Dòng phim siêu anh hùng giờ là mỏ vàng của Hollywood khi chúng đem lại cho các nhà sản xuất phim hàng trăm triệu USD mỗi năm. Có bốn studio chính cạnh tranh ở thể loại phim, bao gồm Disney, Warner Bros., Sony Pictures và 20th Century Fox. Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là cuộc đối đầu ngầm giữa hai ông trùm truyện tranh nước Mỹ là Marvel và DC Comics.
Marvel: vươn lên từ kẻ yếu thế
Kể từ khi ra đời, Marvel và DC Comics không chỉ ganh đua qua những trang truyện. Họ lần lượt tung ra nhiều trò chơi điện tử, phim hoạt hình, đồ lưu niệm ăn theo... để hút fan. Hai ông lớn cứ thế so kè nhau trên từng lĩnh vực một.
Tuy nhiên, trong quá khứ, nếu xét trên bình diện toàn cầu, DC Comics nhỉnh hơn một chút khi Batman hay Superman là những siêu anh hùng quen thuộc. Còn Iron Man hay Captain America đến từ Marvel có sức ảnh hưởng trên phạm vi hẹp hơn. Siêu anh hùng “quen mặt” hơn cả của họ có lẽ chỉ là Spider-Man.
Quyền chuyển thể X-Men lên màn bạc hiện vẫn nằm trong tay 20th Century Fox. Đó là hệ quả từ thất bại trong quá khứ của Marvel. |
Từ khoảng năm 1985, do công việc làm ăn không thuận lợi, Marvel buộc phải đem quyền chuyển thể một số nhóm nhân vật lên màn ảnh đi “cầm cố”. Đó là lý do mà các dị nhân X-Men trên phim giờ vẫn thuộc về 20th Century Fox, còn Spider-Man thì nằm trong tay Sony và Marvel Studios phải rất vất vả mới có thể đưa được chàng nhện xuất hiện trong Captain America: Civil War (2016).
Nhưng cơn bĩ cực đã qua. Marvel đang sở hữu thương hiệu điện ảnh ăn khách nhất lịch sử mang tên Marvel Cinematic Universe. Sau Iron Man (2008), 12 bộ phim siêu anh hùng của họ đạt doanh thu toàn cầu khoảng hơn 9 tỷ USD. Khi “bán mình” cho Disney vào năm 2009, Marvel chỉ có giá 4 tỷ USD. Nhưng các chuyên gia tài chính cho rằng con số đó có thể lên tới 20 tỷ USD.
Khi DC trở thành kẻ đi sau
Trái ngược với mối quan hệ giữa Marvel và Disney, DC Comics chịu sự chi phối khá lớn từ công ty mẹ là Warner Bros. Entertainment. Đầu thế kỷ 21, Warner Bros. có công hồi sinh siêu anh hùng Batman qua bộ ba phim Dark Knight (2005 - 2012) của đạo diễn Christopher Nolan, đem đến cho công chúng một Watchmen (2009) đầy khác biệt... Nhưng chừng đó là chưa đủ để so với thành công lúc này của Marvel Studios và Disney.
Warner Bros. và DC Comics tỏ ra chậm chạp hơn đối thủ trong cuộc đua trên màn ảnh rộng. |
Mãi đến tháng 10/2014, Kevin Tsujihara - CEO của hãng Warner Bros., mới chính thức công bố xây dựng thế giới phim siêu anh hùng DC với lịch phát hành dài hơi tới năm 2020.
Trước đó, họ mới chỉ manh nha kế hoạch với Man of Steel vào mùa hè 2013, tức chậm hơn Marvel Studios khoảng 6 năm. Nhưng tham vọng mới của Warner Bros. đã giúp đưa DC Comics trở lại cuộc đua giành fan và kiếm tiền từ màn ảnh rộng với Marvel.
Những đường lối trái ngược
Không biết vô tình hay hữu ý, phong cách làm phim của hai hãng luôn đối lập. Marvel khởi sự với Iron Man do Robert Downey Jr. thể hiện. Đây là siêu anh hùng có xuất thân là tỷ phú, sở hữu tính cách ngang tàng nhưng không kém phần hóm hỉnh. Sự hài hước và tinh nghịch của tập phim Iron Man được Marvel duy trì suốt từ đó về sau.
Khi Marvel Studios về tay Disney, các bộ phim càng trở nên sạch sẽ, thậm chí là trong sáng khi các pha giết chóc, máu me, tình dục... luôn bị hạn chế xuống mức tối thiểu. Điều đó giúp cho nhóm xuất phẩm của họ dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả, từ trẻ em cho tới người lớn.
Sự hóm hỉnh của nhân vật Iron Man là "kim chỉ nam" đối với đường lối của Marvel Studios và Disney. Sự tươi sáng chỉ giảm đi đôi chút sau Captain America: The Winter Soldier (2014). |
Trái lại, các phim siêu anh hùng tạo nên dấu ấn cho DC thường u ám, tăm tối, khắc nghiệt. Watchmen là một trong những tác phẩm siêu anh hùng nặng nề nhất, có nội dung đầy ẩn dụ về chính trị. Đạo diễn Zack Snyder không ngần ngại mang đến cho công chúng nhiều cảnh khỏa thân, cưỡng hiếp, giết chóc không hề che đậy trong phim.
