Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc đời bi kịch của 'thần đồng nhân tạo' ở Trung Quốc

Bị cha ép học từ năm 3 tuổi, cuộc đời của Trương Dịch Văn mất đi tuổi thơ vốn có. Tương lai của em cũng mờ mịt vì không được học hành giống bạn bè cùng trang lứa.

thien tai trung quoc anh 1

Gần 20 năm trước, một đứa trẻ ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) được người dân địa phương gọi là thần đồng. Bởi vì dù chưa từng đặt chân vào cổng trường, em đã tham gia kỳ thi đại học vào năm 9 tuổi.

Nhiều người nghĩ rằng cuộc đời của cô bé này sẽ có kết cục đẹp, nhưng kết quả lại không như mong đợi. Sau khi tốt nghiệp đại học, đứa trẻ này gặp nhiều trở ngại và bị coi là ví dụ điển hình của "giáo dục thần đồng" thất bại, theo 163.

Cha ảo tưởng, nghĩ con là thần đồng

Đứa trẻ trong câu chuyện này là Trương Dịch Văn, sinh năm 2007. Trước năm 3 tuổi, Dịch Văn vẫn sống cuộc sống của một đứa trẻ bình thường. Nhưng khi đến tuổi đi mẫu giáo, do trường không có lớp dạy kèm, gia đình quyết định cho em ở nhà để tự dạy.

Ông Trương Dân Thao, cha của Dịch Văn, nói rằng ông cho con học ở nhà vì ông cảm thấy triết lý giáo dục của Trung Quốc có vấn đề. Cho trẻ đi học sẽ hủy hoại tinh thần của chúng và biến các em thành những thiên tài tầm thường.

Chính suy nghĩ này của ông Trương Dân Thao khiến tuổi thơ của Dịch Văn kết thúc đột ngột ở tuổi lên 3. Kể từ đó, cuộc sống của em rẽ sang một hướng khác.

Mặc dù trình độ học vấn của Trương Dân Thao không cao, ông vẫn có thể dạy con gái đọc và viết, đồng thời sử dụng một số công cụ để dạy học cho con.

thien tai trung quoc anh 2

Dịch Văn được cha dạy tại nhà, sau đó đi thi đại học để "quảng cáo" cho trường của cha. Ảnh: 163.

Dưới sự dẫn dắt của cha, Trương Dịch Văn biết hàng nghìn chữ Hán khi mới 4 tuổi. Chính điều này cũng khiến ông Trương ngạc nhiên và cho rằng mình đã sinh ra một đứa con thiên tài.

Vì vậy, Dịch Văn 4 tuổi bắt đầu "gánh vác" ước mơ của cha, chờ đợi một ngày có thể tạo tiếng vang và chứng minh triết lý giáo dục của mình là đúng. Thậm chí, khả năng học tập của con gái còn khiến ông Trương nghĩ rằng khả năng giảng dạy của mình có thể sánh ngang Khổng Tử,

Cảm thấy tài năng giảng dạy của mình không nên bị chôn vùi, người đàn ông này thậm chí mở một trường tư thục tại địa phương, dù không có bằng đại học trong tay.

Tuy nhiên, ngôi trường của ông Trương không mấy người theo học. Không có học sinh, không thể mở lớp, hoài bão giảng dạy của ông không thể thực hiện. Nhưng người đàn ông này vẫn tự coi mình là Lỗ Tấn đương thời - tỉnh táo trong khi người khác đều say. Thậm chí, ông viết vô số bài phê bình, châm biếm nền giáo dục Trung Quốc.

Đối mặt với thất bại đầu tiên, ông Trương Dân Thao vẫn không từ bỏ. Sau nhiều lần suy nghĩ, ông tính đến giải pháp nâng cao danh tiếng của trường bằng thành tích của con gái mình.

Phải thi đại học khi mới 9 tuổi

Bị cha biến thành công cụ đánh bóng tên tuổi, Dịch Văn 7 tuổi đã phải học Toán, Lý, Hóa của bậc THCS và THPT, trong khi các bạn cùng tuổi mới chỉ ê a học chữ. Do phải học quá nhiều, cô bé không có bạn bè, thậm chí không được trải qua tuổi thơ bình thường vì phải gánh ước mơ của cha.

Đối với Dịch Văn, một ngày của em chỉ xoay quanh việc học. Em không có không gian riêng, mọi thứ đều phải làm theo yêu cầu do cha đặt ra.

Giáo dục trẻ em Trung Quốc hướng đến vui chơi và định hướng, nhưng Dịch Văn lại phải đối mặt với những kiến thức nhàm chán và buồn tẻ. Đứa trẻ 17, 18 tuổi học kiến thức THPT còn thấy khó, nhưng Dịch Văn chưa đầy 10 tuổi đã phải "nạp" hết vào đầu.

Học tập đối với Dịch Văn là thứ nhàm chán nhất trên đời. Nhưng nếu không học, cha lại bắt em đọc sách, không được phép nghỉ.

Vào năm 9 tuổi, ông Trương quyết định cho con gái thi đại học. Kỳ thi gaokao năm đó không giới hạn độ tuổi, chỉ cần chứng minh thí sinh đạt trình độ THCS hoặc THPT là đủ.

Để con được thi đại học, ông Trương cho con ôn tập để lấy chứng chỉ trình độ học vấn tương đương. Qua đó, Dịch Văn trở thành thí sinh dự thi đại học vào năm 2016.

Vào ngày thi đại học, cô bé phải chụp ảnh, trả lời phỏng vấn từ báo chí và tích cực quảng bá trường cho cha. Thậm chí, em còn phải mặc chiếc áo in khẩu hiệu: "9 tuổi thi đại học, con có thể làm được".

thien tai trung quoc anh 3

Dịch Văn thi đại học 2 lần, nhưng kết quả đều không khả quan. Ảnh: 163.

Thất bại, thất vọng

Có chứng chỉ để thi đại học, nhưng không có nghĩa Dịch Văn có trình độ học vấn tương đương học sinh THPT bình thường. Độ khó của kỳ thi tuyển sinh đại học khiến bé gái 9 tuổi thất bại trong lần thi đầu tiên.

Truyền thông Trung Quốc gọi đây là một thất bại thảm hại, bởi vì Dịch Văn chỉ đạt 172/700 điểm, không đủ điều kiện trúng tuyển bất kỳ trường đại học nào ở Trung Quốc.

Dù con gái đạt điểm thấp, cho thấy những lỗ hổng trong cách dạy học, ông Trương vẫn rất lạc quan và không từ bỏ ý định cho con thi lại. Ngay sau đó, ông cho con đăng ký vào một lớp luyện thi - nơi xây dựng chương trình học theo định hướng thi cử.

Ông Trương cho rằng kỳ thi đại học của Trung Quốc là sản phẩm của nền giáo dục coi trọng thi cử. Ông không dạy con theo cách này nên con trượt là điều bình thường.

Đến năm 2017, Dịch Văn thi gaokao thêm một lần nữa và phải trả lời báo chí giống như năm 2016. Dù mới 10 tuổi, những lời nói, hành vi của em trưởng thành hơn nhiều so với bạn cùng trang lứa. Em trả lời từng câu hỏi một cách bình tĩnh và lưu loát.

Sau một năm ôn tập, Dịch Văn tiến bộ hơn và đạt 352/700 điểm. Nhưng điểm số này vẫn không có gì nổi bật, thậm chí không đủ để đậu đại học tốp đầu.

Không bỏ cuộc, ông Trương Dân Thao lại đưa ra quyết định khác là cho con đăng ký vào đại học ở địa phương để học ngành Công nghệ điện tử. Toàn bộ quá trình này, Dịch Văn không được quyết định, em chỉ làm theo sự sắp đặt của cha.

Sau khi được nhận vào trường, tin tức bé gái 10 tuổi học đại học nhanh chóng lan truyền khắp cả nước. Mong ước của Trương Dân Thao cuối cùng đã thành hiện thực. Con gái nổi tiếng, ngôi trường của ông sẽ có lượng học sinh ổn định.

Đối diện với ống kính của phóng viên, ông Trương thậm chí phấn khích hơn con gái. Sự nổi tiếng nhỏ nhoi này lại khiến ông ảo tưởng và nói rằng "con gái mình là thần đồng, 20 tuổi sẽ tốt nghiệp tiến sĩ, tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và đạt được thành tựu vượt trội".

Lên đại học, cuộc sống của Dịch Văn vẫn không dễ thở hơn. Kiến thức bậc đại học vừa rộng vừa phức tạp. Do không được đào tạo chính quy, cô bé không thể theo kịp tiến độ của bạn bè cùng trang lứa và chỉ có thể vật vã tốt nghiệp đại học.

13 tuổi, tốt nghiệp với tấm bằng đại học, Dịch Văn vẫn chỉ được coi là lao động trẻ em. Không công ty nào dám thuê nên em chỉ có thể về trường của cha để làm việc với mức lương thực tế khoảng 1.000 nhân dân tệ, chưa đến 140 USD.

Ở độ tuổi này, Dịch Văn bắt đầu nổi loạn. Trong thời gian làm việc ở trường của cha, em thường xuyên đến muộn, về sớm. Ông Trương lại tiếp tục kiểm soát con gái, khiến con ngày càng trầm tính hơn, chỉ đắm chìm trong thế giới của riêng mình.

Về phía ông Trương, dù con gái trượt dốc, ông vẫn tiếp tục theo đuổi triết lý giáo dục của mình và mơ về một ngày, những triết lý đó sẽ được công nhận là đúng đắn.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

'Thần đồng số một' tại Trung Quốc bây giờ ra sao?

13 tuổi được tuyển vào lớp đào tạo thiên tài của một trường đại học, nhưng vì áp lực quá lớn, người này biến mất và sau đó xuất gia.

Thái An

Bạn có thể quan tâm