Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Khi biết mình ung thư giai đoạn cuối, tôi đã rơi vào tự kỷ nặng'

“Bác sĩ mô tả khối u của tôi không khác gì một chiếc máy rang bơ với các hạch tựa như những chiếc bỏng ngô bám đầy miệng hố. Nhìn cảnh đó, ai cũng ái ngại”, chị Hường nhớ lại.

39 tuổi, Nguyễn Thị Hường (giáo viên dạy văn, ở thôn Thái Hòa, xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) có cuộc sống hạnh phúc nhiều người mơ ước khi có một công việc ổn định, một người chồng thương yêu và hai con đang tuổi trưởng thành.

Thế nhưng, một ngày đầu năm năm 2015, trong một lần đưa bạn đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị cũng tranh thủ nhờ bác sĩ thăm khám dù thời điểm ấy, chị cảm thấy bản thân hoàn toàn khỏe mạnh.

Co giao phat hien ung thu phoi giai doan cuoi anh 1
Chị Hường sống vui vẻ sau 4 năm mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Ảnh: NVCC.

Vô tình phát hiện bệnh sau một lần khám

Kết quả chụp X-quang lúc đó phát hiện trong phổi của chị Hường có dịch, đồng thời hình ảnh siêu âm thấy có rõ hình khối u. Bác sĩ ngay lập tức liên tưởng tới căn bệnh ung thư phổi và chỉ định chị nhập viện để tiến hành các xét nghiệm sâu hơn.

Kể lại thời điểm đó, chị Hường cho hay bản thân vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác bất ngờ, thậm chí là sốc khi nghe bác sĩ thông báo bởi bản thân không hề có các dấu hiệu lạ.

Chị vội tìm đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để thực hiện sinh thiết. Kết quả, chị mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. “Bác sĩ mô tả khối u của tôi không khác gì một chiếc máy rang bơ với các hạch tựa như những chiếc bỏng ngô bám đầy miệng hố. Nhìn cảnh đó, ai cũng ái ngại”, chị Hường nhớ lại.

Nhận tin dữ trong tình trạng bị động khiến nữ giáo viên rơi vào tình trạng tự kỷ. Chị trở về nhà trong trạng thái im lặng, không muốn gặp gỡ bất cứ ai. Đồng nghiệp và học trò đến thăm, chị đều từ chối gặp. Chị ở một mình liên tục khóc lóc, không chịu ăn uống. Đối với cô giáo này, cuộc sống dường như đã chấp dứt.

Thế nhưng, nhìn cảnh chồng con lo lắng cho mình khiến chị Hường bừng tỉnh. Dáng vẻ lo sợ, bước thấp bước cao của chồng mỗi lần cùng vợ vào viện khiến chị nhận ra mình không thể làm gánh nặng cho những người mình thương yêu.

“Anh ấy còn hốt hoảng hơn cả tôi. Bởi lúc đó, tôi vô cùng khỏe mạnh. Nếu không tình cờ phát hiện, có lẽ tôi mãi không biết bệnh và có lẽ sẽ đột ngột ra đi rồi. Thương chồng quá, tôi vội trấn tĩnh để lấy lại tinh thần”, chị Hường kể lại.

Sau khi lấy lại tinh thần, chị trở nên mạnh mẽ và sẵn sàng điều trị. Với giai đoạn cuối, lại không may mắn thuộc thể có thể điều trị đích, biện pháp duy nhất các bác sĩ áp dụng cho chị là điều trị hóa chất. Chị bắt đầu bước vào giai đoạn điều trị tích cực 8 đợt. Mỗi đợt truyền cách nhau 18 ngày nên suốt quãng thời gian năm 2015, hầu như chị nằm viện liên tục. May mắn, cơ thể của chị Hường đáp ứng tốt với một loại thuốc duy nhất nên chỉ sau một năm, các hạch xung quanh khối u đã tiêu, khối u ở phổi đã được các bác sĩ khống chế. Chị khỏe mạnh và quay lại đi dạy học bình thường.

Co giao phat hien ung thu phoi giai doan cuoi anh 2
Nhận tin dữ đối với cô giáo trẻ rất sốc, nhưng cô đã lấy lại tinh thần sau một thời gian ngắn. Ảnh: NVCC.

Đến nay, trải qua gần 4 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, ít ai nghĩ chị là một bệnh nhân. “Lần đầu tiên truyền hóa chất, tôi đã bị ngất phải cấp cứu. Lúc đó, gia đình đã xác định tinh thần vì sợ tôi không qua khỏi. Đến nay, tôi vẫn sống khỏe với căn bệnh, ai cũng xem là một kỳ tích”, chị Hường nói.

Trải qua biến cố cuộc đời, chị Hường chia sẻ: "Ung thư giờ đây không còn là dấu chấm hết mà là một hành trình. Trong đó, điều giúp tôi vượt qua chính mình là phải biết chấp nhận, vui vẻ sống tiếp và đặc biệt phải tin tưởng vào phác đồ của bác sĩ".

Nhiều người không chấp nhận nổi khi mắc ung thư lúc quá trẻ

Nói về việc tại sao bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn nặng song vẫn không có dấu hiệu để nhận biết như trường hợp bệnh nhân Hường, thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết các dấu hiệu của ung thư phổi khá mơ hồ, thậm chí bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác.

Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện sau khi vô tình đi khám. “Hiện nay , khá nhiều bệnh nhân khi phát hiện bệnh thường ho ra máu, đau tức ngực,… Ho ra máu thường là biểu hiện của ung thư phổi đã xâm lấn vào các phế quản. Đau tức ngực thường do chèn phổi rất nặng nề. Một số u chèn vào mạch máu gây phù, tê chân, tê tay,… Tất cả đều là triệu chứng muộn, khi đi khám, bệnh nhân thường phải nhập viện để điều trị ngay”, bác sĩ Thịnh cho hay.

Tuy nhiên, khoảng 1-2 năm nay, người dân khá quan tâm tới việc khám bệnh định kỳ nên đã phát hiện bệnh sớm. Những trường hợp đó được điều trị với tiên lượng rất tốt.

Co giao phat hien ung thu phoi giai doan cuoi anh 3
Bác sĩ Thân Văn Thịnh tư vấn cho bệnh nhân mắc ung thư. Ảnh: HQ.

Nhiều năm gắn bó với bệnh nhân ung thư, bác sĩ Thịnh chia sẻ yếu tố rất quan trọng để người bệnh chiến thắng căn bệnh là tinh thần. Hiện, nhiều bệnh nhân mắc ung thư ở tuổi đời rất trẻ, họ dễ rơi vào tình trạng sốc, chán nản và từ bỏ việc điều trị, làm mất đi cơ hội sống.

Một nữ bệnh nhân là bạn thân của bác sĩ Thịnh cũng mắc ung thư phổi giai đoạn cuối khi mới 29 tuổi, nhưng vì quá trẻ nên giai đoạn đầu cô rất ngang bướng trong việc chấp nhận mình mắc ung thư.

“Cô ấy bị ho long đờm kéo dài sau khi sinh con thứ hai được 2 tuổi. Tuy nhiên, khám nhiều lần tại các bệnh viện chỉ cho kết luận viêm phổi. Sau khi tiến hành thăm khám, tôi nghi ngờ ung thư phổi và có đề nghị cô ấy làm sinh thiết, nhưng cô ấy ngang bướng không chịu, vẫn tiếp tục điều trị viêm phổi, bất chấp lời khuyên của tôi”, bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Sau thời gian không khỏi bệnh, cô mới chịu làm sinh thiết và tìm ra căn bệnh ung thư. Hiện tại, cô đã được điều trị hóa chất và sống vui vẻ suốt 3 năm nay.

“Ung thư giai đoạn cuối không hẳn là án tử cận kề. Tùy vào từng thể bệnh và từng cá thể với mức độ đáp ứng thuốc điều trị khác nhau sẽ cho tiên lượng khác nhau. Nhiều bệnh nhân vẫn có thể sống khỏe mạnh lên tới trên 10 năm. Do đó, người bệnh không nên quá bi quan vào căn bệnh”, bác sĩ Thịnh lưu ý.

Căn bệnh diễn viên Mai Phương mắc có chữa được không?

Mỗi người bệnh mắc ung thư phổi có tiên lượng khác nhau, tùy thuộc vào hai yếu tố là giai đoạn và thể bệnh.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm