Khi làm việc từ xa trở nên phổ biến trong đại dịch, các freelancer (tạm dịch: người có công việc tự do) nhận được nhiều cơ hội hơn và có mức thu nhập tăng đáng kể. Song họ cũng phải đối mặt với các cuộc canh tranh khắc nghiệt và phụ thuộc vào sự may rủi.
Trong một bài báo được đăng trên The Economics of Superstars, nhà kinh tế học người Mỹ Sherwin Rosen đã mô tả tác động từ việc ghi âm và phát sóng lên tiền lương của các vận động viên, nghệ sĩ.
Khi công nghệ cho phép những cá nhân có kỹ năng chuyên môn tiếp cận thị trường khổng lồ, họ có thể kết nối với nhiều người ở khắp mọi nơi tại địa điểm bất kỳ, theo CNA.
Hình thức làm việc từ xa mang đến nhiều cơ hội mới cho người lao động. Ảnh: New York Times. |
Thu nhập cao hơn
Rosen hy vọng nhiều ngành nghề khác sẽ đi theo mô hình tương tự trong thời gian sắp tới. Chẳng hạn, thu nhập của giáo viên truyền thống bị giới hạn bởi số lượng học sinh phù hợp với một lớp học.
Nhưng ngày nay trên Udemy, một nền tảng học trực tuyến, không ít giáo viên đã kiếm được hàng triệu USD từ các khóa học mà họ tạo ra. Đặc biệt, khi đại dịch khiến nhiều khu vực bị phong tỏa, lượng người đăng ký trên trang web này đã tăng lên 425%.
Tuy nhiên, phần lớn người dạy trên Udemy không có mức lương đồng đều nhau, dẫn đến sự phân bổ thu nhập bất bình đẳng giữa các thầy cô nổi tiếng và phần còn lại.
Trên Outschool, nơi tổ chức lớp học ảo cho trẻ em, hàng trăm giáo viên kiếm hơn 100.000 USD/năm trong khi một số ít nhận được 230.000 USD.
Phần lớn người dạy chưa đạt được mức lương mong muốn vì họ xem việc dạy online như một sở thích, công việc phụ hoặc chưa tìm ra cách để thu hút học sinh.
Freelancer có thể xử lý công việc ở bất cứ đâu. Ảnh: BBC. |
Việc áp dụng hình thức làm việc từ xa cũng ảnh hưởng đến các quy định truyền thống.
“Bởi vì tất cả lớp học của tôi đều chuyển sang online nên trường đã hỏi tôi liệu có thể nâng quy mô sĩ số từ 160 lên 280 người hay không”, Scott Galloway, một giáo sư tại trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, nói.
Xu hướng tương tự cũng dần được áp dụng lên những ngành nghề vốn được cho là trực tiếp. Trong thời gian trường học tạm đóng cửa, nhiều giáo viên thể dục phải nghỉ việc.
Hầu hết chuyển sang làm cho Peloton - công ty cung cấp các lớp học thể dục trực tuyến. Vào cuối năm 2020, Peloton có khoảng 4 triệu thành viên - bằng với số lượng khách quen của các phòng tập ở New York.
Khác với một số cơ sở kinh doanh dịch vụ thể hình, Peloton không tuyển dụng ở một bang duy nhất.
Thay vào đó, họ cho phép nhân viên có thể sống ở bất cứ đâu tùy thích. Trong khi nhiều huấn luyện viên thất nghiệp, không ít người cộng tác với Peloton đã kiếm được hơn 500.000 USD - gấp 12 lần mức lương trung bình của các đồng nghiệp.
Bất lợi
Khi thị trường ngày càng mở rộng, các lợi ích của xu hướng này không được chia đều cho tất cả người tham gia.
Từ năm 1995, 2 nhà kinh tế học Robert Frank và Philip Cook nhận ra rằng các cấu trúc trả lương trong lĩnh vực giải trí đang trở nên phổ biến hơn ở những ngành nghề khác. Một số luật sư, bác sĩ, nhà tư vấn, chủ ngân hàng, người quản lý có thu nhập tốt hơn bao giờ hết.
Họ cho rằng những thay đổi này là do cuộc cách mạng trong xử lý và truyền tải thông tin, mang lại đòn bẩy hiệu quả cho những người tận dụng xu thế.
Theo một nghiên cứu vào năm 2020 của các nhà kinh tế học David Autor, Claudia Goldin và Lawrence Katz, hầu hết sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập từ 2 thập kỷ qua xảy ra trong nội bộ tổ chức chứ không phải giữa các nhóm giáo dục.
Những nhân viên có bằng cấp từ đại học trở lên được trả lương cao hơn trong khi các đồng nghiệp của họ đều đứng tại chỗ hoặc rút lui.
Công nghệ góp phần thay đổi điều này bằng cách cho phép các công ty tiếp cận với nhiều khách hàng hơn và ít phụ thuộc vào yếu tố trên.
Công nghệ giúp các ngành nghề mở rộng khả năng tiếp cận với khách hàng. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, mạng lưới công nghệ với nhiều ngành nghề vẫn bị hạn chế bởi nguyên nhân địa lý. Khi phần lớn doanh nghiệp chỉ thuê những nhân viên sống gần văn phòng, quy mô của thị trường lao động đã bị giới hạn.
Điều này đặt ra những khó khăn trong việc lựa chọn việc làm của nhiều người. Song các hạn chế đó đang dần được nới lỏng khi Thung lũng Silicon và các ngành công nghiệp khác áp dụng làm việc từ xa.
The Economist đã phân tích số liệu trên Hacker News, một trang web phổ biến với các lập trình viên, và nhận thấy tỷ lệ công việc đề cập đến “từ xa” đạt 75% trong năm 2021, tăng 35% trước Covid-19 và 13% so với một thập kỷ trước đó.
Vào tháng 6/2021, Google thông báo sẽ giảm lương những người chọn làm việc toàn thời gian tại nhà tùy thuộc vào khoảng cách từ nơi sống tới văn phòng. Gã khổng lồ công nghệ cũng ra mắt công cụ nội bộ cho phép nhân viên tính trước khoản lương bị giảm nếu chọn “work from home”.
Đối với nhiều người, làm việc từ xa có nghĩa là phải cạnh tranh với các ứng viên có trình độ ngang nhau.
Tuy nhiên điều này không khiến họ quá lo lắng. Họ cho rằng hình thức này sẽ giúp họ có cơ hội tìm được công việc với mức lương cao hơn từ những công ty khác.
Trong thời kỳ nền kinh tế lao dốc vì đại dịch Covid-19, những người có thể “work from home” cảm thấy may mắn vì vẫn giữ được việc làm hoặc có thêm nguồn thu nhập mới. Họ có thể xử lý công việc ở bất cứ đâu miễn là đảm bảo an toàn và sự thoải mái.