Theo Chosun Ilbo, sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ khiến thế hệ người trẻ đi làm tại Hàn Quốc không còn mong muốn sở hữu nhiều món đồ. Họ ưa chuộng xu hướng thuê mọi thứ, từ thiết bị gia dụng đến xe hơi và đồ nội thất.
Hình thức tiêu dùng này càng phổ biến hơn với những mặt hàng vốn chỉ nhà giàu mới mua được.
Thay vì bỏ tiền mua đứt, thế hệ người trẻ đi làm ở Hàn đang dần ưa chuộng hình thức cho thuê, từ những món đồ đắt tiền cho đến các vật dụng nhỏ nhất. Ảnh: Bloomberg. |
Một nhân viên văn phòng 34 tuổi ở Seoul cho hay anh chi ra 750.000 won mỗi tháng để thuê ôtô di chuyển. Dịch vụ này cho phép anh lái 4 chiếc xe Hyundai khác nhau.
"Tôi được thay đổi xe mỗi tháng. Nếu tôi tìm thấy một mẫu xe hơi nào đó và muốn mua chúng, tôi có thể hủy dịch vụ bất cứ lúc nào, không hề có điều kiện ràng buộc", người này cho hay.
Theo thống kê, trong hơn 8.300 người sử dụng dịch vụ thuê xe di chuyển hàng ngày này, 62% lượng khách hàng trong độ tuổi 20-30. Trung bình, số tiền họ phải bỏ ra dao động 590.000-990.000 won mỗi tháng.
Tại thủ đô Seoul, một phòng tranh bày tranh tên Ope Gallery, cũng chào mời dịch vụ cho mượn tác phẩm nghệ thuật. Với 100.000 won, khách hàng có thể đem tranh về treo tại nhà của họ trong vòng 3 tháng.
Sở hữu các tác phẩm nghệ thuật từ lâu vốn được coi là biểu tượng cho địa vị, lối sống xa hoa của người giàu. Nhưng giờ đây, điều đó trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều với tầng lớp bình dân.
Hơn 70% khách hàng thuê tranh là phụ nữ thuộc thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996) tại Hàn Quốc.
Nhờ dịch vụ cho thuê, khách hàng trẻ tuổi vẫn có cơ hội sử dụng những món đồ đắt tiền - thứ họ không đủ khả năng chi trả nếu mua đứt. Ảnh: Insider. |
Hanssem, một nhà sản xuất đồ nội thất, cũng đang trong kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm cho thuê, từ nệm đến giường, ghế sofa và các loại đồ nội thất cao cấp khác.
Thị trường cho thuê thiết bị chơi golf cũng chứng kiến sự nhộn nhịp. Thậm chí, những chiếc túi xách Chanel hàng hiệu có thể được thuê trong vòng 3-4 ngày với mức giá 100.000 won.
Lý do chính khiến dịch vụ này thu hút khách nằm ở chỗ phụ nữ trẻ thường chỉ mang túi xách sang trọng vào những dịp đặc biệt, trong khi dòng túi hàng hiệu, có giá bán đắt đỏ lại chủ yếu nằm ngoài tầm với của số đông.
Đây cũng được coi là cách làm hợp lý giúp thế hệ trẻ tuổi ở Hàn tiết kiệm chi tiêu tối đa trong bối cảnh mức sống đắt đỏ và công ăn việc làm bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, hình thức tiêu dùng này hy sinh quyền sở hữu vĩnh viễn để có được sự linh hoạt và dễ dàng, sẵn có song xu hướng này dễ gây đau đầu cho các nhà sản xuất.
Sống trong căn hộ đầy đủ tiện nghi, song Miki Reynolds sở hữu ít ỏi số đồ đạc trong nhà. Ảnh: New York Times. |
Trước Hàn Quốc, giới trẻ và thế hệ trưởng thành ở Mỹ cũng tìm đến phương án bỏ tiền đi thuê phần lớn những đồ dùng hàng ngày thay vì bỏ tiền mua.
Miki Reynolds (Los Angeles) cho rằng hình thức thuê đồ đem lại nhiều tiện ích và linh hoạt. Nhờ đăng ký dịch vụ thuê quần áo, tủ đồ của cô được cập nhật thường xuyên. Cô có cơ hội diện trang phục và phụ kiện từ các hãng cao cấp với mức chi phí rẻ hơn.
Các món đồ nội thất trong căn hộ nhờ vậy được thay mới hàng tháng. Ngay cả nơi làm việc, Miki cũng sẵn sàng bỏ tiền ra thuê chỗ, quyết định được cô đánh giá là “giúp loại bỏ các rắc rối hành chính khi điều hành một văn phòng cố định”.
Theo người phụ nữ này, mấu chốt của việc sở hữu không phải là có khả năng mua bao nhiêu món đồ, mà là “có được nhiều trải nghiệm”. Điều quan trọng nhất là cô có thể quyết định dùng tiếp hay không bất cứ lúc nào, không rắc rối nào đi kèm nảy sinh từ lựa chọn đó.
Chung quan điểm, Lili Morton (New York) cho rằng “những món đồ vật chất có thể đem lại niềm vui trong chốc lát nhưng lại dễ cả thèm chóng chán”. Thay vì mua quá nhiều đồ đạc, Morton tập trung vào việc làm đẹp, chăm sóc bản thân.