Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cung đường đá nở hoa quyến rũ ở Hà Giang

Đường Hạnh Phúc là con đường nối liền những ngọn núi, phá thế biệt lập cho miền cao nguyên đá Đồng Văn.

Đường dài 185 cây số, điểm đầu là thành phố Hà Giang, điểm cuối là huyện Mèo Vạc. Con đường trở thành điểm đến của nhiều du khách. Từ khoảng tháng 9 đến tháng 11, con đường này dập dìu du khách bởi màu vàng mùa lúa nương chín và hiện là mùa của hoa tam giác mạch. Tháng 11, hoa chuyển từ màu hồng, đỏ sang màu tím, đẹp đến nao lòng.

Có một con đường vắt vẻo qua những ngọn núi cao ẩn trong làn mây trắng, kết nối những bản làng suốt trên hành trình 185 cây số. Đó là con đường mang tên Hạnh Phúc - điểm đầu là trung tâm thành phố Hà Giang và điểm cuối là ngôi chợ phiên nổi tiếng Mèo Vạc. Mùa này, con đường Hạnh Phúc càng trở nên lãng mạn bởi là “mùa đá nở hoa”.

Chỉ có khoảng 20 cây số đầu tiên tính từ trung tâm tỉnh Hà Giang trở ra, đường Hạnh Phúc khá êm ái và bằng phẳng. Ta có thể chạy xe bon bon trên đường dưới cái nắng lành lạnh của những ngày sắp bước vào mùa đông. Từ đó trở đi, tức khoảng 90% chiều dài, đường Hạnh Phúc không hề đơn giản.

Thế nhưng, ai đã một lần đặt chân đến đây thì chắc chắn sẽ quay trở lại bởi sự hấp dẫn của nó. Chúng tôi bắt đầu con đường Hạnh Phúc ở chiều ngược lại với phiên chợ sừng hay còn gọi là chợ lùi tại Mèo Vạc, tức km 185, cũng là điểm cuối của con đường.

Chợ phiên Mèo Vạc đánh thức mọi người bởi tiếng bước chân, tiếng trò chuyện của người đi chợ và tiếng chân bò, ngựa khua trên đường. Không ít người phải đi bộ từ đêm trước để đến chợ vì bản làng nằm xa trung tâm. Người ta cất công đi chợ nhưng chợ chỉ nhóm một buổi thì tan. Dù vậy, đến mỗi phiên chợ, mọi người lại náo nức. Có khi đến chợ để gặp gỡ bạn bè, uống rượu ngô, ăn thắng cố chứ chẳng mua bán gì.

Giữa trưa nắng chang chang, nhưng mùa này đường Hạnh Phúc khá lạnh. Chúng tôi mau chóng rời phiên chợ để bắt đầu chinh phục con đèo ngoạn mục trên cung đường này.

Đó là đèo Mã Pì Lèng hay còn gọi là sống mũi ngựa bởi địa hình đèo thẳng đứng. Nằm trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, con đèo này rất hiểm trở. Lên đèo, xe máy chỉ kéo được số 1 hoặc số 2. Có những lúc phải để số 1 đi hàng cây số.

Khung cảnh xung quanh đầy quyến rũ nhưng chúng tôi chẳng dám thưởng thức mà phải luôn dán mắt về phía trước. Cứ vài chục mét lại có một khúc quanh, lơ là là rớt đèo như chơi. Cứ chạy đến khi thấy ngôi nhà nằm ở góc vực của đèo là biết đã chinh phục đỉnh. Chẳng bõ công cầm lái đoạn đường nguy hiểm này khi thiên nhiên đầy ngoạn mục hiện ra trước mắt.

Mộc Châu đẹp như tranh những ngày giáp Tết

Những rừng hoa mận đang nở trắng các triền đồi, chân núi cùng những làn mây mờ ảo trong nắng sớm khiến cho cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) đẹp ngút ngàn như một bức tranh.

Những dãy núi đá tai mèo đen kịt nối liền nhau như một bức trường thành khổng lồ. Sâu hun hút bên dưới là dòng sông Nho Quế chỉ còn một vệt nhỏ như một tấm vải lụa lượn giữa hai ngọn núi.

Đỉnh của Mã Pí Lèng nằm ở độ cao khoảng 2.000 mét so với mực nước biển. Buổi trưa, trời quang mây. Còn buổi sáng hoặc chiều, đỉnh đèo luôn ẩn mình trong sương mờ dày đặc, xe khó di chuyển được.

Chỉ khoảng 20 cây số nhưng đội mở đường phải đu mình trên đá suốt gần một năm ròng để đục đá tạo một con đường rộng chừng 4 tấc trong những năm chiến tranh. Thế mới thấy mức độ hiểm trở của cung đường. Đúng là hạnh phúc khi có con đường xuyên cao nguyên đầy đá tai mèo của miền đá Đồng Văn.

Từ đây, chạy thêm một đoạn đường dốc thoai thoải nữa là đến với thị trấn Đồng Văn nổi tiếng với những ngôi nhà bờ rào đá có trên một thế kỷ, nổi tiếng với phiên chợ nhóm vào cuối tuần và ngôi chợ cổ lâu đời. Phiên chợ, đời sống con người đầy nên thơ, cùng với không gian cổ kính là đề tài của nhiều tác phẩm văn học, thơ, nhạc của giới văn sĩ.

Rong ruổi đi tiếp con đường Hạnh Phúc là nhà vua Mèo Vương Đức Chính. Đây là ngôi nhà cổ đã được khai thác du lịch. Nhà được xây dựng theo kiến trúc đậm chất Trung Hoa xưa. Khi đường sá lên miền đá chưa thông như bây giờ, vùng đất này như một ốc đảo. Bây giờ, những cánh đồng hoa anh túc đã thay bằng lúa nương và những cây trồng khác. Mùa này miền đá nở hoa với những thửa ruộng bậc thang đỏ màu hoa tam giác mạch. Những hốc đá cũng được trồng bắp.

Phần còn lại của con đường Hạnh Phúc ít hiểm trở hơn, đi qua những bản làng, nối liền những thửa ruộng bậc thang xa tít tắp. Gần cuối cổng trời là hai ngọn núi tròn trĩnh như đôi gò bồng đảo. Người ta gọi đó là Núi Đôi hay núi Cô Tiên. Cư dân vùng này khá giàu có. Xen lẫn vào nhau giữa những cánh đồng lúa là những ngôi biệt thự, hàng quán sung túc. Ngược lên dốc là cổng trời Quản Bạ. Đó là vị trí cao nhất của khu vực này. Ngày xưa, tại đỉnh này có một cánh cửa ngăn cách hai bên.

Bây giờ, đường sá mở rộng, cổng trời trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Qua khỏi cổng trời là xuống một con đèo lớn cũng chính là cửa ngõ của miền đá Đồng Văn. Từ cổng trời đi thêm 50 cây số là đến điểm đầu của đường Hạnh Phúc, tức km 0 tại trung tâm thành phố Hà Giang.

http://dongvan.gov.vn/index.php/duong-tren-may-duong-hanh-phuc/

Theo Nguyên Bình / Dongvan.gov

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm