Trước khi mua chiếc búa cao su, Victor Park (Seoul, Hàn Quốc) đã cố nhẹ nhàng nhắc nhở gia đình ở tầng trên về tiếng nhạc đinh tai nhức óc, tiếng trẻ con chạy trên sàn liên tục dội xuống căn hộ của mình.
Hàng xóm phớt lờ, nhiều cuộc gọi yêu cầu xử lý của Park với ban quản lý chung cư cũng không đem lại kết quả, theo LA Times.
Chịu đựng ồn ào từ hàng xóm là vấn đề tồn tại từ lâu ở Hàn Quốc, song chuyện giải quyết vẫn ở mức hời hợt. Tranh: Yonhap. |
Chịu đựng tiếng ồn quá lâu, Park cho hay anh bị căng thẳng kéo dài, tim đập nhanh. Không thể nhẫn nhịn thêm, Park trả đũa lại. Anh đập mạnh búa cao su vào trần nhà cho âm thanh dội ngược trở lại căn hộ phía trên.
Cuộc chiến giữa hai tầng bắt đầu.
Uống thuốc ngủ vì hàng xóm
“Bị làm phiền bởi âm thanh từ người khác khi đang trong nhà của mình thực sự gây ức chế. Người gây ra tiếng ồn chỉ hiểu cảm giác khó chịu đó khi người khác làm điều tương tự với họ”, người đàn ông 36 tuổi than phiền.
Đại dịch Covid-19 đã khiến người dân buộc phải ở trong nhà nhiều hơn mong muốn. Ở Hàn Quốc, nơi hai phần ba dân số sống trong các tòa nhà chung cư, điều đó đồng nghĩa với việc chịu đựng tiếng ồn từ các nhà xung quanh diễn ra thường xuyên.
Theo Tổng công ty Môi trường Hàn Quốc, các khiếu nại gửi đến trung tâm giải quyết tranh chấp tiếng ồn do chính phủ điều hành trong năm 2020 đã tăng 60% so với năm trước đó.
Trong khi đó, cảnh sát nước này lại không làm được gì nhiều ngoài tiến hành đo mức độ âm thanh và khuyên giải những người sống cùng khu lịch sự với nhau hơn.
Khi những lời góp ý không được lắng nghe, các gia đình bắt đầu vào cuộc chiến "trả thù tiếng ồn" không hồi kết. Ảnh: AFP. |
Khi nhắc nhở không thành, nhiều cư dân Seoul thiếu ngủ vì hàng xóm làm ồn tìm đến những cách cực đoan hơn để trả đũa các nhà xung quanh.
Trên một diễn đàn trên mạng dành riêng cho những người ghét tiếng ồn với hơn 58.000 thành viên, người dùng chia sẻ các cách “trả thù” bằng việc dí súng massage vào tường nhà, đóng sầm cửa hoặc phát âm thanh kỳ lạ qua lỗ thông hơi, lắp loa và bật tiếng trống, kim loại rít, tiếng đập bóng, gõ búa.
Tiếng ồn từ những người sống tầng trên khiến Lim Bo Mi (30 tuổi) mất ngủ đến nỗi cô phải bịt tai kín từ 22h và nhờ bác sĩ kê đơn thuốc ngủ từ mùa hè năm ngoái.
Thời gian làm việc ở cửa hàng bị cắt giảm trong lúc có dịch, Lim có thêm 2 tiếng ở nhà trọ mỗi ngày. Cô từng nhờ chủ nhà can thiệp lẫn nhiều lần tự góp ý song đều bị hàng xóm bỏ ngoài tai.
“Họ nói tôi quá nhạy cảm và bản thân họ không làm gì sai cả”, Lim kể lại.
Sau 8 tháng chịu đựng, cô cũng tự sắm cho mình một chiếc búa cao su. Ngoài ra, cô phát hiện việc đặt điện thoại ở chế độ rung và đặt nó vào tường sẽ khiến gia đình sống ở trên im lặng.
Nhưng những giải pháp này chỉ là tạm thời, Lim đang tìm cách hủy hợp đồng thuê nhà và chuyển đến nơi khác.
Tại một quốc gia mà khoảng 60% trên tổng số 50 triệu người dân sống trong các chung cư như Hàn Quốc, việc chịu đựng âm thanh từ những người xung quanh gây ra là điều khó tránh khỏi. Ảnh: LA Times. |
"Đây là một cuộc chiến"
Yoo (một lao động tự do 40 tuổi) cũng dùng búa cao su để trả đũa hàng xóm. Song, điều này chỉ khiến họ càng làm ồn thêm. Cuối cùng, Yoo mua thêm một loa Bluetooth đặt vào lỗ thông hơi trong phòng tắm, trước khi sắm thêm một loa trầm chuyên dụng và bật các âm thanh có trong phim khiêu dâm.
Hành động này khiến những người hàng xóm sống ở tầng trên không còn ra vẻ thách thức. Họ xin lỗi Yoo chỉ sau một ngày anh áp dụng chiêu trả thù mới. Thậm chí, những người này hầu như giữ im lặng kể từ đó và nói với Yoo rằng họ dự tính chuyển sang nơi mới.
“Cuối cùng, đó vẫn là vấn đề về văn hóa mỗi người. Họ chỉ biết cho bản thân mình”, Yoo đúc kết.
Luật sư Lee Seung Tae thường ngăn cản khách hàng đưa vụ việc liên quan đến tiếng ồn chung cư ra tòa bởi khó để chứng minh thiệt hại. Ngay cả thắng kiện, số tiền đền bù cũng không đủ chi trả phí pháp lý.
Chịu đựng tiếng ồn lâu, người nghe dễ bị căng thẳng kéo dài, dẫn đến buồn bực, mất ngủ. Ảnh: Freepik. |
Bản thân Lee cũng đối mặt với căng thẳng kéo dài trong nhiều năm với gia đình hàng xóm có 3 trẻ nhỏ. Lee chọn cách giải quyết bằng cách chuyển đến một căn hộ áp mái ở tầng 30 cách nơi ở cũ một vài tòa nhà.
“Ngôi nhà đáng nhẽ là nơi để nghỉ ngơi và cảm thấy thoải mái nhất nhưng trong trường hợp này, nó lại trở thành nguồn gốc của căng thẳng”, Lee nói.
Seo Byeong Tyang, một nhà quản lý tại trung tâm giải quyết tranh chấp về tiếng ồn, cho biết khi các kỹ sư đo tiếng ồn tại nhà của người khiếu nại, âm thanh thu về thường chỉ vượt quá ngưỡng quy định khoảng 7%.
“Nhiều người sau khi biết về hoàn cảnh của nhau đã trở nên thông cảm hơn. Ví dụ, khi hàng xóm trên tầng dùng ghế massage vào lúc nửa đêm, tôi hiểu họ đã có một ngày dài vất vả. Tôi hy vọng những người sống tầng dưới cũng nghĩ được như vậy trước khi chửi bới vợ tôi và phàn nàn về tiếng ồn mà con trai tôi gây ra”, Seo nói.
“Tôi là thủ phạm và cũng là nạn nhân. Bạn khó có thể tránh khỏi việc bị tiếng ồn làm phiền khi sống trong điều kiện vậy”, anh nói thêm.
Nhưng với Park, gia đình hàng xóm không đáng nhận sự cảm thông từ anh. Sau nhiều năm căng thẳng với nhau, Park bỏ ra 150 USD để mua một chiếc loa xịn và thường xuyên bật những bài hát có nội dung nhạy cảm, tiêu cực mà không bà mẹ nào muốn con mình nghe phải.
“Đây là một cuộc chiến và tôi coi mình đang tự vệ chính đáng”, Park khẳng định.
Ban đầu, hàng xóm vẫn không nhượng bộ. Park quyết định mạnh tay hơn, anh liên tục mở trong 24 giờ thay vì chỉ phát trả đũa lúc gia đình kia gây ồn. Một vài tháng sau, gia đình đó đã chuyển đi nơi khác.
Khi đọc review về sản phẩm mình đã mua, Park nhận thấy có rất nhiều người chia sẻ trải nghiệm và lý do họ mua “chiếc loa trả thù” tương tự với anh.
“Sự phổ biến của tình trạng này ít nhiều đem lại cho tôi sự an ủi khi biết mình không phải nạn nhân duy nhất. Còn chiếc loa đã cứu tôi khỏi sự bất lực khi không biết phải làm gì để chấm dứt”, Park kết luận.