Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 12 triệu bé gái trên thế giới kết hôn trước tuổi 18. Với nam giới, tỷ lệ ở mức 30 thanh niên thì có 1 người lấy vợ khi còn nhỏ tuổi. Chấm dứt tảo hôn vào năm 2030 là một trong các mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức này. Tuy nhiên, các thay đổi diễn ra với tốc độ chậm. Cộng với ảnh hưởng của Covid-19, Quỹ Dân số Liên hợp quốc dự tính rằng sẽ có thêm 13 triệu trẻ em có thể kết hôn trong thập kỷ tới do các chương trình hỗ trợ bị gián đoạn. |
Song, các nạn nhân của vấn nạn tảo hôn cũng không ngồi im một chỗ. Nhiều cô gái đứng lên phản đối việc bị ép lấy chồng ngoài mong muốn và kêu gọi những thiếu nữ khác làm điều tương tự. Trong ảnh, Ruby (Nepal) mới 15 tuổi khi một người hỏi cưới cô. Tại quê hương của cô bé, 40% bé gái lấy chồng trước tuổi 18 và hầu hết cuộc hôn nhân do người lớn sắp đặt. Nhưng Ruby biết luật pháp của chính phủ quy định độ tuổi kết hôn hợp pháp của nữ giới là 20 tuổi. |
Với sự trợ giúp của Hiệp hội Nhận thức về phụ nữ tại thành phố Dhanusha, cô thuyết phục cha mẹ hoãn lại đám cưới. “Tôi sẽ kết hôn sau tuổi 20. Hiện giờ, tôi muốn học may và mở một tiệm may vá trong chợ, kiếm tiền từ đó”, cô nói. Ruby đang khuyến khích bạn bè làm điều giống mình. “Tôi khuyên họ học lấy một số kỹ năng để tự lập, sau đó hẵng lập gia đình. Có con ở độ tuổi thiếu niên sẽ khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn”. |
Khi Ghazal (18 tuổi, Lebanon) được người thân thông báo cô chuẩn bị cưới, suy nghĩ đầu tiên của một thiếu nữ đang độ tuổi đến trường là “mình sẽ được mặc váy cưới lộng lẫy, có một ngôi nhà và những đứa trẻ”. Lúc đó, cô mới 13 tuổi, còn chú rể tương lai 19 tuổi. Cô lần đầu gặp người chồng của mình sau khi hôn sự được sắp xếp xong xuôi. |
“Ba tháng sau cưới, tôi mang thai đứa con đầu lòng. Hai tháng sau khi đứa lớn chào đời, tôi mang bầu đứa tiếp theo”, Ghazal kể lại. |
Con trai thứ hai của cô vừa tròn 3 tuổi và Ghazal vẫn chung sống với người chồng. Thông qua Ủy ban Cứu hộ Quốc tế ở Lebanon, cô đã học về sức khỏe sinh sản, cách có tiếng nói trong các quyết định của gia đình và cách duy trì một mối quan hệ lành mạnh. Song, cô gái hạ quyết tâm ngăn cản việc em gái và cả con gái trở thành một “cô dâu trẻ con” giống như mình. |
Suci (19 tuổi, Indonesia) chống lại nạn tảo hôn ở vùng quê của cô bằng cách gõ cửa từng người, nhờ họ ký tên ủng hộ vào bản kiến nghị. “Nhưng chừng đó chưa đủ, tôi quyết định mở chiến dịch vận động trên đường phố. Nhóm của tôi giơ biểu ngữ và diễu hành khắp làng, nói với mọi người tại sao nạn tảo hôn cần chấm dứt”, Suci kể lại. |
Không phải là nạn nhân của việc ép lấy chồng khi còn nhỏ tuổi, song Suci đồng cảm với các thiếu nữ khi chứng kiến anh trai kết hôn với một cô gái 15 tuổi. Suci hiện lãnh đạo một nhóm bảo vệ bé gái trong làng của cô tại vùng nông thôn Lombok. Tại những nơi thôn quê hẻo lánh ở Indonesia, tình trạng tảo hôn càng nhức nhối hơn, với nghèo đói và bất bình đẳng giới là nguyên nhân chính. |
Jenina (23 tuổi) đến từ Kenya. 10 năm trước, Jenina kết hôn và chuyển về sống với bố mẹ chồng. Không mang thai theo đúng ý muốn của nhà chồng, cô bị hành hạ và bỏ trốn về nhà cha mẹ đẻ. Khi chứng kiến con gái mình chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống hôn nhân, phụ huynh của Jenina chuyển sang ủng hộ, không ép buộc cô về chuyện lấy chồng nữa. Hiện, Jenina mong muốn tiếp tục được đi học lại, điều vì tảo hôn mà bị đứt gánh giữa chừng. |
Yelina (Congo) suýt kết hôn khi mới 17 tuổi, sau khi không thể sống hòa hợp với mẹ kế. “Bà ấy không muốn có mặt tôi trong gia đình. Tôi nghĩ rằng kết hôn là cách duy nhất để giải thoát. Đó là lựa chọn duy nhất của tôi vào lúc đó”, cô cho biết. |
May mắn, Yelina biết đến một tổ chức chuyên giúp đỡ phụ nữ tị nạn, tổ chức đào tạo nghề cho các cô gái có nguy cơ là nạn nhân của tảo hôn. Tại đó, cô tham gia một khóa học làm tóc và kiếm tiền từ nghề đó. “Số tiền tôi kiếm được từ công việc này, tôi dùng cho nhu cầu của bản thân. Tôi cũng có quyền tự đưa ra lựa chọn cho mình”, cô gái nói về sự tự tin có được sau khi học cách độc lập. |