Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc đời ngắn ngủi của cha đẻ Off-White

Virgil Abloh - biểu tượng của ngành thời trang - đã qua đời ở tuổi 41. Cuộc đời của anh là cảm hứng cho thế hệ nhà thiết kế da màu tiếp theo.

ao off-white anh 1

Sự ra đi của Virgil Abloh để lại nhiều nỗi buồn cho những người làm thời trang. Anh mất ở tuổi 41 vì căn bệnh ung thư. Sự nghiệp của Abloh đã thăng tiến nhanh chóng nhờ tài năng thiên phú và những chỉ dẫn từ người mẹ. Dù vậy, cuộc đời ngắn ngủi của thiên tài da màu này khiến giới thời trang nuối tiếc.

Huyền thoại tay ngang

Abloh làm nên lịch sử Louis Vuitton khi trở thành giám đốc nghệ thuật đầu tiên của thương hiệu vào năm 2018. Dù vươn lên chức vụ cao như vậy của Louis Vuitton, nhà thiết kế này lại không được đào tạo bài bản. Anh là tay ngang với vốn kiến thức được trau dồi sau nhiều năm, bắt đầu từ người mẹ làm nghề thợ may.

ao off-white anh 2

Abloh là tay ngang làm nên lịch sử khi trở thành giám đốc nghệ thuật của Louis Vuitton. Ảnh: Daily Mail.

Theo Daily Mail, nhà thiết kế sinh năm 1980 từng sống cùng mẹ (người Ghana nhập cư) ở Rockford, Illinois (Mỹ) và anh trai tên Nee (giám đốc công ty sơn). Những kiến thức đầu tiên về thời trang của Abloh đều do mẹ chỉ dạy. Dù vậy, khi còn nhỏ, anh cũng chỉ biết các kỹ thuật may vá cơ bản và chưa thực sự đam mê lắm với thời trang.

Năm 1998, Abloh tốt nghiệp trung học. Khi quyết định trường đại học, nhà thiết kế này đã chọn Wisconsin-Madison với chuyên ngành kỹ thuật dân dụng, không phải thời trang. Anh cũng tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân trong tay.

Sau đó, sự nghiệp của anh vẫn đi theo hướng đi chẳng liên quan gì tới thời trang. Năm 2006, Abloh hoàn thành chương trình thạc sĩ về kiến ​​trúc tại Học viện Công nghệ Illinois (Mỹ). Tuy nhiên, khoảng thời gian này, nhà thiết kế quá cố bắt đầu chú ý đến ngành công nghiệp thời trang.

Cơ duyên đến với Abloh khi một tòa nhà trong khuôn viên trường đang được xây dựng bởi kiến ​​trúc sư người Hà Lan - Rem Koolhaas. Đây cũng người tạo ra đường băng cho Prada.

Anh ấy cũng tập tành thiết kế áo phông và viết bài cho blog thời trang The Brilliance trong khi đang học thạc sĩ.

Thực tập ở Fendi

Năm 2009 đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Abloh và rapper Kanye West khi họ cùng nhau thực tập tại Fendi. Cả hai đã cùng nhau bước lên đỉnh cao của ngành thời trang nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, khó có thể tưởng tượng bộ đôi này đã phải làm việc và nhận vỏn vẹn 500 USD/tháng (thời điểm này, Kanye West cũng đã sở hữu nhiều danh hiệu Grammy).

"Liệu Kanye West và Virgil Abloh có vươn tới đỉnh cao như bây giờ nếu không có quãng thời gian thực tập ở Fendi? Rất có thể. Tuy nhiên, thật thú vị khi tưởng tượng họ đã phải làm việc từ 9h đến 17h với mức lương 500 USD những ngày đầu mới bén duyên với thời trang", Fabian Gorsler của tờ Highsnobiety bình luận.

Theo Gorsler, thời điểm năm 2009, cả hai đều là những chàng trai trẻ khao khát kiến thức về thời trang. Họ quyết định đăng ký thực tập cho hãng thời trang nổi tiếng Fendi và được nhận làm. Tuy nhiên, không có đặc quyền nào cho cả hai. Họ được đối xử như mọi thực tập sinh bình thường khác.

"Mỗi ngày đi làm, tôi đi bộ đến Fendi và uống cappuccino", West kể về quãng thời gian thực tập.

Thời gian làm việc của họ bắt đầu từ 9h và kết thúc lúc 17h. Cả hai cũng phải pha cà phê cho người quản lý, làm những công việc như photocopy... Họ nhận mức lương 500 USD/tháng - tương đương với những thực tập sinh trẻ khác.

"Thật buồn cười khi nghĩ cảnh những người như Abloh hay West phải đi chạy việc vặt và pha cà phê với mức lương 500 USD", trích tờ Highsnobiety.

Michael Burke, CEO của Fendi thời điểm đó, kể lại: "Tôi ấn tượng với sự phá cách của cả hai. Từ thời điểm Abloh còn là thực tập sinh, tôi đã luôn dõi theo sự nghiệp của cậu ấy".

Abloh và West từng đề xuất phát triển sản phẩm quần jogger da. Tuy nhiên, ý tưởng của hai thực tập sinh đã bị phía Fendi gạt đi. Đến năm 2013, chiếc jogger da lại trở thành xu hướng thời trang xuất hiện trên khắp đường phố.

ao off-white anh 5

Bộ đôi Abloh và West đều đạt được thành công khi dấn thân vào ngành công nghiệp thời trang. Ảnh: People.

Nhìn chung, quãng thời gian thực tập không đem lại quá nhiều điều cho West hay Abloh. Nam rapper từng chia sẻ về khoảng thời gian này: "Hầu như chúng tôi chẳng làm gì. Mừng là cũng có được thẻ ra vào. Chúng tôi không biết may đồ thật thế nào. Đa số toàn dùng photoshop mà chẳng bao giờ thấy đồ thật được làm ra. Abloh có lẽ là nghệ sĩ photoshop nhanh nhất tôi từng thấy".

Bứt phá

Năm 2010, Abloh được West bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo cho Donda. Ngoài ra, anh cũng là người thiết kế bìa album Ye's YeezusMy Beautiful Dark Twisted Fantasy.

Duyên gặp mặt và những lần hợp tác với West sau đó đưa Abloh trở thành tên tuổi được săn đón bậc nhất giới thời trang. Tới năm 2012, nhà thiết kế người Mỹ ra mắt thương hiệu đầu tiên, đặt tên là Pyrex Vision. Nó mang đến những trang phục hướng tới văn hóa giới trẻ.

Tuy nhiên, Abloh đã chủ động đóng cửa Pyrex Vision sau đó vì không muốn biến nó thành doanh nghiệp thương mại. Anh nói Pyrex Vision chỉ là dự án mang tính trải nghiệm nghệ thuật ngoài lề. Thực tế, công ty hoạt động khá thành công khi biến tấu những trang phục bình thường thành các sản phẩm mới lạ hơn.

ao off-white anh 6

Pyrex Vision là bước đầu tiên để khẳng định tên tuổi của Abloh. Ảnh: Highsnobiety.

Anh từng nhập những chiếc flannel từ Ralph Lauren với giá hơn 40 USD và in thêm chữ Pyrex kèm số 23 sau lưng. Những chiếc áo này được săn đón nhiệt tình dù giá bán ra tới hơn 500 USD.

Một năm sau, thương hiệu Off-White ra đời, đánh dấu tầm nhìn mở rộng và hiện đại của Abloh. Với Off-White, anh đã kết hợp hoàn hảo giữa thời trang đường phố và phân khúc cao cấp. Hiện nay, Off-White vẫn là thương hiệu "hái ra tiền" với doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD. Độ phổ biến của thương hiệu này là không cần bàn cãi.

Theo Daily Mail, các thiết kế của Abloh mang đậm phong cách tiếp cận 3%. Điều này có nghĩa anh sẽ tận dụng các mặt hàng được sản xuất trước đó, cộng thêm 3% thay đổi và biến chúng thành món đồ hoàn toàn mới.

Đến năm 2018, Abloh được bổ nhiệm làm giám đốc nghệ thuật cho Louis Vuitton. Cùng năm này, anh cũng được vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất do Time bình chọn.

Chia sẻ về thành công năm 2018, nhà thiết kế người Mỹ nói: "Bây giờ, tôi đã có nền tảng để thay đổi ngành thời trang. Trên cương vị nhà thiết kế, tôi có thể bắt đầu một xu hướng mới và khiến nhiều người quan tâm vào một vấn đề nào đó. Điều tôi muốn là sử dụng nền tảng từ mình - một nhóm nhỏ người Mỹ gốc Phi - và mang đến những điều mộng mơ tới cho mọi người".

Các thiết kế của anh trong vai trò giám đốc nghệ thuật Louis Vuitton đã làm nổi bật sự kết hợp giữa thời trang dạo phố, thời trang cao cấp, nghệ thuật graffiti, hip hop hay văn hóa trượt ván.

Trong thời gian làm việc cho công ty, anh sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra môi trường đa dạng, bình đẳng trong ngành công nghiệp thời trang. Năm 2020, Abloh đứng ra thành lập quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên da màu yêu thích thời trang.

Di sản Abloh để lại khó có thể đong đếm. Ngoài những công việc mang ý nghĩa cho xã hội, Abloh cũng giúp nâng tầm phong cách nhiều người nổi tiếng như Beyoncé, Michael B. Jordan, Kim Kardashian West, Timothée Chalamet và Serena Williams. Mẫu váy cưới Hailey Bieber mặc năm 2019 cũng được tạo từ bàn tay của Abloh.

Cũng trong năm 2019, anh được chẩn đoán mắc bệnh u mạch máu ở tim. Thông tin này được giữ kín để Abloh tiếp tục hoàn thành công việc của mình.

Nguồn tin thân cận của Abloh nói: "Hai năm qua, anh ấy đã dũng cảm chiến đấu với căn bệnh quái ác. Abloh đã trải qua nhiều cuộc điều trị trong khi tiếp tục thực hiện nhiều dự án thời trang, nghệ thuật và cả văn hóa".

Thời trang 40 năm trước trở lại

Các chuyên gia thời trang dự báo sự trở lại của phong cách thập niên 1980. Những món đồ này sẽ xuất hiện khắp đường phố vào năm sau.

Lý do Chanel tăng giá lại càng nhiều người mua

Chiến lược tăng giá để thúc đẩy sự thèm muốn của người tiêu dùng được Chanel áp dụng thành công. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại nhiều rủi ro.

Dĩ An

Bạn có thể quan tâm