Chiều thứ 4 đẹp trời giữa tháng 1, tôi nhận được cuộc gọi thông báo: “Một công nhân tại bệnh viện ở trung tâm thành phố Thượng Hải có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2”. Tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc, lấy xe chạy về văn phòng.
Trước hôm 20/1, Thượng Hải không phát hiện ca mắc Covid-19 nào trong cộng đồng suốt 2 tháng. Cụm dịch cuối cùng, bùng phát vào tháng 11/2020, được kiểm soát chỉ sau 7 ca lây nhiễm.
Thế nhưng, hiệu suất trong quá khứ không đảm bảo kết quả trong tương lai. Ca mắc mới này dẫn đến trận chiến hoàn toàn mới, ngay cả khi kẻ thù vẫn vậy.
Tôi là Pan Hao, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trong hơn 2 thập kỷ, ban đầu làm việc ở tỉnh Giang Tô và chuyển sang Thượng Hải từ 2008. Trong gần 22 năm công tác, công việc của tôi khá vô danh.
Nhân viên y tế làm xét nghiệm axit nucleic tại bệnh viện ở Thượng Hải tháng 1/2021. Ảnh: Yin Liqin/CNS. |
Trước đại dịch Covid-19, mọi người gần như không biết tới sự tồn tại của nghề này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi và đồng nghiệp rảnh rỗi. Chúng tôi làm nhiệm vụ truy vết tiếp xúc và điều tra dịch tễ học trên nhiều dịch bệnh bùng phát trong những năm qua, từ cúm, bệnh tay chân miệng cho đến nhiễm khuẩn shigellosis, E. coli.
Giờ đây, hầu hết đều biết về chúng tôi - những người mặc đồ bảo hộ, có nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của từng đợt bùng phát dịch Covid-19 trên khắp cả nước.
Sự thật là công việc của chúng tôi không thay đổi nhiều so với trước đại dịch. Chúng tôi chỉ chuyển trọng tâm sang mầm bệnh mới và công chúng dồn sự chú ý vào những “chuyên gia truy vết tiếp xúc”.
Khó hơn phá án mạng
Tôi thích ví von công việc của mình với cảnh sát - họ truy lùng tội phạm, còn chúng tôi giải quyết các đợt bùng phát dịch. Cả hai đều cần xác định tất cả đối tượng có thể liên quan đến sự việc, tái hiện chi tiết đã xảy ra và bảo vệ cộng đồng bằng cách “tìm ra kẻ sát nhân”.
Có thể hơi thành kiến, nhưng tôi thấy việc truy vết tiếp xúc còn khó hơn phá án mạng. Với mỗi ca nhiễm được xác nhận, chúng tôi cần truy tìm hàng chục, hàng trăm người có liên quan. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn.
Đầu mùa xuân năm ngoái, khi dịch Covid-19 ở Trung Quốc lên đến đỉnh điểm, tôi và đồng nghiệp được giao nhiệm vụ tìm ra nguồn lây nhiễm của 2 cụm dịch trong cộng đồng tại các quận ở 2 đầu đối diện của thành phố.
Mặc dù nhanh chóng tìm ra cách virus lây lan, chúng tôi đã mất hàng tuần, trong khủng hoảng, cố gắng hết sức mà không tìm ra “bệnh nhân số 0” ở 2 cụm dịch đã nhiễm bệnh theo cách nào.
Nhân viên y tế nói chuyện với người dân ở Thượng Hải tháng 1/2021. Ảnh: Wang Gang/People Visual. |
Chúng tôi bị cấp trên gây áp lực mỗi ngày để hoàn thành cuộc điều tra. Cuối cùng, chúng tôi tham gia cuộc họp quy tụ tất cả chuyên gia truy vết tiếp xúc của thành phố.
Lần đầu tiên xem xét cùng lúc 2 cụm dịch, chúng tôi nhận ra rằng cả 2 “bệnh nhân số 0” đều có mặt ở một địa điểm. Điều này có nghĩa dù sống ở những khu vực khác biệt, họ quen biết và truyền virus cho nhau.
Tuy nhiên, điều đó vẫn không trả lời được câu hỏi làm thế nào mà “bệnh nhân số 0” nhiễm SARS-CoV-2.
Phải mất thêm 1 tuần nữa cùng vô số cuộc điện thoại cho bệnh nhân, gia đình người này và hơn 100 cá nhân khác, chúng tôi mới lần ra manh mối liên quan tới sở thích bơi lội của anh ta.
Chúng tôi nhanh chóng phát hiện rằng “bệnh nhân số 0” tiếp xúc với một người mắc Covid-19, tạm gọi là A, ở hồ bơi anh ta hay lui tới. Theo truy vết, A lây nhiễm từ một người bạn có liên quan tới cụm dịch khác ở tỉnh lân cận.
Đến đây, chúng tôi mới có thể tuyên bố kết thúc điều tra dịch tễ.
Thách thức bủa vây
Trong đợt bùng dịch mới nhất ở Thượng Hải, 21 ca mắc Covid-19 được phát hiện cho đến nay - gấp 3 lần so với hồi tháng 11/2020. Lần này, các ca nhiễm tập trung ở trung tâm thành phố, chỉ cách khu mua sắm và ăn uống nổi tiếng nhất Thượng Hải vài dãy nhà.
Tâm dịch được xác định là khu phố cũ, bị cắt ngang bởi nhiều ngõ hẹp và ngoằn ngoèo, khiến các nỗ lực truy vết tiếp xúc trở nên khó khăn hơn bội phần.
Tuy nhiên, thách thức thực sự mà các chuyên gia truy vết tiếp xúc cần đối mặt không phải là liệu có thể truy tìm nguồn gốc của đợt bùng phát dịch hay không. Mà đó là liệu chúng tôi có thể làm được điều này mà không đặt một thành phố hơn 24 triệu dân vào tình trạng phong tỏa.
Bác sĩ được khử trùng bởi một đồng nghiệp tháng 2/2020 tại khu cách ly ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty. |
Zhang Wenhong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn (Thượng Hải), từng mô tả: “Việc này giống như cố gắng bẫy chuột trong cửa hàng đồ sành sứ. Không thể để lũ chuột chạy lung tung, nhưng làm đổ bể mọi thứ trong khi cố gắng bắt chúng cũng không phải là giải pháp”.
Theo hướng này, các nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 của Thượng Hải còn khá mềm mỏng so với hầu hết khu vực còn lại ở Trung Quốc.
Ví dụ, hầu như thông lệ tiêu chuẩn ở nhiều thành phố là phong tỏa mọi tòa nhà mà bệnh nhân Covid-19 ghé qua trong vòng 14 ngày và cách ly tất cả dân cư trong khu vực lân cận. Chiến lược này có thể hiệu quả, nhưng áp dụng cho trung tâm tài chính lớn nhất Trung Quốc thì không lý tưởng.
Thay vào đó, mục tiêu của chúng tôi là cố gắng thu thập càng nhiều thông tin chuẩn xác về lịch trình di chuyển của F0 càng tốt. Những thông tin này sau đó được sử dụng để nhắm mục tiêu chính xác đến các vùng cách ly, có nghĩa là chỉ ảnh hưởng đến nhóm người thực sự có nguy cơ nhiễm bệnh.
Do đó, mỗi khi phát hiện bệnh nhân Covid-19 mới, chúng tôi yêu cầu khai báo chính xác nơi họ đến mỗi ngày, ở đó trong bao lâu, chạm vào những gì, gặp gỡ ai, có đeo khẩu trang và giãn cách xã hội hay không.
Chúng tôi sử dụng thông tin đó để xác định F1, sau đó lặp lại quy trình để tìm ra F2.
Tất nhiên, không nhiều người có thể nhớ chính xác những gì họ đã làm trong vòng 14 ngày. Đối với người trẻ, gần như làm mọi thứ thông qua điện thoại, chúng tôi có thể yêu cầu họ kiểm tra biên lai kỹ thuật số và một số thông tin khác.
Đối với người lớn tuổi, có trí nhớ kém, chúng tôi phải nói chuyện với người nhà của họ và theo dõi nhiều lần.
Nhân viên y tế ở Vũ Hán kiệt sức sau thời gian làm việc liên tục. Ảnh: AFP/Getty. |
Nhìn chung, hầu hết đối tượng mà chúng tôi truy vết về cơ bản đều khá hợp tác. Tuy nhiên, không ít người từ chối tiết lộ lịch sử liên lạc và hoạt động cá nhân, đặc biệt khi họ nghĩ việc khai báo trung thực có thể khiến gia đình tan vỡ hoặc đẩy họ vào rắc rối pháp lý.
Trong các trường hợp này, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là thử cách tiếp cận khác, chẳng hạn như yêu cầu phía cảnh sát cung cấp video giám sát. Đôi khi, chúng tôi nhìn chằm chằm vào những video đó hàng giờ để lần ra manh mối cho đến khi mắt đỏ hoe.
Không được ghi nhận xứng đáng
Khi đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc lần đầu vượt ngoài tầm kiểm soát vào đầu năm ngoái, tôi không hề ngạc nhiên.
Trong suốt hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực kiểm soát bệnh truyền nhiễm, tôi từng chứng kiến vô số đợt bùng phát dịch, một số thậm chí còn gây tử vong nhiều hơn Covid-19. Tôi đã quen với tất cả.
Nhưng tôi hy vọng rằng trước thiệt hại do Covid-19 gây ra, các nhà chức trách sẽ nhận ra vai trò quan trọng của nhân viên y tế công cộng trong việc bảo vệ và che chắn những thành phố khỏi dịch bệnh.
Thông thường, càng làm tốt công việc của mình, thì càng có vẻ như chúng tôi không làm gì cả.
Trong những năm qua, việc trả lương thấp và thiếu sự công nhận đã khiến ngành y tế cộng đồng mất rất nhiều nhân lực tài năng. Ví dụ, nhiều đồng nghiệp cũ của tôi chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư nhân vì được trả lương cao hơn.
Trong những năm qua, việc trả lương thấp và thiếu sự công nhận đã khiến ngành y tế cộng đồng mất rất nhiều nhân lực tài năng. Ảnh: Sixth Tone. |
Tuy nhiên, theo một cách nào đó, tôi nhớ sự ẩn danh của mình. Bây giờ, khi gõ cửa nhà người dân với đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, chúng tôi không được chào đón.
Tôi thà là người vô hình, lặng lẽ bảo vệ thành phố như trước kia. Dân cư không cần biết bất cứ điều gì về chúng tôi, chỉ biết là có những người ở ngoài kia canh chừng, giữ an toàn cho họ.