Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Cuộc chạy đua đầu tư giày hiệu

Nhiều người không ngần ngại chi bộn tiền để sưu tầm sneakers hiếm. Họ mua giày vì đam mê nghệ thuật hoặc để đầu tư sinh lời.

bo suu tap anh 1

Năm 2009, Morrison đứng trước một cửa hàng ở sân bay. Anh cân nhắc chi 960 USD cho đôi giày thể thao kết hợp giữa Louis Vuitton và Kanye West. Tuy nhiên, anh quyết định bỏ qua bởi cảm thấy mức giá không thuyết phục.

Hơn một thập kỷ sau, đôi giày này được rao bán 10.000 USD.

Morrison, hiện là Giám đốc khu vực châu Âu của nền tảng bán lại sneakers StockX, cho biết rất hối hận về quyết định năm đó của mình.

Theo anh, mức giá tăng vọt như vậy bởi mẫu giày này được cho là một dấu mốc của lịch sử thời trang đương đại. Thiết kế của nó là bước đột phá và mở đường cho kỷ nguyên thời trang ngày nay.

"Việc Kanye bước chân vào giới thời trang cao cấp gây ra rất nhiều tranh cãi vào thời điểm đó. Thế nhưng, hiệu ứng của đôi giày đã thay đổi cái nhìn từ giới mộ điệu", Morrison mô tả.

Theo CNN, đôi giày của Kanye là một trong rất nhiều minh chứng cho sự bùng nổ giá trị sneakers trên toàn thế giới. 5 năm qua là giai đoạn xuất hiện các nhà sưu tầm giày hiệu nhiều chưa từng có. Họ không ngại chi số tiền lớn cho những đôi giày quý hiếm và đặc biệt.

Tài sản tinh thần

Nhiều mẫu sneakers có giá đấu giá cao ngất ngưởng, phản ánh sức tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bán lẻ giày thể thao. StockX ước tính tổng giá trị thị trường kinh doanh các loại giày thể thao hiếm hiện đạt 10 tỷ USD, sẽ tăng gấp 3 trong 8 năm tới.

Ngoài khả năng sinh lời, giá trị nghệ thuật và câu chuyện đằng sau mỗi đôi giày chính là thứ khiến giới mộ điệu khao khát sở hữu hơn cả.

Ann Jacobe hiện là một nhà sưu tập sở hữu gần 500 đôi sneakers. Cô cho biết mình chi một số tiền "không thể nào đếm xuể" cho niềm đam mê này.

bo suu tap anh 2

Ann Jacobe và bộ sưu tập giày thể thao đồ sộ của mình. Ảnh: Courtesy Ann Jacobe.

"Đối với tôi, đồ thời trang cũng như một tác phẩm điêu khắc hoặc bức tranh. Ở các cuộc đấu giá, tôi sẽ xem xét một đôi giày dựa trên độ phù hợp với phong cách cá nhân. Đôi lúc, tôi chọn mua món đồ vì tò mò và thích thú về ý nghĩa lịch sử, câu chuyện đặc biệt đằng sau của nó", cô kể.

Theo Ann, một đôi giày giá trị nhất khi nó đại diện cho niềm tin của người sở hữu. Cô hạnh phúc khi sưu tập được những đôi giày gắn với hình ảnh hoặc tình yêu về quê hương Philippines của mình.

Điển hình trong đó là Nike AF-1 Philippines được tô vẽ với màu sắc của quốc kỳ. Đôi khác là Asics được thiết kế với hình Whang Od, nghệ sĩ xăm Philippines truyền thống cuối cùng của bộ tộc Kalinga.

"Tôi thật sự hạnh phúc khi tìm thấy một đôi giày đại diện cho nguồn gốc của mình. Mẫu sneakers này là sự trân trọng và tôn kính gửi tới cộng đồng người Phillipines, tôi tự hào khi mang nó", Ann chia sẻ.

Ligaya Salar, phụ trách triển lãm sneaker tại Bảo tàng Thiết kế London (Anh), cho biết ngành công nghiệp giày thể thao ngày nay được tác động bởi thế hệ trẻ, đặc biệt là những người sống ở các khu đô thị lớn.

