Tối 23/12, sự kiện Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam (AVIFW) chính thức khép lại. Những bộ sưu tập lấp lánh, đầy màu sắc được sáng tạo bởi các nhà thiết kế đã mang đến cái nhìn mãn nhãn cho khán giả, đúng theo chủ đề "Shining Life" (tạm dịch: Thắp sáng cuộc sống).
Bên cạnh dàn mẫu trẻ bước ra từ cuộc thi The Next Face, chương trình lần này còn chú trọng tính đa dạng khi vẫn có sự xuất hiện của loạt người mẫu phi giới tính. Đây không phải lần đầu Vio Hồ, Bolo Nguyễn, Mộng Thường hay Trần Tín sải bước tại AVIFW. Nhưng với họ, sân chơi năm nay có nhiều điểm khác biệt hơn những năm trước.
Chuyến bay hơn 1.000 km và 2 suất diễn
Vì tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, Bolo đã nghĩ mình khó có thể góp mặt. Nhận được cuộc gọi của nhà thiết kế Quý Cao và người bạn Vio Hồ, Bolo không nghĩ ngợi nhiều, đặt vé từ Hà Nội để về TP.HCM tham dự tuần lễ thời trang.
Năm nay, người mẫu sinh năm 1994 diễn cho hai nhà thiết kế. So với những năm trước, suất diễn của Bolo có sự giảm sút. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bởi Bolo nghĩ đây là sân chơi mình đã chờ đợi suốt hơn một năm nhiều biến động.
Bolo Nguyễn và Vio Hồ cùng trình diễn cho nhà thiết kế Quý Cao. Ảnh: Phương Lâm. |
Người mẫu phi giới tính gốc Vĩnh Long nói với Zing: "Vừa đáp chuyến bay, tôi đến thẳng nơi casting. Tôi cảm nhận được năm nay, mọi người quyết tâm hơn nên không khí casting có tính cạnh tranh và quyết liệt hơn. Tôi cứ thoải mái tận hưởng từng phút giây dù biết năm nay mình được diễn ít hơn".
Không khí casting có tính cạnh tranh và quyết liệt hơn.
Người mẫu Bolo Nguyễn
Đi casting và không được chọn là chuyện bình thường trong giới người mẫu. Bolo cho biết lý do một số lần mình bị "gạch tên" là không phù hợp với tiêu chí bộ sưu tập của nhà thiết kế. "Không phù hợp ở đây có thể hiểu theo nhiều hướng. Ví dụ như khung xương to của nam, mặt góc cạnh không nữ tính, size to không vừa quần áo…", Bolo giải thích.
Trong khi đó, Vio cho biết mình may mắn khi được diễn cho 4 nhà thiết kế. Tuy nhiên, đó đều là những nhà thiết kế quen thuộc, trước đây anh đã góp mặt rồi.
Khi không có sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế nước ngoài, Vio đã cảm thấy lo sợ. Ngoài ra, năm nay, đa số nhà thiết kế nhấn mạnh dòng ready to wear, trang phục nữ tính và nhẹ nhàng nên anh còn lo hơn. Bởi anh nghĩ mình sẽ khó có cơ hội được chọn diễn.
Năm nay, Vio Hồ được diễn cho 4 nhà thiết kế. Ảnh: Phương Lâm. |
Anh bày tỏ: "Khi biết rõ tiêu chí của một thương hiệu nào không phù hợp với mình, tôi sẽ không đi casting nữa. Ví dụ họ cần tóc đen dài, body sexy… Tôi không có đủ những điều đó. Lý do hầu hết nhà thiết kế năm nay không chọn tôi vì họ nghĩ tôi không đủ nữ tính và nhẹ nhàng".
Tôi không được chọn vì chẳng đáp ứng đủ yếu tố nữ tính, nhẹ nhàng.
