Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cùng sống tại TP.HCM, nhiều bạn trẻ cũng không muốn ở với cha mẹ

Cuối năm 2021, Đỗ Phụng (21 tuổi) dọn ra riêng. Từ ý định ban đầu là muốn sống tự do hơn, sau này, cô mới tự nhận lựa chọn này khá liều và bốc đồng do chưa có sự chuẩn bị trước.

"Muốn là đi thôi. Tôi quyết định chuyển nhà chỉ trong một vài ngày. Kiếm phòng sau đó cọc tiền luôn", Phụng kể.

Có nhà của bố mẹ ở Gò Vấp, cô vẫn quyết định chuyển tới một căn hộ, sống một mình.

Đi làm từ khá sớm, Phụng chuyên thiết kế, vẽ tranh dạo và nhận các công việc về mỹ thuật. Năm 18 tuổi, cô đã có thể tự đóng tiền học, mua máy tính. Thời điểm bắt đầu sống tự lập, cô đã có một khoản tiền tiết kiệm và thu nhập từ công việc freelance.

"Vì vậy, khi tôi nói chuyển ra ngoài, mọi người đều vui vẻ, mẹ chỉ lo chuyện tôi tiêu tiền hơi quá tay và dặn phải tiết kiệm thôi. Bạn bè tôi cũng vui vì có một chỗ để tụ tập với nhau", cô nói với Zing.

nguoi tre o rieng anh 1

Đỗ Phụng quyết định dọn khỏi nhà cha mẹ để làm quen với cuộc sống một mình. Ảnh: NVCC.

Là người yêu thích nghệ thuật, Đỗ Phụng tìm một nơi có view đẹp để có thêm cảm hứng sáng tác.

Phòng cô thuê là căn hộ cao nhất trên tầng 5, diện tích khá rộng. Khi mới chuyển đến, cô tự tay decor lại toàn bộ căn phòng cho hợp phong cách của mình.

Tuy vậy, mọi thứ không phải chỉ có màu hồng. Sống một mình, cô phải gồng gánh tài chính nhiều hơn, chủ động làm việc nhà, nấu ăn, học cách sắp xếp cuộc sống gọn gàng.

"Nói đơn giản là không còn chuyện cứ về nhà là có ăn như hồi sống chung với ba mẹ. Khi sống độc lập, bạn đối mặt mọi thứ một mình", Phụng kết luận.

Tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, việc sống chung với cha mẹ cho đến khi kết hôn không hề hiếm gặp. Đặc biệt, đối với những người trẻ chọn học tập, làm việc tại ngay thành phố mình đang sinh sống, quá trình ra riêng thậm chí còn trễ hơn.

Tuy nhiên, ngày nay, lập gia đình không còn là lý do chủ yếu khiến người trưởng thành muốn chuyển ra ngoài sống. Sự thoải mái về tinh thần, học cách tự chủ tài chính, theo đuổi lối sống độc lập... trở thành những động lực mới thúc đẩy cuộc sống một mình ở những đô thị lớn.

Không gian riêng để trưởng thành

Đào Tâm (28 tuổi) bắt đầu ở riêng từ tháng 11/2021. Cha mẹ anh ủng hộ quyết định này nhưng vẫn lo lắng con trai sẽ tốn thêm nhiều chi phí sinh hoạt và chuyện ăn uống không được đảm bảo.

Lý do đầu tiên khiến Tâm muốn ra riêng là bởi gia đình sống ở khu vực ngoại thành và xa chỗ làm. Anh không muốn mất nhiều thời gian di chuyển mỗi ngày. "Việc ở xa cũng sẽ khiến tôi có xu hướng lười biếng, ở nhà nhiều hơn là ra ngoài".

Nguyên nhân thứ hai là Tâm muốn tự lập và có không gian riêng. "Nói như vậy không có nghĩa là ở nhà bố mẹ gò bó. Tôi nghĩ những bạn chọn ra riêng đều có chung một suy nghĩ: Khẳng định sự trưởng thành và có thể tự lo liệu, cân đối tốt cho cuộc sống của bản thân trên nhiều khía cạnh như sức khỏe, sự nghiệp, tài chính và các mối quan hệ".

