Nhiều người tận dụng chính sách đổi, trả của các thương hiệu để có thể trải nghiệm nhiều sản phẩm khác nhau. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Mỗi tháng, Katherine Hứa (28 tuổi, quận 8, TP.HCM) dành hơn 50% thu nhập cho việc mua sắm. Túi xách, giày dép là những món đồ cô chi trả nhiều nhất. Nhân viên văn phòng này cho biết từng quẹt thẻ hàng trăm triệu đồng cho một chiếc túi hàng hiệu.
Tuy vậy, với riêng quần áo, Katherine lại ưu ái thời trang nhanh và thường xuyên tận dụng chính sách đổi, trả từ các thương hiệu để được mặc sản phẩm mới.
"Nhiều hãng cho phép khách hàng đổi, thậm chí trả đồ trong 30 ngày. Tôi cho rằng việc trải nghiệm sản phẩm rồi đổi, trả là bình thường, miễn sao khách hàng không làm tổn hại đến món quần áo", cô chia sẻ với Zing.
Mua đồ rồi đổi, trả
Không cắt mác, tránh làm sờn rách váy áo là thói quen ăn mặc của Katherine. Đây là bí quyết để cô đảm bảo việc đổi, trả hàng thành công.
Katherine có thói quen giữ nguyên mác, hóa đơn sau khi mua hàng để tiện đổi trả. |
Theo Katherine, túi xách, giày dép cao cấp là những món đồ có thể tái sử dụng nhiều lần, hiếm khi lỗi mốt và đáng để đầu tư. Ngược lại, đối với quần áo, cô ưu tiên lựa chọn thời trang nhanh để có thể nhanh chóng "xoay vòng".
"Tôi sẽ mua đứt những mẫu cơ bản, dễ phối, mặc nhiều lần. Với những mẫu chỉ để đi sự kiện hoặc chụp ảnh, tôi thường giữ mác và mặc một lần, sau đó đến cửa hàng đổi, trả, bù tiền lấy mẫu khác", Katherine cho hay.
"Trên mạng xã hội, nhiều bạn bè khen tôi lắm quần áo, toàn đồ đẹp", cô nói thêm.
Sau 3 năm liên tục sử dụng quyền lợi đổi, trả sản phẩm thời trang, Katherine khẳng định mình rất am hiểu chính sách của các thương hiệu. Để dễ đổi mẫu, cô chú ý giữ lại toàn bộ hóa đơn cho đến túi giấy, mỗi món quần áo đều được sử dụng cẩn thận, "còn nguyên như mới".
"Tôi cũng áp dụng phương thức tương tự với trang sức. Nhiều thương hiệu cho phép đổi, trả khá thoải mái. Việc trải nghiệm vòng tay, nhẫn hay dây chuyền cũng khó làm hư hại sản phẩm", cô kể.
Phương Hằng thừa nhận cô tranh thủ chụp ảnh trước khi đem đồ đi đổi trả vì không phù hợp. |
Phương Hằng (25 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng thừa nhận có thói quen đổi, trả hàng sau khi đã mua và trải nghiệm một lần.
Nhiều năm qua, cô là khách hàng trung thành của một loạt local brand (thương hiệu nội địa) có chính sách đổi, trả dễ chịu.
"Tôi là người không quyết đoán, thường luôn thay đổi quyết định sau khi mua đồ", cô phân trần.
Theo lời Hằng, những chiếc gương, ánh đèn ở các shop quần áo đều khiến khách hàng trông mảnh mai và phù hợp với trang phục. Tuy nhiên, đến khi thử quần áo tại nhà, cô mới thấy được sự khác biệt.
"Đồ mang về từ tiệm, tôi mặc thử, chụp ảnh một lúc rồi gói lại như mới. Nếu mặc lâu, quần áo ám mùi mồ hôi hoặc có vết dơ sẽ gây khó dễ cho cả nhân viên và mình", cô bày tỏ.
Thương hiệu thời trang gặp khó
Khi một số khách hàng hưởng lợi vì chính sách đổi, trả thời trang, không ít thương hiệu lại đau đầu bởi phải tìm cách xử lý hàng đã qua sử dụng, không thể buôn bán tiếp cho ai.
Lê Tâm An (28 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), quản lý nhóm chăm sóc khách hàng một nhãn hiệu quần áo, cho biết đã phải thay đổi chế độ bảo hành 3 lần liên tiếp trong 2 năm qua để hạn chế tình trạng khách mua hàng mặc một vài lần rồi mang đến đổi, trả sản phẩm.
Hiện tại, toàn bộ các cửa hàng của An đều không chấp nhận hình thức trả hàng hoàn tiền đối với khách hàng mua trực tiếp. Đối với sản phẩm online, cửa hàng chấp nhận cho trả hàng trong thời gian 30 ngày với lỗi từ nhà sản xuất.
Theo lời An, đã được đào tạo bài bản, song không ít lần nhân viên của anh vẫn nhận nhầm những sản phẩm đã qua sử dụng, bị tổn hại từ khách hàng. Nếu bị phát hiện ra lỗi, nhân viên này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bằng cách mua lại/đền bù.
