Cùng con bán hàng rong, bố bị nhầm là bảo kê
Cách làm táo bạo của một số bậc cha mẹ muốn con biết quý trọng sức lao động và dần hiểu được sự vất vả của cha mẹ là giúp con kiếm những đồng tiền đầu tiên bằng chính công sức của mình.
Gian hàng bánh gai và nước khoángcủa bé Hột (đeo kính) trong một hội chợ. |
Anh Kiên – admin một diễn đàn có tiếng dành cho các ông bố bà mẹ được nhiều người biết đến như một người có nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong vấn đề dạy con quản lý tài chính từ nhỏ. Với mục đích muốn con hiểu về luật nhân quả, về sự cố gắng và thành quả, anh Kiên không ngần ngại trong việc hướng dẫn và khuyến khích con làm việc để có tiền.
Không ít phụ huynh sẽ phải giật mình khi biết vợ chồng anh dạy con đếm tiền, tính tiền và kiếm tiền từ lúc cháu mới khoảng 6 tuổi. Nghe có vẻ to tát nhưng “công việc kinh doanh” đầu tiên của bé Hột - con anh chị là đi bán kẹo cao su.
Anh Kiên cho biết thực ra lúc đầu anh chỉ định dạy cháu học đếm, phép cộng, phép trừ nhưng nếu chỉ mang tiền ra đếm thì hơi đơn điệu và “không được tự nhiên” nên anh mạnh dạn khuyến khích cậu con trai đi bán kẹo cao su với sự “hộ tống” của bố phía sau. Hai bố con cùng ra đường đi bán… rong, bố đi theo chủ yếu để động viên và nói chuyện cùng Hột, còn “chào mua hàng” vẫn để tự bé làm.
Tuy nhiên, bán ngoài đường không được nhiều người mua nên hai bố con chuyển địa bàn sang bán chủ yếu ở bệnh viện và trường học. Ông bố này tâm sự, cảnh Hột mời mọi người mua kẹo không khác gì… trẻ lang thang. Thậm chí, dở khóc dở cười nhất là nhiều người thấy vậy tưởng anh là kẻ chuyên chăn dắt, bóc lột trẻ mồ côi.
Từ phi vụ kinh doanh đầu tiên của hai bố con, anh thấy việc cho trẻ tiếp xúc với tiền, dạy trẻ cách kiếm tiền sớm cũng có nhiều cái lợi. “Trẻ dần hiểu được công việc của cha mẹ, hiểu được những giới hạn, về sự cố gắng và kết quả, giúp cho trẻ phân biệt được đồng tiền do công sức khác với đồng tiền không phải của mình, và rồi được chuẩn bị cho tương lai về sau. Vì làm người lớn chúng ta phải kiếm sống và nuôi gia đình, chúng ta cần có tiền một cách lành mạnh” – anh chia sẻ.
Chính vì thế, khi nào có cơ hội, anh lại tạo điều kiện giúp con thể hiện khả năng kinh doanh bằng cách đi bán hàng rong hoặc bán hàng ở gian hàng dành cho các bé kinh doanh tại hội chợ do cơ quan anh tổ chức.
Không cầu kỳ về mặt hàng hay hình thức kinh doanh, Hột chỉ bán những thứ nho nhỏ như kẹo cao su vì nó nhỏ, dễ mua, dễ bán và dễ tính toán. Dịp hội chợ gần đây nhất, Hột bán bánh gai và nước khoáng với giá 7 nghìn một chiếc bánh và 5 nghìn một chai nước.
Tiền kiếm được từ “buôn bán”, vợ chồng anh cho con mua một vài thứ đồ chơi mà cu cậu thích, còn lại chủ yếu để mua sách vở. Ông bố này cho biết tuy khuyến khích con học cách lao động, kiếm tiền từ nhỏ nhưng không phải vì thế mà cho con sử dụng thoải mái số tiền kiếm được. Ngược lại, anh chị quản lý tiền nong của con khá chặt. Những khoản tiền mà cháu nhận được như tiền mừng tuổi, tiền người thân cho… nếu là khoản lớn thường giao mẹ cất đi và cho cháu ghi lại. Còn các đồng tiền nhỏ thì cháu có thể tự giữ. Nhưng khi mua bán gì đều phải hỏi ý kiến bố mẹ và chỉ được phép mua những thứ cần thiết. Thỉnh thoảng anh chị cũng cho cháu ít tiền tiêu vặt (năm nay Hột đã 10 tuổi) nhưng không thường xuyên lắm.
Không chỉ kiếm được tiền từ bán hàng, Hột còn có một nguồn thu khác từ việc làm giúp bố một số việc. Anh Kiên cho biết thỉnh thoảng có “thuê” con trai làm một số việc và có trả công đàng hoàng, như phát tờ rơi về hội chợ của cơ quan anh hay dịch một câu chuyện… Cu cậu tỏ ra rất có phẩm chất kinh doanh khi mang tờ rơi đến nhờ cô giáo phát hộ cho các bạn. Nếu không nhờ được thì cậu đi thuê lại các bạn để cùng nhau phát được nhiều hơn.
"Nếu cháu thắng các cô đồng nghiệp của bố trong trò thi đánh máy này cháu sẽ được thưởng 500 nghìn. Cộng thêm tiền cháu có nữa, cháu định mua bộ Lego giá 799 nghìn. Nó đang được giảm giá 10%!" - Hột khoe khi đang cắm cúi nâng "level" trong trò tập đánh máy.
Hai bố con anh thỉnh thoảng cũng có trao đổi với nhau về tiền bạc và anh chị có định hướng cho con nên có những kế hoạch dài hạn như dành dụm tiền để mua được thứ gì đó lớn mà con thích. Cho đến giờ, với cách dạy con quản lý tiền bạc mà anh chị áp dụng, anh Kiên chia sẻ rằng anh rất vui vì con trai đã có ý thức trân trọng đồng tiền và dùng tiền khá hợp lý. Có những lúc cu cậu nói muốn mua cho bố cái kem, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng anh cảm thấy rất xúc động.
Theo Vietnamnet