Với chàng trai 28 tuổi, ra riêng không chỉ đơn thuần là đổi chỗ ở, mà nó như là lời cam kết, chịu trách nhiệm với lựa chọn và toàn bộ cuộc sống cá nhân.

"Tôi đã cân nhắc một thời gian và quyết định ra riêng chỉ khi thấy đã vững vàng. Thực tế là tôi từng ở trọ khi học đại học nhưng lần này rất khác".

nguoi tre o rieng anh 2

Đào Tâm chọn sống riêng vì muốn đi làm gần và học cách tự lập tài chính, cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Tâm cùng một người bạn chọn căn chung cư 55 m2, có hai phòng ngủ ở quận 8 với giá thuê 7 triệu đồng/tháng.

Ưu điểm là nhà rất thoáng mát, đồ đạc còn mới. Nhược điểm duy nhất là khu bếp hơi chật chội.

Khi ra ngoài sống, Tâm lại cảm nhận mình hướng về gia đình, quan tâm và muốn chăm sóc cho các thành viên nhiều hơn. Mỗi khi về nhà, anh đều mua đồ ăn và để ý xem ở nhà liệu có cần thêm đồ đạc, có việc gì cần mình phụ giúp hay không.

"Nếu như cứ mãi ở nhà, cơm ba bữa có bố mẹ lo, nhiều khi đồ ăn thức uống bố mẹ mang lên tận phòng thì tôi sẽ không thể hiện được sự quan tâm của mình với gia đình như bây giờ. Tôi cũng biết sắp xếp thời gian để vừa chăm sóc bản thân, vừa làm tốt công việc. Tôi tự nấu ăn ở nhà và tập thể dục thường xuyên. Những điều đó không chỉ tốt cho bản thân mà còn khiến bố mẹ yên tâm", anh chia sẻ.

Theo Tâm, điều quan trọng nhất khi sống riêng là cần ý thức được rằng bạn sẽ chăm sóc tốt cho bản thân vì điều đó là cần thiết chứ không phải "việc phải làm để bố mẹ không lo lắng". Tiếp theo là phải có sự vững vàng nhất định về tài chính, công việc để tìm được chỗ ở phù hợp với nhu cầu.

"Tôi nghĩ khi sống thoải mái rồi thì mọi chuyện mới dễ thở, tinh thần tốt sẽ giúp chúng ta làm tốt những việc khác. Nếu cứ nhất quyết ra riêng khi bản thân chưa sẵn sàng, chọn một chỗ ở 'tàm tạm' rồi tự thấy bí bách với điều kiện của mình thì đó không phải lựa chọn sáng suốt", Tâm bày tỏ.

Ở nhiều nước, việc một người trẻ rời khỏi nhà cha mẹ là bình thường và là dấu mốc được mong đợi, thường xảy ra ở tuổi 18 hoặc thời điểm kết thúc trung học.

Nhưng trong nền văn hóa bảo thủ hơn của châu Á, không có gì lạ khi người trưởng thành vẫn sống chung với cha mẹ. Ở Việt Nam, nhiều người thường chỉ chuyển ra ngoài lúc kết hôn, hoặc phải sống ở các đô thị lớn khác, không có nhà ba mẹ trong thành phố. "Ra riêng" là cụm từ được sử dụng chủ yếu cho các cặp vợ chồng mới cưới.

Nhưng khi độ tuổi kết hôn ngày càng tăng, nhiều gia đình đang phải thay đổi quan niệm về ý nghĩa của chuyện ra riêng.

Tự kiểm soát cuộc sống

"Thật ra nhà tôi là một nơi dễ chịu. Ba mẹ và hai anh em hợp tính nhau, nhà ở khu Bình Thạnh, gần trung tâm, dễ đi lại và ăn uống", Nguyễn Hoài Đình Thi (25 tuổi) thừa nhận.

Hàng ngày, mẹ sẽ dậy sớm nấu bữa sáng cho cả nhà. Tối, dù các con về muộn thế nào, mâm cơm để phần luôn đặt sẵn trên bàn. Quần áo thay ra luôn có người giặt và gập gọn gàng đặt trong tủ.

"Không có chính xác lý do gì để phải sống riêng, chỉ là sống với cha mẹ, tôi luôn ỷ lại vào sự chăm sóc của gia đình. Tôi trở nên lười biếng và có xu hướng 'mama boy' (tạm dịch: Con trai cưng của mẹ). Tôi cần phải đẩy mình vào cuộc sống độc lập hơn", Thi thừa nhận.

Sống cùng gia đình, anh không thể hoàn toàn kiểm soát không gian của mình. Ngay cả việc ăn uống, Thi cũng sẽ ăn những món được bày sẵn trên bàn.

Dù không cố tình, ba mẹ luôn có tiếng nói trong mọi quyết định của các con, từ việc nhỏ như nên mặc đồ theo phong cách nào, đi lại tới mấy giờ, làm công việc gì, chơi với bạn nào...

Trong khi nhiều bạn bè ở nơi khác tới Sài Gòn học đại học, lập nghiệp, tự thuê nhà, có người bắt đầu mua nhà, tách biệt cuộc sống với gia đình, Thi và em trai vẫn không biết dùng máy giặt, không bao giờ phải vo gạo, cũng chẳng biết tiền điện, nước tốn bao nhiêu.

Khi anh chia sẻ mong muốn ra ngoài, cha mẹ cảm thấy rất bất ngờ và có chút chạnh lòng. Cả hai người liên tục hỏi có phải đã làm gì khiến các con không thích.

nguoi tre o rieng anh 5

Sống riêng, chi phí hàng tháng đội lên rất nhiều, như tiền nhà, ăn uống, chi tiêu. Ảnh: NVCC.

"Tôi có chút cảm giác như mình đã bỏ lại cha mẹ và em trai ở nhà. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn đóng đồ đạc vào thùng, chuyển ra một studio thuê ở quận 2. Hàng tuần, tôi về ăn cơm cùng cha mẹ vào tối thứ 7, ngủ lại một đêm và dành phần lớn Chủ nhật ở nhà", Thi kể.

Sống riêng, chi phí hàng tháng của anh đội lên rất nhiều. Thi phải cày cuốc thêm công việc để trang trải tiền thuê nhà khoảng 7-8 triệu đồng, thêm ăn uống 2-3 triệu đồng.

Anh chủ động gửi ba mẹ 5 triệu đồng mỗi tháng, cho em trai 1 triệu tiền tiêu vặt.

"Từ khi sống một mình, tôi tự chủ được cuộc sống, kiểm soát hoàn toàn không gian của mình, từ chọn đồ gia dụng gì, tới theo đuổi chế độ ăn ít tinh bột và thịt đỏ. Dù đắt đỏ, nhưng đây thật sự là khoản xứng đáng để đầu tư", Thi kết luận.

Khó khăn và bất tiện

Tháng 10/2020, Tú An quyết định dọn ra ở riêng. Khi đó, nhà bố mẹ anh ở quận Tân Phú, công ty ở TP Thủ Đức, quãng đường 15 km tốn quá nhiều thời gian nên anh muốn chuyển về gần chỗ làm.

"Một lý do nữa là đã ở độ tuổi 30, tôi nghĩ mình cần chuyển ra ngoài để có khoảng không gian riêng tư hơn. Tôi đã trưởng thành rồi nên dĩ nhiên bố mẹ không có ý kiến gì về quyết định đó", Tú An chia sẻ.

Nơi đầu tiên anh thuê là căn hộ studio một phòng ngủ ở chung cư The Sun Avenue (TP Thủ Đức) có diện tích 30 m2, chỉ cách chỗ làm 7-10 phút đi xe máy.

Khi còn ở quận Tân Phú, mỗi buổi sáng, Tú An tốn 45 phút chỉ để di chuyển, chưa kể còn phải dậy sớm cả tiếng để ăn uống, vệ sinh cá nhân. Chuyển sang chỗ mới, anh có thêm thời gian ngủ vào buổi sáng, cũng không phải mệt mỏi trong cảnh tắc đường.

Thời điểm anh chuyển ra riêng là lúc trong dịch, không có nhiều người thuê nên giá khá rẻ, khoảng 15 triệu đồng/tháng, phù hợp với khả năng tài chính.

"Điều tôi thích nhất là ở chung cư có nhiều tiện ích xung quanh như cửa hàng tiện lợi, hồ bơi, phòng tập gym, khu đi bộ nội khu rất rộng rãi và an toàn".

Tuy nhiên, chung cư tại quận 2 nơi anh ở có những bất tiện nhất định. Phòng anh ở tầng 5, hướng ra đường quốc lộ nên buổi tối có nhiều xe container chạy qua, khá ồn ào. Chung cư này cách xa các quận trung tâm, ít hàng quán và tụ điểm vui chơi, gọi shipper cũng khó.

"Dù vậy, khi ở riêng, tôi có không gian để hẹn hò, đưa người yêu về. Sống với bố mẹ, những chuyện này không ai cấm, những cũng ngại ngùng", anh nói thêm.

Thời gian chuyển ra ngoài sống riêng, Tú An rút ra một số kinh nghiệm khi đi thuê trọ. Anh cho rằng mọi người cần dành thời gian tìm hiểu thật kỹ nơi mình muốn chuyển tới. Tiếp đến là phải có kế hoạch tài chính cụ thể, ví dụ hợp đồng thuê một năm thì xác định phải đóng cọc khoảng 2 tháng.

Khi tìm hiểu giá phòng trên mạng, thường chỉ mới có giá thuê phòng, chưa kèm thêm phí dịch vụ. Vì thế, khi đến xem phòng cần hỏi thật kỹ về phí quản lý, tiền điện nước, căn hộ đó có sẵn nội thất hay mình phải mua thêm.

Mỗi người cũng cần nhắc kỹ về chuyện sắm sửa nội thất. Có thể vừa ở thời gian ngắn, bạn muốn chuyển đi hoặc muốn về lại với bố mẹ, những chi phí sắm sửa như vậy rất tốn kém.

Người trẻ phải cân nhắc nhiều đến vấn đề tài chính khi quyết định dọn ra ở riêng. Ảnh: Juan Ordonez/Unsplash.

Với Đỗ Phụng, sau khi hết hợp đồng thuê nhà 6 tháng, cô lại tạm chuyển về nhà bố mẹ vì nơi thuê trọ có nhiều bất tiện.

Phòng có giá thuê 3,5 triệu đồng/tháng, đặt cọc một tháng. Phí giặt đồ 100.000 đồng/tháng nhưng máy giặt quá cũ nên cô phải đem đồ ra tiệm. Nhà không có thang máy nên cô phải leo bộ khá mệt, việc gửi xe cũng bất tiện.

Chủ nhà cũng không nhiệt tình trong việc sửa chữa, bảo trì phòng nên cô không hài lòng. "Chưa tìm được phòng mới nên tôi đành về nhà. Bố mẹ cứ bảo có nhà mà đi thuê trọ làm gì, nhưng tôi vẫn muốn ra riêng. Đợi công việc ổn định hơn, tôi sẽ tính toán thật kỹ rồi chuyển đi", Phụng bày tỏ.

Trong 6 tháng ra riêng, khi sống một mình và phải lo liệu mọi thứ, Phụng mới thấy những công việc bình thường mẹ làm mỗi ngày thực ra rất tuyệt vời.

"Tôi đi làm về mệt, không dọn một ngày thôi phòng đã rất bừa bãi, nuôi cả mèo nữa nên phải dọn liên tục. Tôi rất đuối sức trong khoản đó. Thế mà mẹ đi làm cả ngày nhưng nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng. Mẹ còn giặt hết quần áo, nấu cơm cho cả nhà, quan tâm tới từng thành viên. Những điều này tôi sẽ không bao giờ nhận ra nếu chưa phải sống một mình".

Trong tương lai, Phụng cho rằng bản thân phải học cách tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính tốt hơn khi sống riêng. Việc mua sắm tùy hứng khiến cô nhiều lần lạm chi.

"Tiết kiệm cũng là một loại kỹ năng phải học, mà tôi sẽ không thể học được nếu sống chung với gia đình", Phụng nói thêm.

Bỏ cuộc sau vài tháng 'thắt lưng buộc bụng'

Sau một tháng thực hiện kế hoạch tiết kiệm như ăn sáng tại nhà, mang cơm đi làm, di chuyển bằng xe buýt, vợ chồng chị Tâm lại quay về lối chi tiêu cũ vì "không thể cố thêm".

Huệ Lâm - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm