Luật sư Gregory Sarafan, 33 tuổi, mặc vest và đeo cà vạt để đi làm từ thành phố Jersey, bang New Jersey đến khu phố Tribeca ở Manhattan. Anh thường đi sớm hơn 30 phút để có thời gian làm mát văn phòng riêng trước khi tới tòa án cách đó một dãy nhà.
“Tôi ngồi dưới lỗ thông hơi trong văn phòng và dùng khăn giấy lau mồ hôi trên mặt. Bạn chẳng thể làm được gì ngoài việc cởi áo khoác, cà vạt và ngồi đó cho mát", anh chia sẻ.
Sarafan chuẩn bị sẵn trang phục tại văn phòng để thay đồ. Ảnh: Gregory Sarafan. |
Vì đi làm bằng một chuyến tàu và đi bộ hơn 3 km nên Sarafan thường mặc áo thun và một chiếc quần mỏng nhẹ. Anh đã chuẩn bị sẵn một bộ vest, áo sơ mi, vài chiếc cà vạt, giày tây tại văn phòng để dễ thay đồ trong những ngày nhiệt độ lên quá 32 độ C.
“Không ai muốn luật sư của mình xuất hiện với vẻ ngoài tã tượi”, anh nói.
Muôn cách đối phó với nắng nóng
Sau 2 mùa hè đại dịch, nhiều công việc có thể làm tại nhà, khi ấy phiên tòa của Sarafan còn được thực hiện online trên Zoom. Cuộc sống đang dần quay trở lại, nhiều chủ doanh nghiệp đau đầu với việc tìm cách để nhân viên đến văn phòng làm việc. Đồ ăn miễn phí như taco, pizza... đang trở thành một điểm thu hút.
Tuy nhiên, máy lạnh mới là yếu tố quyết định, có thể lôi kéo những người thích làm việc tại nhà tới văn phòng.
Pizza miễn phí không có ý nghĩa nhiều với họ. Điều duy nhất các công ty có thể làm để lôi kéo nhân viên đến văn phòng chính là chiếc máy lạnh.
Eric Busseau, 28 tuổi, một nhà tư vấn tài chính ở Chicago, thường xem dự báo thời tiết để quyết định có nên đến văn phòng để làm việc hay không. "Tôi sống trong một căn hộ cổ, có máy lạnh cửa sổ, nhưng nó không thể bì được so với loại máy lạnh công nghiệp ở văn phòng", anh chia sẻ.
Hank Lockie, một kiểm toán viên, cho biết chuyến tàu đến văn phòng ở Chicago của anh luôn ngột ngạt khi chật kín người. Anh nói: “Tôi luôn cố gắng đứng gần chiếc máy lạnh. Nhưng nếu không được, tôi sẽ tới góc xa nhất trên tàu, tránh mấy chiếc cửa. Thường thì tôi sẽ tìm được chỗ để quạt".
Túi đá lạnh của ông Jim Serrano. Ảnh: Jim Serrano. |
Hank đã tự gấp một chiếc quạt giấy để quạt trên màu. "Thi thoảng tôi thấy mọi người rướn lông mày nhìn tôi rất lạ lẫm, nhưng họ thông cảm cho điều đó. Vì tất cả đều thấy nóng và đổ mồ hôi".
Còn quãng đường đi bộ từ nhà ga đến văn phòng, Hank dường như phải "nhảy lò cò" để tránh ánh nắng. Anh thường đi phần đường có bóng tòa nhà che nắng.
Paul Cerro, 28 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ, quan sát nhà ga để tìm chỗ mát nhất trong các trạm ở thành phố New York. Anh phát hiện ra vị trí của các lỗ thông hơi thổi khí lạnh trong một số trạm, mặc dù một số chiếc bị hỏng.
"Đôi khi những lỗ thông hơi này thổi những luồng gió siêu lạnh, nhưng cũng có lúc chúng thổi gió nóng vào", anh nói.
