúng ta đã dũng cảm vô song ở lần đổi mới kinh tế. Sau nhiều thử nghiệm sai lầm, chúng ta đã dám vứt bỏ cách làm duy ý chí nặng nề trong quá khứ. Và chúng ta đã thành công. Bây giờ, chúng ta cần phải một lần nữa dũng cảm như vậy trong giáo dục. Giáo dục cần một kiểu Khoán 10.

Và ngoài chuyện thiếu dũng cảm, dường như chúng ta còn có tâm lý coi thường nhân dân, cái mà Lê-nin gọi là “bệnh kiêu ngạo cộng sản”.

Đó là tâm lý cho rằng mình có trí tuệ cao hơn nhân dân, lo sợ rằng nếu thương mại hóa giáo dục, các trường kém chất lượng sẽ lừa nhân dân.

Nhân dân là những ai? Là chính chúng ta, trong đó có các nhà lãnh đạo giáo dục, các thầy cô giáo, các nhà báo… Không, người dân không dốt đến mức để dễ dàng bị lừa lọc.

 Không thể từ chối thay đổi

- Ông cho rằng Việt Nam mới thương mại hóa giáo dục nửa vời. Tại sao vậy?

- Bởi vì chúng ta không có một quan điểm minh bạch và sòng phẳng về các trường đại học kinh doanh.

Chính vì sự thiếu minh bạch và thiếu sòng phẳng này, người ta có thể nhân danh công ích để tìm kẽ hở của pháp luật nhằm thu lợi bất chính trong việc xin đất để xây trường, nộp thuế...

Mặt khác, cũng chính vì sự thiếu minh bạch và thiếu sòng phẳng này, các trường đại học kinh doanh vấp phải muôn vàn khó khăn.

Khi cho phép mở trường tư, chúng ta đã chấp nhận thương mại hóa giáo dục. Nhưng đồng thời, bằng kỳ thi đại học đại trà và quy định về điểm sàn, chúng ta cũng chặn đứng nguồn tuyển sinh của các trường ngoài công lập.

Không có sinh viên thì không thu được học phí, không có nguồn thu. Mà không có nguồn thu thì không một trường tư nào có thể tồn tại, chưa nói đến đầu tư cho phát triển và nâng cao chất lượng. Như thế, cái chết của đại học ngoài công lập Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Thí sinh dự thi ĐH năm 2013.

Chúng ta cũng cần phải nhắc đến một kết quả không đáng mong đợi khác. Theo quy định hiện nay, những em học sinh thi trượt đại học không thể vào học các trường đại học của Việt Nam, cho dù có muốn trả tiền để theo học. Người ta buộc phải nộp số tiền hàng chục ngàn dollars đó cho các trường của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, nơi người ta không yêu cầu thi đại học.

Nghịch lý là ở chỗ, các trường đại học của Việt Nam đang nghèo, đang cần đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất, thu hút thầy giỏi, nhưng lại không được phép nhận số tiền học phí rất cao đó. Rõ ràng, chính sách của chúng ta buộc người dân phải dành tiền để làm giàu cho các trường đại học nước ngoài.

- Vẫn có những nước có nền giáo dục tiên tiến mà giáo dục công lập vẫn là chủ đạo, như nhiều nước châu Âu…

- Chúng ta không thể từ chối thương mại hóa giáo dục còn vì những thay đổi về bản chất của chính nền giáo đại học. Mô hình công ích chỉ phù hợp với một nền đại học tinh hoa, dành cho một thiểu số đặc tuyển. Nhưng xu hướng chung của thế giới là phổ cập đại học.

Xu hướng phổ cập đại học không phải là ngẫu nhiên; nó phản ánh những thay đổi sâu sắc về bản chất và chức năng của trường đại học:

Bây giờ, trong nền kinh tế tri thức, học đại học cũng chỉ là tối thiểu. Trong một số ngành, thậm chí đến trình độ tiến sĩ cũng chỉ là học nghề. Ngoài ra, người ta còn học đại học vì sự phát triển cá nhân, làm đẹp bản thân về mặt trí tuệ, cái mà tôi gọi là “mỹ phẩm trí tuệ”. Ở Hàn Quốc, đến trên 80% học sinh tốt nghiệp phổ thông học tiếp lên đại học.

Xu hướng phổ cập đại học làm cho những nền giáo dục mù lòa trước thực tế cuộc sống, rơi vào khó khăn chồng chất.

Nền đại học Pháp là một ví dụ điển hình. Do học phí rất thấp, trong khi số sinh viên rất lớn, các đại học Pháp luôn luôn phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt tài chính, dẫn đến sự lạc hậu về cơ sở vật chất. Đại học (công ích) của Pháp còn thế, chắc chắn tương lai nền đại học công ích của Việt Nam sẽ không sáng sủa hơn.

- Vậy thì, theo ông như thế nào là “thương mại hóa giáo dục đại học một cách hợp lý”?

- Mặc dù hai mô hình giáo dục công ích và kinh doanh đều có những ưu và nhược điểm, nhưng chúng ta hầu như không còn cơ hội để lựa chọn.

Chúng ta gần như bị buộc phải chấp nhận thương mại hóa giáo dục đại học, một khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Không những phải chấp nhận mà chúng ta còn cần phải chủ động thương mại hóa giáo dục đại học một cách hợp lý.

Cần phải coi các trường đại học vì mục đích kinh doanh là những doanh nghiệp, chịu sự kiểm soát của nhà nước thông qua pháp luật, trước hết là Luật doanh nghiệp và Luật giáo dục đại học.

Bộ GD-ĐT nên kiểm soát chất lượng thông qua các quy định về chương trình, tài liệu, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường, thay vì kiểm soát đầu vào thông qua kỳ thi đại học đại trà và điểm sàn như hiện nay.

Nói cách khác, chúng ta nên cho phép các trường tự tuyển sinh, áp dụng chế độ thu học phí cạnh tranh và chịu trách nhiệm vềchất lượng trước nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta nên tập trung đầu tư cho một vài trường đại học công có trình độ cao, với chế độ thi tuyển đầu vào rất chặt chẽ.

Sinh viên các trường này được hưởng học bổng toàn phần, đủ để họ toàn tâm toàn ý vào học tập nghiên cứu. Các học bổng này là sự ưu tiên của xã hội dành cho công tác đào tạo tầng lớp trí thức tinh hoa của đất nước, vì thế nó không chỉ dựa trên kết quả thi đầu vào, mà cần phải được quyết định lại hàng năm căn cứ vào kết quả học tập.

Thương mại hóa giáo một cách hợp lý, theo tôi, là con đường duy nhất để phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Khăng khăng cự tuyệt thương mại hóa giáo dục, vì thế, đồng nghĩa với tự đầu hàng ngay trên sân nhà.

- Nếu bắt đầu từ thời điểm này, theo ông cần xuất phát từ đâu?

-Theo tôi, phải thay đổi ngay cách tuyển sinh đại học.

Kỳ thi đại học đại trà kết hợp với quy định điểm sàn như đang được áp dụng hiện nay, theo tôi, có tác động rất tiêu cực, thậm chí có thể nói là hết sức phản tiến bộ.

Các cá nhân, sau khi đóng thuế (tức là đã tham gia đóng góp đầy đủ cho xã hội, bao gồm cả đóng góp cho giáo dục công ích) cần phải được khuyến khích đầu tư cho giáo dục con cái họ, cho dù con cái họ có thể không thuộc nhóm người có tư chất xuất sắc để được hưởng ưu tiên của xã hội (tức là học tại các trường công ích).

Nỗ lực học tập của bất kỳ ai cũng chỉ là điều tốt lành cho xã hội. Hơn nữa, học tập bằng tiền của mình, đó là một quyền chính đáng của mọi người dân. Thế nhưng các kỳ thi đại học đã loại bỏ quyền đó của rất nhiều người, cũng tức là kìm hãm sự nâng cao dân trí.

 

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm