Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến hậu ung thư đầy cô đơn của những người trẻ tuổi

Hàng chục nghìn người trẻ tuổi mắc ung thư mỗi năm. Trong số đó, nhiều người may mắn thoát khỏi tử thần, nhưng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn về cả thể chất và tinh thần.

Năm 23 tuổi, Serena Weatherall vừa tốt nghiệp trường diễn xuất thì phát hiện mắc ung thư sắc tố Hodgkin giai đoạn IV. Cuộc sống của cô đột ngột đảo lộn, trở thành những tháng ngày dài đằng đẵng với các buổi khám, hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. May mắn là việc điều trị đã có hiệu quả, và Serena gia nhập nhóm những người trẻ tuổi sống sót sau ung thư.

Cô cho biết: “Khi tôi kết thúc điều trị, mọi người sẽ nói: “Ôi Chúa ơi, điều đó thật tuyệt vời! Chắc cô hạnh phúc lắm! Chắc cô rất vui! Cô hẳn sẽ sống có ý nghĩa hơn!”

Nhưng Serena không cảm thấy quá vui mừng, cô vẫn còn choáng váng vì trải nghiệm đau đớn vừa qua. Cô nói: “Tôi cảm thấy như một con nai đứng trước ánh đèn pha”.

Bạn bè và gia đình thường mong đợi những người sống sót sau ung thư sẽ thật lạc quan vì “mọi chuyện đã qua”. Tuy nhiên, điều này có thể khiến họ cảm thấy băn khoăn trước những cảm xúc phức tạp hơn của mình. Mọi người thường mơ tưởng và lên kế hoạch trước đợt điều trị cuối nhiều đến mức khi ngày đó thực sự đến, họ cảm thấy tất cả không như tưởng tượng.

Cuoc chien hau ung thu day co don cua nhung nguoi tre tuoi anh 1
Cuộc chiến với ung thư của Serena chưa kết thúc kể cả khi đã khỏi bệnh. Ảnh: ABC.

Tổn thương về thể chất và tinh thần

Phản ứng đầu tiên của một người khi biết tin mình bị ung thư thường là choáng váng và tê liệt. Serena cho biết: “Tôi không dám nghĩ tường tận lúc đó, vì nếu làm thế, tôi sẽ chết mất”. Cô nhanh chóng chuyển sang trạng trái “đương đầu” với bệnh tật. Serena chỉ tập trung vào việc trải qua từng ngày một mà không thể nghĩ tới tương lai lâu dài. Cô cho biết: “Trên bề mặt, tôi có vẻ như đôi mặt rất tốt, nhưng thực sự thì tâm lý tôi bị tổn thương nặng”.

Geoff Eaton, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học và bừng bừng nhiệt huyết khám phá thế giới. Đột nhiên, những triệu chứng như bụng dạ yếu, đổ mồ hôi lạnh và ngất xỉu khiến cuộc đời anh thay đổi hoàn toàn. Anh được chẩn đoán bị ung thư máu. Geoff đã phải chật vật để đối diện với tin mình mắc bệnh và trải qua quá trình ghép tủy và hồi phục dai dẳng. Sau khi thoát khỏi ung thư, họ lại phải đối mặt với những cơn suy sụp tinh thần và nỗi cô đơn ít người thấu hiểu. Serena cho biết: “Tôi cảm thấy mình như đang bơi trong bùn”.

Ngoài những vận lộn về tinh thần, Serena và Geoff còn phải đối mặt với các tổn thương về thể chất. Tác dụng phụ của phẫu thuật, xạ trị và hóa trị thường kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Serena cho biết suốt một thời gian dài, cô không thể buộc dây giày, không thể suy nghĩ rõ ràng hay đọc một câu hoàn chỉnh.

Theo thống kê, khoảng 50% thanh thiếu niên sống sót sau ung thư gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng - hệ quả của liệu pháp được sử dụng để điều trị. Hai phần ba phải chung sống với một hoặc nhiều loại bệnh mạn tính, như bệnh về tim mạch, hô hấp hay hormone. Họ thường phải đối mặt với những cơn đau kéo dài, mệt mỏi và các thay đổi tiêu cực về hình thể như rụng tóc, tăng cân mất kiểm soát, loãng xương hay phải cắt bỏ chân tay.

Việc điều trị ung thư cũng có thể khiến họ gặp khó khăn về nhận thức, mức tập trung và khả năng ghi nhớ. Điều này có thể giới hạn cơ hội giáo dục và làm việc, dẫn tới căng thẳng về tinh thần và giảm chất lượng cuộc sống. Theo nghiên cứu, người bình phục sau ung thư có tỷ lệ trúng tuyển khi tìm kiếm việc làm thấp hơn người chưa từng mắc bệnh.

Cuoc chien hau ung thu day co don cua nhung nguoi tre tuoi anh 2
Người bệnh phải đối diện với nhiều khó khăn giai đoạn hậu ung thư. Ảnh: Shutterstock.

Một lượng đáng kể thanh thiếu niên điều trị ung thư thành công biểu hiện các triệu chứng liên quan tới lo âu, trầm cảm và căng thẳng hậu tổn thương. Trong đó, 22% có các dấu hiệu tiêu cực về tinh thần. Nỗi lo về việc ung thư có thể quay trở lại luôn thường trực và dai dẳng trong họ nhiều năm sau khi khỏi bệnh.

Họ cũng có thể gặp rắc rối trong mối quan hệ với nửa kia và kế hoạch lập gia đình, do việc điều trị ung thư có thể ảnh hưởng tới khả năng tình dục và sinh sản. Những thay đổi về thể chất cũng khiến người trẻ tuổi khó thực hiện hoạt động trước đó họ yêu thích. Điều này có thể dẫn tới sự cô lập xã hội, tự ti và hình ảnh tiêu cực về bản thân.

Nỗi cô đơn ám ảnh

Thông thường, những người trẻ tuổi sống sót sau ung thư sẽ khó lòng gặp người có chung trải nghiệm ở độ tuổi của mình. Ngay cả bạn bè và gia đình họ cũng không thể hình dung nổi điều họ phải trải qua. Geoff cho biết: “Tôi thực sự thấy cô độc. Không có ai khiến tôi cảm thấy được thấu hiểu”.

Không biết cách bộc lộ cảm xúc, họ thường giấu đi suy nghĩ và cố gắng sắm vai của một bệnh nhân ung thư điển hình - cố gắng suy nghĩ tích cực, mạnh mẽ, và hơn hết là chiến đấu với căn bệnh.

Với Serena, điều này đồng nghĩa với việc phải an ủi những người thân của mình. Cô phải giả vờ bình tĩnh và mạnh mẽ để nói với mẹ rằng “mọi chuyện xảy ra đều có lý do” khi nhận kết quả chẩn đoán. Khi điều trị xong, cô tiếp tục duy trì vỏ bọc kiên cường. Phải mất một thời gian dài cô mới có thể mở lòng và tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần.

Sự tích cực cũng cần có thời gian

Việc trở về nhà an toàn thường không đủ để hai từ “ung thư” ngừng ám ảnh thế giới của một bệnh nhân trẻ tuổi. Ngay cả đến bây giờ, những điều nhỏ nhất cũng có thể khiến Serena nhớ lại cảm giác lúc bị bệnh: yếu đuối, đau đớn và bất lực.

Một số người sống sót cảm thấy thiếu an toàn vì không còn tin tưởng cơ thể mình. Họ nghĩ có thể ung thư sẽ quay trở lại hoặc điều nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra. Mọi người thường tán thưởng họ bằng những từ như “mạnh mẽ, can đảm, truyền cảm hứng”... nhưng chính điều này khiến họ không còn cách nào khác mà phải tự đối mặt với tổn thương về tinh thần.

Cuoc chien hau ung thu day co don cua nhung nguoi tre tuoi anh 3
Người trẻ sống sót sau ung thư cần được hỗ trợ về tâm lý từ cộng đồng. Ảnh: YACC.

Tuy nhiên, không ít người tìm được sức mạnh mới với tinh thần tích cực hơn nhờ các nhóm hỗ trợ của người chung cảnh ngộ. Geoff đã sáng lập ra YACC (Young Adult Cancer Canada), tổ chức chuyên hỗ trợ về mặt tâm lý cho thanh thiếu niên mắc ung thư ở Canada, cũng như nỗ lực thay đổi định kiến của xã hội và chính sách của quốc gia.

Serena tham gia một nhóm hỗ trợ tinh thần trực tuyến có tên Recapture Life. Cùng với những người sống sót khác, cô trò chuyện với một chuyên gia tâm lý để khám phá cách đối mặt với cuộc sống hậu ung thư.

Serena cho biết: “Giờ đây, tôi thực sự linh hoạt hơn trong tư duy và có cách nhìn hoàn toàn khác so với trước kia”.

Cách nhìn mới về cuộc sống này là kết quả của một hành trình khó khăn, qua những vết sẹo phẫu thuật, những học kỳ bị bỏ lỡ, những cơ hội làm việc tuột khỏi tầm tay, qua sự im lặng của một người bạn phía bên kia khung tin nhắn, qua việc chứng kiến người giường bên không qua khỏi. Sự tích cực sẽ đến, nhưng họ cần có thời gian. Với Serena, cô cảm thấy mình đã trưởng thành và thật may mắn, nhưng sự yếu đuối vẫn là một phần của bản thân cô: “Đôi khi, tôi cảm thấy mình chỉ là một cô bé không còn lông mày”.

10 loại ung thư thường gặp ở người trẻ tuổi

Nguy cơ mắc bệnh ung thư thường cao hơn ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, một số loại có thể xuất hiện ngay cả ở giai đoạn thanh thiếu niên, như ung thư vú hay máu trắng.

Hải Đăng (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm