Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến trong nhà vệ sinh nữ ở Trung Quốc

Nhiều phụ nữ Trung Quốc đang nỗ lực xóa bỏ các quảng cáo dịch vụ mang thai hộ được dán dày đặc bên trong các nhà vệ sinh, tránh những người dễ bị tổn thương trở thành nạn nhân.

Nhiều phụ nữ nỗ lực xóa bỏ, che các quảng cáo mang thai hộ bằng sticker.

Vào cuối tháng 4, một đoạn video quay cảnh một phụ nữ dùng miếng sticker che đi quảng cáo mang thai hộ trong nhà vệ sinh tại một bệnh viện ở khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) lan truyền trên mạng.

Hành động của cô được nhiều người khen ngợi, không ít người cũng chia sẻ rằng từng xóa, che đi những quảng cáo như vậy khi bắt gặp: "Tôi đã xóa những loại quảng cáo này trong nhà vệ sinh một rạp chiếu phim", "Tôi thấy những quảng cáo thế này trong ký túc xá và nhà tắm của trường học".

Những quảng cáo dạng này tìm cách tuyển dụng người mang thai hộ cũng như khách hàng. Chúng thường có rất ít chữ, chỉ kèm theo giá cả và số liên lạc. Nhiều nơi còn đảm bảo sẽ sinh được con trai - giới tính được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Cuộc chiến

Chia sẻ với Sixth Tone, 5 sinh viên ở 5 thành phố khác nhau tại Trung Quốc cho biết họ thấy những quảng cáo này "không biết bao nhiêu lần" trong nhà vệ sinh.

Zhao Yifei, học thạc sĩ tại Đại học quốc lập Trung Sơn, cho hay những quảng cáo này có thể được tìm thấy ở hầu hết nhà vệ sinh trong khuôn viên trường. Tuy nhiên có lúc, cô cảm thấy mâu thuẫn khi loại bỏ những quảng cáo này.

“Một mặt, tôi nghĩ đẻ thuê có thể giúp những gia đình không thể thụ thai vì lý do thể chất. Mặt khác, kết quả rất có thể xảy ra là người giàu sử dụng đẻ thuê với số lượng lớn và bóc lột người nghèo”, Zhao nói.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị cấm ở Trung Quốc, cùng với mọi hoạt động mua bán giao tử, trứng đã thụ tinh và phôi. Lệnh cấm đã dẫn đến sự xuất hiện của thị trường chợ đen và các dịch vụ đẻ thuê xuyên biên giới nhắm vào các cặp vợ chồng vô sinh và đồng giới.

Các bà mẹ mang thai hộ ở Trung Quốc có thể nhận được tới 280.000 nhân dân tệ (40.282 USD), trong khi khách hàng được cho là phải trả tới 1,1 triệu nhân dân tệ cho một đứa trẻ mang thai hộ với giới tính được chọn.

mang thai ho Trung Quoc anh 1

Một quảng cáo mang thai hộ trong nhà vệ sinh bị xóa bỏ.

Câu hỏi liệu có nên hợp pháp hóa việc mang thai hộ ở Trung Quốc hay không cũng đang được tranh luận sôi nổi. Vào năm 2017, People’s Daily đăng một bài báo thảo luận về việc hợp pháp hóa việc mang thai hộ để khắc phục tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước và giúp đỡ các cặp vợ chồng già hiếm muộn. Tuy nhiên, những người phản đối chỉ trích hành vi này bóc lột những phụ nữ dễ bị tổn thương.

Kể từ năm 2019, người phụ nữ họ Li luôn giữ một chiếc bút đánh dấu và miếng sticker in hình phản đối mang thai hộ trong túi xách của mình. Cũng vào năm đó, cô lần đầu tiên xóa một quảng cáo mang thai hộ trong nhà vệ sinh trung tâm mua sắm ở Trịnh Châu bằng thỏi son môi.

Sau đó, Li đã mua các miếng dán in thông điệp phản đối mang thai hộ phòng trường hợp bắt gặp lại. Trên một số miếng sticker có ghi nội dung rằng chúng dài 30 cm, bằng chiều dài của cây kim dùng để lấy trứng của phụ nữ. Li hy vọng bằng cách cho thấy thực tế diễn ra như thế nào có thể khiến nhiều phụ nữ sợ hãi khi nghĩ về việc mang thai hộ.

mang thai ho Trung Quoc anh 2

Các miếng sticker in thông điệp phản đối mang thai hộ Li mang theo.

Một số nhà sản xuất sản phẩm dành cho phụ nữ, bao gồm cả băng vệ sinh và các sản phẩm chăm sóc da, cũng đang hỗ trợ những nỗ lực chống mang thai hộ này bằng cách tặng cho khách hàng những miếng sticker in thông điệp chống mang thai hộ miễn phí.

SISCOM, nhà cung cấp bán các mặt hàng ủng hộ nữ quyền, đã bắt đầu tặng khách hàng các sticker phản đối mang thai hộ từ năm 2021.

“Việc mang thai hộ bóc lột phụ nữ. Nó bị cấm ở Trung Quốc. Bạn sẽ bị trừng phạt vì điều đó”, sticker ghi, kèm theo đường dây nóng báo cáo.

Qiqi, đồng sở hữu của SISCOM, cho biết cô đã bắt gặp nhiều quảng cáo như vậy.

“Đôi khi tôi phải công nhận những người làm ra các quảng cáo này thật thông minh. Nhà vệ sinh là nơi riêng tư đến mức bạn khó có thể bắt và cấm chúng”, cô nói.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Nơi chỉ đàn ông có thu nhập cao mới dám lấy vợ

Dưới những áp lực về chi phí sinh hoạt, nuôi dạy con cái, nhiều đàn ông Hàn Quốc có thu nhập thấp không thể nghĩ tới chuyện kết hôn.

Mai An

Bạn có thể quan tâm