Người mẫu Vio Hồ
Trong khi đó, người mẫu phi giới tính Trần Tín cho biết anh chỉ diễn cho một nhà thiết kế vì lịch trình bận rộn cuối năm, không có thời gian đi casting.
Với anh, được đứng trên sàn diễn và thấy mọi người làm lại công việc mình yêu thích, anh có cảm giác hồi hộp. "Do đó, dù có cực hay khó mấy cũng không vấn đề", Trần Tín nói.
Xa rồi cái thời một mình ở cánh gà
Trên thế giới, tính đa dạng trong ngành công nghiệp thời trang đang được đẩy mạnh thông qua việc người mẫu phi giới tính, chuyển giới, ngoại cỡ ngày càng xuất hiện nhiều ở các sàn diễn. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng được chú ý những năm gần đây. Tại sân khấu AVIFW, người mẫu phi giới tính dần khẳng định được tên tuổi của mình và không còn nhận về nhiều ánh mắt lạ lẫm.
Người mẫu Trần Tín trình diễn trong show của Quý Cao. |
Trần Tín nhận thấy hiện tại, ngành thời trang của Việt Nam cũng đã có tầm nhìn xa và cởi mở hơn. Cơ hội cho các người mẫu phi giới tính cũng có nhưng chưa nhiều. Cái khó là nhiều người vẫn chưa thực hiểu về "unisex" lắm.
Anh chia sẻ: "Là một người không hoàn toàn là nam hay nữ, được gọi là non-binary, tôi thấy mẫu phi giới tính cũng có mặt lợi và hại. Ngành thời trang Việt đang dần trở nên đa dạng, chỉ là chưa có một sàn diễn hoàn toàn dành riêng cho các bạn thôi. Tôi rất mong chờ trong tương lai, các nhà thiết kế có những ý tưởng độc đáo dành riêng cho người mẫu giống mình".
Trong khi đó, Bolo lại nghĩ cái khó của người mẫu phi giới tính hiện nay vẫn là sự "chưa phù hợp" với môi trường thời trang Việt Nam và đáp ứng đủ tiêu chí từ nhà thiết kế cũng như nhãn hàng. Bolo vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bản thân để đáp ứng tính đa dạng nhưng không làm mất đi sự "duy nhất" của mình.
Nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu về "unisex".
Người mẫu Trần Tín
"Bây giờ, sự xuất hiện của người mẫu đa dạng giới rất nhiều và ngày sẽ càng nhiều hơn. Không giống như năm 2017, đó là mùa đầu tiên Bolo tham gia tuần lễ thời trang ở Hà Nội. Dù được ban tổ chức mở rộng cơ hội, tôi vẫn lủi thủi một mình trong cánh gà ở các đêm diễn", Bolo nhớ lại.
Dù vậy, Bolo đã không bỏ cuộc và gặp được những người cùng chung hoài bão như Vio Hồ, Mộng Thường… Từ đó, mọi thứ mới bắt đầu trở nên dễ dàng hơn.
Với Vio, anh cho rằng mỗi thương hiệu sẽ có những phong cách khác nhau. Để mình phù hợp với nhiều lựa chọn, người mẫu cần phải biết cách làm đa dạng hoá bản thân hơn. "Đấy mới đúng là tinh thần của người làm nghề mẫu. Chứ không phải riêng về người mẫu unisex", Vio nhấn mạnh.
Trở lại với chủ đề "Shining Life" (tạm dịch: Thắp sáng cuộc sống), Aquafina - Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam 2021 đánh dấu cột mốc mới, đón chào "bình thường mới" của làng thời trang Việt Nam sau gần một năm yên ắng. Aquafina - thương hiệu nước uống đóng chai hàng đầu Việt Nam - tự hào đồng hành cùng chương trình, lan tỏa thông điệp giữ vững niềm tin, thắp sáng cuộc sống bằng những tia sáng rực rỡ do chính bạn tạo nên.
Để theo dõi thêm các hoạt động về Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam, độc giả truy cập fanpage Aquafina.