Loạt Batman của Christopher Nolan thì bám sát hiện thực, có tông màu tăm tối và ẩm ướt như chính khung cảnh thành phố tội ác Gotham. Man of Steel dù xoay quanh “biểu tượng hy vọng” Superman nhưng vẫn mang không khí nặng nề, nội dung đậm tính triết lý.
Phim siêu anh hùng của Warner Bros. và DC luôn nặng nề, mang nặng tính triết lý. Tuy nhiên, lối làm phim ấy không phải lúc nào cũng thành công. |
Không chỉ trái ngược nhau trên màn ảnh, chiến lược marketing của Marvel Studios/Disney và DC/Warner Bros. cũng tỏ rõ sự đối lập. Disney có kinh nghiệm lâu năm trong việc nắm bắt tâm lý người trẻ. Họ chiêu mộ hàng loạt diễn viên trẻ trung, có ngoại hình hấp dẫn, rồi liên tục đưa các ngôi sao tới giao lưu với người hâm mộ. Chẳng thế mà sao nhà Marvel luôn được đánh giá là thân thiện và gần gũi ở ngoài đời thực.
Không những thế, họ còn rất hào hứng tham gia vào “trò chơi ghép đôi” từ các fan khi đồng ý để sao thể hiện nhiều hành động thân mật cả trên lẫn ngoài màn ảnh. Đó là Captain America - Iron Man, Black Widow - Hawkeye, Iron Man - Hulk, Captain America - Winter Soldier… Chính tư duy làm phim phóng khoáng và cởi mở đã giúp Marvel giành được nhiều cảm tình từ công chúng.
Marvel Studios/Disney còn chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng khi tập trung mũi nhọn vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á… Yếu tố đa sắc tộc, đa quốc gia ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong phim của Marvel. Hãng sẵn sàng mở rộng bối cảnh quay, không chỉ bó hẹp tại Mỹ hay châu Âu: Iron Man 3 (2013) có phiên bản riêng cho Trung Quốc, Avengers: Age of Ultron (2015) có trường đoạn quan trọng ở Hàn Quốc... Điều đó khiến khán giả bản địa không thể thờ ơ khi phim ra mắt.
Đối với các thị trường tiềm năng khác như Đông Nam Á hay Mỹ Latin, Disney bày tỏ sự ưu ái bằng cách xếp lịch chiếu tại đó sớm hơn khoảng một tuần so với Bắc Mỹ. Bởi vậy, mỗi bộ phim mới của Marvel Studios lúc này đều trở thành sự kiện điện ảnh toàn cầu, thu hút sự chú ý rất lớn từ giới truyền thông cho tới người hâm mộ. Mới đây nhất, họ tiếp tục gặt hái thành công khi tung ra đoạn trailer đầu tiên của Captain America: Civil War.
Warner Bros. buộc phải thay đổi vì fan
Trong khi đó, Warner Bros. lại “khó tính” và ít khi chịu chiều chuộng fan, ngay cả tại các quốc gia tiềm năng của châu Á. Như ở Việt Nam, lịch phát hành của họ luôn luôn là ẩn số và người hâm mộ Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) mới có dịp thở phào trong cuối tháng 11 khi biết siêu bom tấn sẽ chính thức được trình chiếu từ 25/3/2016 như nhiều nơi khác trên thế giới.
Động thái khởi sắc gần đây nhất của Warner Bros. là khi họ tổ chức buổi công chiếu trailer giới thiệu Batman v Superman: Dawn of Justice tại một số rạp ở Bắc Mỹ. Khi bỏ tiền vào rạp thưởng thức đoạn phim quảng cáo cùng lời phát biểu của đạo diễn Zack Snyder, khán giả được tặng hai tấm poster nhân vật khổ lớn và một vé mời tới suất chiếu đặc biệt trước ngày khởi chiếu chính thức ba ngày.
Chuyện hai dự án Batman v Superman: Dawn of Justice và Suicide Squad (2016) "gây náo loạn" tại San Diego Comic-Con 2015 hồi mùa hè là động thái gần như chưa từng thấy từ Warner Bros. Đạo diễn Zack Snyder đến dự sự kiện trên chiếc Batmobile hầm hố, các ngôi sao nhiệt tình giao lưu, ký tặng, tung hình selfie với người hâm mộ lên mạng xã hội... Nó cho thấy Warner Bros. và DC đã bắt đầu có sự chuyển mình nhất định.
Cần phải nói thêm rằng, đội ngũ fan ruột của DC không hề cảm thấy phiền lòng bởi “sự lơ là” từ thần tượng trong quá khứ. Họ cho rằng đó là phong cách “sang chảnh” của riêng Warner Bros. và DC, không chịu chạy theo phục vụ ý thích số đông mà chỉ muốn thực hiện mọi thứ theo góc nhìn chủ quan. Thậm chí, một bộ phận người hâm mộ còn cho rằng hãng không cần chi quá nhiều tiền để quảng bá dự án, mà nên chú trọng hơn vào chính chất lượng của tác phẩm, mà bài học từ Green Lantern (2011) hiện vẫn còn nóng hổi.
Các bộ phim sắp tới đến từ DC và Warner Bros. cũng hứa hẹn sự cởi mở trong tư duy làm phim khi họ không ngần ngại đưa vào danh sách siêu anh hùng hàng loạt diễn viên da màu, đồng tính và nữ giới như Suicide Squad đã gợi ý. Nó cho thấy đội ngũ sản xuất đã sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài với Marvel Studios và Disney mà họ từng bị tụt lại rất xa.