Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến của 2 người mẹ là y bác sĩ trong dịch bệnh

Deng Danjing và Xia Sisi cùng ở tuổi 29 trong khi làm nhiệm vụ chống dịch tại Vũ Hán. Sau vài tuần chiến đấu với căn bệnh, chỉ có một người chiến thắng.

Hai bà mẹ trẻ Deng Danjing và Xia Sisi không nói với các con việc mình bị nhiễm Covid-19, chỉ nhắn rằng bản thân đang làm việc chăm chỉ để cứu người bị bệnh.

Cả hai lúc đó phải chiến đấu với virus corona để giành giật sự sống tại chính bệnh viện nơi mình làm việc. Chỉ trong vài tuần, hai người từ những y bác sĩ chống dịch tuyến đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc, thành bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nguy kịch.

Khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Covid-19 đối với một số người vẫn chỉ là cơn cảm lạnh thông thường song với nhiều người khác, nó là căn bệnh tàn phá phổi, đẩy hệ thống miễn dịch vào tình trạng quá tải và phá hủy các tế bào khỏe mạnh. Sự khác biệt giữa sự sống và cái chết phụ thuộc vào sức khỏe, tuổi tác và khả năng đáp ứng điều trị.

Số phận của Deng và Xia phản ánh bản chất khó lường của loại virus này, bất chấp thống kê và nghiên cứu của các nhà khoa học.

Deng và Xia có nhiều điểm chung như năm nay đều 29 tuổi, đã kết hôn và có một đứa con.

Deng là y tá đã làm việc 3 năm tại Bệnh viện số 7 Vũ Hán - thành phố cô lớn lên và nơi bùng phát đại dịch. Còn Xia là bác sĩ khoa tiêu hóa, công tác trong ngành từ năm 2015.

Khi dịch bùng phát, Deng và Xia nhanh chóng lao vào cuộc chiến chống dịch, chăm sóc cho lượng bệnh nhân khổng lồ. Dù sử dụng đồ bảo hộ, cả hai vẫn bị nhiễm virus corona.

Một người sau đó đã hồi phục, người còn lại thì không.

Triệu chứng

Các triệu chứng của Covid-19 xuất hiện đột ngột.

Bác sĩ Xia kết thúc ca đêm vào 14/1 sau khi được gọi lại để khám cho một người đàn ông 76 tuổi nghi nhiễm Covid-19. Cô thường xuyên ghé lại để kiểm tra ông.

5 ngày sau, Xia bắt đầu cảm thấy không khỏe. Cô phải ngủ trưa 2 tiếng ở nhà do thấy kiệt sức. Khi tỉnh dậy, cô tự kiểm tra thân nhiệt và phát hiện sốt 38,8 độ C kèm tức ngực.

Đầu tháng 2, y tá Deng chuẩn bị ăn tối tại bệnh viện thì đột nhiên buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn. Cô không quá để tâm, nghĩ rằng mình mệt mỏi do công việc. Khi dịch bắt đầu xuất hiện, cô từng điều trị cho những người dương tính với virus corona và dạy họ khử trùng nhà cửa.

Sau khi cố ăn, Deng về nhà tắm rửa rồi cảm thấy người lảo đảo. Sau khi cố gắng chợp mắt, cô tỉnh dậy và thấy mình sốt 37,7 độ C.

Sốt là triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19, xuất hiện ở 90% bệnh nhân. Khoảng 1/5 số ca bị khó thở, thường là ho và nghẹt mũi, kèm theo đó là mệt mỏi.

Deng và Xia đều nhanh chóng tới bác sĩ kiểm tra. Cả hai đều bị tổn thương ở phổi - dấu hiệu nhiễm virus rõ ràng, xuất hiện ở khoảng 85% bệnh nhân.

Vì bệnh viện không còn giường trống, Deng được sắp xếp tạm ở một phòng khách sạn để tránh lây nhiễm cho chồng và con gái 5 tuổi. Cô đổ mồ hôi suốt đêm, có lúc bắp chân bị co giật.

Đến sáng, cô được đưa vào bệnh viện, lấy mẫu dịch ngoáy họng xét nghiệm. Kết quả cho thấy cô bị nhiễm virus corona. Deng nằm tại một phòng dành cho nhân viên rất nhỏ, có hai giường trẻ em được đánh số. Nữ y tá nằm giường 28, bạn cùng phòng của cô cũng là một nhân viên y tế nhiễm Covid-19.

Tại Bệnh viện Giang Bắc cách đó 28 km, bác sĩ Xia cũng phải rất khó khăn để thở được. Cô được đưa vào khu cách ly, được điều trị bởi các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít. Căn phòng rất lạnh lẽo.

Điều trị

Sau khi được chẩn đoán nhiễm virus corona, Deng cố gắng giữ tinh thần lạc quan. Cô nhắn tin cho chồng, giục anh đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà và rửa bát đũa bằng nước sôi hoặc vứt chúng đi.

"Chắc sẽ mất 10, 15 ngày thôi. Anh tự chăm sóc bản thân nhé", cô nhắn chồng.

Vì chưa có phương pháp chính thức để điều trị Covid-19, các bác sĩ kê hỗn hợp thuốc kháng virus và một số loại khác để làm giảm triệu chứng của bệnh nhân. Deng được sử dụng thuốc kháng virus arbidol, thuốc cúm Tamiflu, thuốc kháng HIV Kaletra và một số loại thuốc Trung y.

Dù lạc quan, Deng ngày càng yếu đi, đến mức không thể ăn nổi thức ăn mẹ cô gửi vào. Các y bác sĩ phải truyền dinh dưỡng, kháng thể và thuốc kháng virus cho cô vào mỗi buổi sáng.

bac si qua doi vi covid-19 anh 5

Deng cố gắng giữ tinh thần lạc quan khi mắc Covid-19.

Tình trạng của bác sĩ Xia cũng không nhẹ nhưng cô dần chống được nhiễm trùng. Sau vài ngày, cô giảm sốt và bắt đầu thở dễ dàng hơn. Tinh thần cô cũng phấn chấn hơn hẳn. Đến 25/1, cô nói với đồng nghiệp mình đang dần hồi phục.

"Tôi sẽ sớm quay lại thôi", cô nhắn với mọi người.

Đầu tháng 2, Xia hỏi chồng là bác sĩ Wu Shilei liệu mình có thể kết thúc liệu pháp oxy sớm không.

"Bình tĩnh thôi. Đừng quá lo lắng", anh nhắn lại, dự đoán có thể tháo máy thở vào tuần sau đó.

Sau 2 lần xét nghiệm âm tính với virus corona, Xia nhắn tin báo cho mẹ, cô mong có thể xuất viện vào 8/2.

bac si qua doi vi covid-19 anh 6

Bác sĩ Xia công tác trong ngành được 5 năm.

Trong khi đó, tình hình của y tá Deng ngày càng tệ. Cô bắt đầu nôn, tiêu chảy và không ngừng run rẩy, cơn sốt tăng lên 38,5 độ C.

Sáng 5/2, cô tỉnh dậy và nhận ra thuốc không thể giúp cô hạ sốt. Cô khóc và nói mình bắt đầu được phân vào trường hợp bệnh nặng.

Ngày tiếp theo, cô bị nôn 3 lần, gặp ảo giác, không thể ngửi hay nếm được vị gì. Nhịp tim của cô chậm lại, chỉ còn khoảng 50 nhịp/phút.

Trong một cuộc điện thoại, mẹ Deng trấn an cô rằng mọi chuyện sẽ ổn nhưng cô sợ không được như vậy. "Tôi cảm thấy mình đang đi đến bờ vực của cái chết", Deng viết trên trang cá nhân.

Trung Quốc định nghĩa bệnh nhân nguy kịch là người bị suy hô hấp, sốt hoặc suy tạng. Theo thống kê, khoảng 5% người mắc Covid-19 ở tình trạng này, trong số đó 49% đã tử vong.

Hồi phục

Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, cơ thể tự phục hồi do hệ thống miễn dịch tạo đủ kháng thể chống lại virus.

Y tá Deng dần giảm sốt, có thể ăn uống trở lại. Đến 18/2, sau 3 lần xét nghiệm âm tính với virus, cô được xuất viện về nhà.

"Tôi cảm thấy mình như một chú chim vậy, tự do đã trở lại với tôi", Deng nói.

bac si qua doi vi covid-19 anh 7

Deng được xuất viện sau 3 lần xét nghiệm âm tính với virus corona.

Vì Deng phải tiếp tục cách ly trong 14 ngày, chồng và con cô đến ở nhà bố mẹ. Cô thực hiện các bài thở sâu hàng ngày để giúp phổi nhanh hồi phục và giảm ho. Bên cạnh đó, cô liên lạc với ngân hàng máu địa phương để hiến huyết tương - được chứng minh chứa kháng thể để điều trị cho người khác.

"Đất nước đã cứu tôi, tôi nghĩ mình nên làm gì đó để trả ơn", Deng nói. Cô cũng dự định trở lại làm việc ngay khi bệnh viện cho phép.

Tử vong

Dù dần hồi phục, bác sĩ Xia vẫn còn lo lắng. Cô sợ kết quả âm tính với virus của mình có thể bị nhầm. Xia nhận được sự động viên của bố mẹ và chồng.

"Cô ấy nói sẽ đợi tôi trở về nhà an toàn và lại cùng nhau làm việc ở tuyến đầu chống dịch khi đã khoẻ hẳn", chồng Xia nói.

Đúng như nỗi lo sợ của Xia, tình trạng cô đột ngột xấu đi. Ngày 7/2, cô được đưa đến phòng cấp cứu.

Các bác sĩ phải tiến hành đặt nội khí quản cho Xia. Giám đốc bệnh viện nhanh chóng triệu tập các chuyên gia từ khắp nơi trong thành phố, liên lạc các bệnh viện lớn ở Vũ Hán để mượn thiết bị ECMO.

Tim Xia đã đập trở lại. Nhưng phổi cô nhiễm trùng quá nghiêm trọng, não bị thiếu oxy gây ra tổn thương không thể hồi phục. Thận cô cũng nhanh chóng ngừng hoạt động và phải lọc máu nhân tạo suốt ngày đêm. Cô rơi vào hôn mê.

bac si qua doi vi covid-19 anh 8

Bác sĩ Xia qua đời vì Covid-19.

Ngày 23/2, Xia qua đời.

Bác sĩ Peng Zhiyong, trưởng khoa chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện Trung Nam, phỏng đoán hệ thống miễn dịch của Xia có thể đã bị tổn hại do tiếp xúc liên tục với virus khi chữa trị cho các bệnh nhân. Cũng có thể Xia mắc "hội chứng phóng thích cytokine", trong đó phản ứng thái quá của hệ miễn dịch phá huỷ tế bào bạch cầu và chất dịch.

Ở nhà, Jiabao - con trai bác sĩ Xia - vẫn nghĩ cô đang làm việc tại bệnh viện. Chồng cô không biết phải nói với con trai thế nào.

Anh vẫn chưa thể chấp nhận cái chết của vợ. Cả hai gặp nhau ở trường Y và đều là mối tình đầu của nhau, từng hẹn ước sẽ cùng nhau già đi.

"Tôi yêu cô ấy rất nhiều. Cô ấy đi rồi. Tôi không biết phải đối mặt thế nào trong tương lai nữa, chỉ có thể cầm cự thôi" anh nói.

Tình yêu của cô gái Việt mắc ung thư và 'chú' người Nhật hơn 15 tuổi

Cách nhau 15 tuổi, Minh Anh hay gọi đùa bạn trai là "chú". Từ những ngày đầu phát hiện ung thư, anh luôn là người ở bên chăm sóc, giúp đỡ cô nơi đất khách quê người.

Mai An

Bạn có thể quan tâm