Ngày càng nhiều người trẻ mong muốn trở thành nhà sưu tập giày nghiêm túc và uy tín. Họ kiếm được số tiền lớn dựa trên sự thông hiểu về thể thao và thời trang của chính mình.

Khi nghệ thuật được trả giá cao

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà sưu tập đều tham gia ngành công nghiệp giày thể thao với tình yêu dành cho những đôi giày. Nghệ thuật ngày nay được coi như một món tài sản và giày xa xỉ có thể được bán với số tiền cao ngất ngưởng.

bo suu tap anh 3

Hàng nghìn đôi giày được bán lại trên các nền tảng trực tuyến mỗi ngày. Ảnh: Courtesy Felix Speller/London Design Museum.

Để tránh nguy cơ trục lợi phi pháp, các nền tảng thương mại về thời trang bán lại như StockX luôn phải theo dõi thông tin của một đôi giày tỉ mỉ như thể xem giá cổ phiếu. Họ kiểm tra những chỉ số như doanh số bán hàng và giá trị thực sự tại thời điểm gần nhất của mỗi mẫu giày.

Dựa trên đó, các nhà sưu tập có thể phân tích độ hiếm của đôi giày có xứng đáng với giá tiền hay không. Nền tảng này thậm chí còn kiểm tra hàng giả tại các trung tâm xác thực chuyên dụng.

Bên cạnh đó, nhiều nhà bán lẻ còn biến tướng với tình trạng đầu cơ tích trữ. Theo Morrison, thị trường kinh doanh giày thể thao phụ thuộc phần lớn vào cung và cầu.

Điều đó có nghĩa là càng ít sản phẩm có sẵn trên thị trường, một mẫu giày càng hấp dẫn hoặc tạo được tiếng vang. Đó cũng là lý do mọi người khát khao và sẵn sàng tốn nhiều chi phí cho một phiên bản giới hạn.

Nhiều người săn giày tìm mọi cách mua được số lượng giày lớn và bán lại giá cao. Họ sử dụng các phần mềm gian lận (hay được gọi là bot) để thâu tóm các bộ sưu tập được mở bán trên các nền tảng trực tuyến.

Phần mềm này sẽ đồng loạt "quét" qua tất cả các trang web. Ngay khi bộ sưu tập được mở bán, bot sẽ lập tức thực hiện các thao tác hoàn thành đơn hàng về cho tài khoản chủ sở hữu. Một vài phiên bản nâng cấp của phần mềm gian lận còn có khả năng mua đến hàng trăm, nghìn đơn hàng với tốc độ nhanh hơn người bình thường nhiều lần.

"Người bình thường không thể thắng về tốc độ với bot. Nói cách khác, đây chính là một cuộc đua chưa có hồi kết giữa thương hiệu và những 'dân buôn' bất chính", Morrison chia sẻ.

Thế nhưng, bất kể là vì niềm đam mê hay lợi nhuận, mọi người đều đang tìm kiếm những đôi giày thể thao đặc biệt. Chúng chứa đựng niềm khao khát được nói lên văn hóa thời đại của người sở hữu.

"Đôi giày thể thao không chỉ là một thứ gì đó chúng ta đi vào chân hàng ngày. Cho dù bạn là một nhà sưu tập hay người yêu cái đẹp đơn thuần, món phụ kiện thời trang này góp phần nói lên con người của bạn", Morrison nói.

Những chàng trai chơi đồng hồ tiền tỷ

Nam Võ sở hữu Patek Philippe Nautilus có giá khoảng 4 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong số nhiều chiếc đồng hồ thuộc bộ sưu tập của anh.

3 mau tui hieu dang de dau tu hinh anh

3 mẫu túi hiệu đáng để đầu tư

0

Các thương hiệu thời trang xa xỉ bắt đầu tăng giá và thắt chặt việc phân phối túi hiệu. Điều này khiến những chiếc túi có giá cao hơn và được xem là một hạng mục đầu tư có lời.

Di bar, ke chuyen ve Paris cung Amandine hinh anh

Đi bar, kể chuyện về Paris cùng Amandine

0

Từ khi chuyển về Việt Nam, Amandine thích uống cà phê sữa đá và đi bar vào tối cuối tuần. Cô gái người Pháp gốc Việt mơ ước một lần được thử skydiving và đi phượt cùng người yêu.

Uyên Vũ

Bạn có thể quan tâm