'Cực chẳng đã mới phải cấm phim Việt'
“Món ăn tinh thần” phim ảnh nếu chứa chất "độc", chất "bẩn" càng nguy hiểm hơn, vì nó đầu độc tinh thần con người và lan nhanh ra cả xã hội.
>> ‘Bẫy cấp 3’ bị cấm phát hành ở Việt Nam
>> ‘Bẫy cấp 3’ tạm ngưng kế hoạch công chiếu
Bộ phim Bẫy cấp 3 bị cấm chiếu gây dư luận trong những ngày gần đây. TS Ngô Phương Lan, Cục Phó phụ trách Cục Điện ảnh chia sẻ về các về đề liên quan đến việc kiểm duyệt phim đang rất nóng hiện nay.
TS Ngô Phương Lan. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Không thể rập khuôn theo cách phân loại phim của Mỹ hay Hàn
Thời gian gần đây, một số phim nước ngoài lẫn Việt Nam đã không được cấp phép phổ biến tại VN dù đã được quảng bá ngày ra rạp rầm rộ trước đó. Phải chăng Hội đồng duyệt phim quốc gia đang siết chặt việc kiểm duyệt phim?
Hội đồng duyệt phim chỉ làm đúng chức năng của mình, nghĩa là thẩm định phim theo đúng quy định của Luật Điện ảnh, Nghị định 54/2010/NĐ-CP và Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim. Những phim vi phạm quy định của pháp luật thì không thể cho phép phổ biến.
Hai bộ phim gây ồn ào nhất thời gian qua bị cấm phổ biến tại thị trường VN là Trò chơi sinh tử và Bẫy cấp 3. Sau quyết định cấm này, cũng đã có nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến việc kiểm duyệt phim tại VN?
Phim không được phổ biến là những phim vi phạm Điều 11 Luật Điện ảnh và Điều 9 Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
- Hiện nay chúng ta chỉ có một mức phân loại phim duy nhất là: cấm khán giả dưới 16 tuổi, được cho là không phân loại được chính xác cả phim lẫn đối tượng khán giả. Theo bà, có cần thiết phải có thêm những tiêu chí phân loại phim mới để "lọc" người xem hay không?
- Việc đưa vào những tiêu chí phân loại hay không cần có quá trình khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những mức chuẩn phù hợp cho Việt Nam, không thể thấy Mỹ hay Hàn người ta phân loại thế nào thì mình cũng rập khuôn theo như vậy.
Còn bao nhiêu nước trên thế giới với bao nhiêu sự khác nhau, ta có "theo" hết được không? Và muốn có cách phân loại mới thì cần phải sửa đổi, bổ sung những điều khoản trong Luật, Nghị định và Quy chế.
- Một thành viên Hội đồng duyệt phim cho biết nhiều phim xem rất dở nhưng vì nó không phạm Luật nên vẫn phải cấp phép phổ biến, hậu quả là những "thảm họa màn ảnh" vẫn lọt cửa kiểm duyệt?
- Trong Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim đã quy định rõ những phim chất lượng không đạt 5 điểm thì sẽ không được phép phổ biến. Như vậy là ngoài việc vi phạm những điều cấm trong Luật và Nghị định, chất lượng phim cũng là điều kiện để căn cứ vào đó, phim được cấp giấy phép phổ biến hay không.
Bẫy cấp 3 không đạt chất lượng của một tác phẩm điện ảnh bởi các thành viên Hội đồng đều cho điểm dưới trung bình. |
Cụ thể, phim Bẫy cấp 3 không được phép phổ biến vì vừa vi phạm Luật và Nghị định về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, lại vừa không đạt chất lượng của một tác phẩm điện ảnh bởi các thành viên Hội đồng đều cho điểm dưới trung bình.
Phim ảnh nếu chứa chất "độc", chất "bẩn" càng nguy hiểm hơn
- Trên thực tế, những phim bị cấm phổ biến gần đây đều đã được quảng bá ngày ra rạp từ trước đó rất lâu, thậm chí đã ấn định ngày công chiếu và đặt chỗ tại nhiều rạp chiếu?
- Việc được quảng bá ngày phim ra rạp, ấn định ngày công chiếu trước khi có giấy phép phổ biến phim vừa vi phạm Pháp lệnh Quảng cáo vừa vi phạm Luật Điện ảnh.
Các nhà sản xuất hay phát hành phim muốn không bị thiệt hại trước hết phải nghiên cứu và nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực mình kinh doanh, hành nghề. Thử hỏi nếu ở Mỹ hay ở các nước phát triển khác, anh làm sai luật thì người ta có "thông cảm" và cho qua cốt để cho anh được lợi không?
Còn với những bộ phim vi phạm, nếu Hội đồng cố ý làm sai luật để "cho qua" thì chắc chắn nhà sản xuất và phát hành bộ phim ấy sẽ vỗ tay ca ngợi Hội đồng, nhưng biết bao người sẽ chịu thiệt hại về tinh thần vì những phim như thế? Xã hội sẽ chịu tác động xấu như thế nào từ những phim kiểu này?
Ai cũng mong muốn cơ quan chức năng ngăn chặn thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc, nhiễm bẩn vì chúng đầu độc sức khỏe con người. "Món ăn tinh thần" phim ảnh nếu chứa chất "độc", chất "bẩn" càng nguy hiểm hơn vì nó đầu độc tinh thần con người và lan nhanh ra cả xã hội. Như vậy, việc ngăn chặn có cần thiết không?
Cũng có ý kiến cho rằng Hội đồng khắt khe với phim Việt, dễ dãi với phim nước ngoài. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, phim Việt Nam luôn được Hội đồng xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Hầu như chưa có phim Việt nào bị cấm phổ biến.
Theo Vietnamnet