Jim Serrano, một diễn viên 55 tuổi, đặt túi đá gel vào nách khi đi bộ đến studio ở Orlando, để ghi âm các buổi thử giọng. Ông còn kẹp những túi đồ ăn sẵn để đông ở nách cho mát. “Nghe có vẻ hơi thô thiển nhưng tôi thực sự đã làm vậy", ông nói.
Cách anh Blake tự chống nắng khi đạp xe. Ảnh: Blake Roark. |
Để đảm bảo không bị đổ mồ hôi sau khi đạp xe từ trạm chờ xe đến văn phòng ở Dallas, Blake Roark thoa kem chống nắng chống mồ hôi lên mặt và đội mũ bảo hiểm thoáng khí. Sau nhiều lần thử nghiệm trong tiết trời nắng nóng, anh chọn đạp xe với tốc độ chậm, khoảng 16 km/h.
Anh Roark mua một chiếc kính che mặt có thể tháo rời, chống côn trùng. "Như vậy, tôi không bị đổ mồ hôi quá nhiều khi đến nơi", Roark chia sẻ.
Tuy nhiên, những điểm giao lộ vẫn khiến anh lo lắng. “Chỉ cần ở đó trong 2-3 phút, bạn sẽ cảm thấy hơi nóng đang phả vào người”, anh nhận định.
Chloé Pascual, 39 tuổi, là một thủ thư ở Long Beach, California, mặc đồ thể thao để đạp xe đến văn phòng và sau đó mới thay quần áo khi đến nơi. “Mặc kiểu này giúp tôi không bị bí mồ hôi hay lo ngại việc váy bị tốc khi đạp xe", cô nói.
Động lực đi làm
Theo ông John Dooney, cố vấn kiến thức nhân sự của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, mặc dù một số nhà tuyển dụng có quy định về trang phục thoải mái khi đi làm, nhưng quần short không được chấp nhận ở nơi công sở, trừ những nơi không cần quá chỉn chu.
Craig Haydamack, Giám đốc nhân sự tại Milliken & Company, một nhà sản xuất công nghiệp ở Spartanburg, South Carolina, cho biết: “Chúng tôi không quá câu nệ chuyện ăn mặc khi yêu cầu nhân viên tới văn phòng làm việc vào đầu năm nay. Áo sơ mi kiểu polo, quần jean và giày thể thao được chấp thuận, ngoại trừ những ngày gặp gỡ khách hàng; nhưng quần short, áo không tay có vai áo nhỏ hơn 5 cm và dép xỏ ngón vẫn bị cấm".
Một số nhân viên né tránh những quy tắc cứng nhắc ở công sở bằng cách không đến văn phòng. Cái nắng mùa hè làm họ không có động lực đi làm.
Christopher Pich nhễ nhại mồ hôi trong phòng làm việc ở nhà riêng. Ảnh: Christopher Pich. |
Vào một ngày nắng nóng của tháng 6, Christopher Pich, giảng viên cấp cao về marketing và branding tại khoa kinh doanh thuộc Đại học Nottingham Trent, Anh, cảm thấy mệt mỏi với phòng làm việc tại nhà không có máy lạnh. Anh nói: “Tôi sẽ tới trường và tận hưởng gió của máy lạnh tại đây".
Anh ấy thích làm việc tại nhà và ghét phải mất một tiếng đồng hồ để tới trường. Tuy nhiên, vị giảng viên thừa nhận đến trường là một quyết định đúng đắn vì anh có một cuộc họp video quan trọng. “Đó là một cuộc họp khá dài, và tôi sẽ không muốn đầm đìa khi họp tại nhà".
Katheryn Wenger, một cộng sự 33 tuổi cho công ty luật ở San Francisco, chọn làm việc ở văn phòng khi trời nóng vì căn hộ của cô không có máy lạnh.
“Tôi chỉ không thể tập trung khi căn hộ của tôi quá nóng", cô nói. Với cô, máy lạnh tại văn phòng rất đáng để làm việc.