"Để tránh tình trạng đổi, trả liên tục, chúng tôi chỉ chấp nhận đổi một lần cho mỗi hóa đơn. Sản phẩm sau khi đổi không còn được áp dụng chính sách đổi, trả lần sau, ngoại trừ trường hợp do nhà sản xuất. Đôi khi, nhiều khách hàng đổi quần áo rất nhiều lần, lớn tiếng với nhân viên khiến các bạn lo lắng mà nhận lại đồ", An nói.
Các thương hiệu thời trang gặp khó khi khách hàng liên tục đổi, trả không lý do. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Trong khi đó, Hoài An (28 tuổi, quận 8, TP.HCM), quản lý một cửa hàng thời trang, cho biết các chính sách đổi, trả nhanh, gọn là nỗ lực của local brand này nhằm kích cầu khách hàng mua sắm.
Theo đó, tất cả khách hàng đều được đổi hoặc trả đồ đến 3 lần trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được sản phẩm, bao gồm cả những sản phẩm đã mặc thử.
"Lợi dụng sự dễ tính này của chúng tôi, nhiều bạn cố tình mua về mặc rồi lại đổi, trả. Quá trình trao đổi online, chúng tôi khó lòng xác định được các tổn hại trên sản phẩm. Với các món đồ rách, sờn, có mùi và không còn có thể bán lại được cho khách mới như quần short, áo thun, chúng tôi sẽ gửi cho chương trình từ thiện. Đối với các sản phẩm như vớ, đồ lót, cửa hàng sẽ cho tiêu hủy 100%", anh nói.
Còn theo Hương Giang (31 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), quản lý một thương hiệu thời trang, việc đổi, trả sản phẩm là "chuyện như cơm bữa" trong lĩnh vực này.
"Cửa tiệm tôi chỉ phải xử lý khoảng hơn 10 đơn hoàn trong một tháng, ít hơn nhiều so với các đơn vị khác trong ngành. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đối mặt với nhiều trường hợp khó xử", Giang cho biết.
Chính sách chung của cửa hàng Hương Giang cho phép khách hoàn trả hàng trong vòng 7 ngày. Mặc dù thông báo quy định cụ thể, rõ ràng, cửa tiệm vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình giải quyết yêu cầu đổi, trả.
Cụ thể, khi khách đến tận nơi đổi đồ, nhân viên của Giang có thể hỏi lý do, tư vấn dòng sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, khi người dùng đặt hàng qua ứng dụng mua sắm, người bán buộc phải chấp nhận yêu cầu hoàn hàng theo quy định của sàn thương mại điện tử.
"Đối với các sản phẩm rách, hỏng khuy do lỗi của nhà sản xuất, chúng tôi chịu 100% chi phí vận chuyển và lập tức hoàn tiền cho khách. Đối với trường hợp người mua chọn sai kích cỡ, không thích màu sắc, chúng tôi không hỗ trợ phí đổi, trả", Hương Giang chia sẻ.
Nhận thấy nhiều bạn trẻ có xu hướng mua đồ, diện một lần chụp ảnh rồi trả lại, đội ngũ nhân sự của Giang được đào tạo kỹ năng phân biệt sản phẩm đã qua sử dụng. Bên cạnh việc kiểm tra tem mác, nhân viên bán hàng của thương hiệu này có thể căn cứ vào mùi nước giặt tẩy, nước hoa để nhận biết.
Khi nhận về những sản phẩm còn nguyên nhãn mác song có vết bột xà phòng, hương nước xả vải, cửa hàng đều từ chối yêu cầu đổi, trả. Hương Giang khẳng định không thể "tặc lưỡi cho qua" mà thu hồi váy áo đã mặc, bán cho khách khác.
"Đó là uy tín lâu dài của thương hiệu trong lĩnh vực thời trang. Chúng tôi không thể vi phạm đạo đức kinh doanh để chiều lòng một số khách hàng", nữ quản lý tâm sự với Zing.
Theo Bloomberg, làn sóng hoàn trả hàng hóa đầu năm 2023 đã khiến nhiều doanh nghiệp thời trang đau đầu tìm cách xử lý. Trong tháng 1/2023, công ty xử lý yêu cầu đổi, trả cho các nhà bán lẻ ReBound đã phải chi nhiều hơn 20% số tiền hoàn khách hàng.
Zara, New Look và Boohoo Group Plc đã bắt đầu tính phí giao dịch khi người mua trực tuyến gửi lại sản phẩm. Tại Anh, khoảng 6 tỷ bảng Anh hàng hóa đã bị trả lại vào năm 2022. Con số này dự kiến tăng lên 7 tỷ bảng Anh trong năm 2027, theo GlobalData.
Tại Mỹ, 2,6 triệu tấn váy áo bị trả lại được chuyển tới các bãi xử lý rác thải, tạo ra 15 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm, theo Guardian.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.