Sony ra mắt thiết bị bắt ma. Tỷ phú Elon Musk tuyên bố "SpaceX sẽ đưa Dogecoin lên Mặt Trăng theo đúng nghĩa đen". YouTube đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Hãng xe nổi tiếng Volkswagen (Đức) thông báo đổi tên.
Điểm chung của những tin tức này là chúng đều được tung ra vào ngày 1/4 – Quốc tế nói dối.
Trò lừa của tỷ phú Elon Musk vào dịp 1/4 cách đây 4 năm. |
Vào ngày Cá tháng Tư, không chỉ bạn bè, đồng nghiệp trêu đùa nhau, các công ty, thương hiệu ở đủ lĩnh vực cũng tìm cách đánh lừa khách hàng của mình.
Đây thậm chí được coi là dịp cạnh tranh giữa các tên tuổi lớn nhằm giành lấy sự chú ý của công chúng.
Những cú lừa thường xuất hiện dưới dạng tin tức giả hoặc những dự án, sản phẩm hấp dẫn, ý tưởng nghe có vẻ kỳ quặc, điên rồ rồi sau đó công bố chúng chỉ là cú lừa ngày Cá tháng Tư.
Mục đích chính: mang lại niềm vui cho người dùng và quảng bá thương hiệu.
Dịp chơi khăm khách hàng
Năm 2021 và 2020, "ông lớn" Google không tung ra những trò đùa trong ngày Cá tháng Tư vì tác động của Covid-19. Trước đó, tập đoàn này thường xuyên nghĩ ra các màn chơi khăm người dùng vào dịp này.
Một số cú lừa được nhớ tới nhiều có thể kể đến kế hoạch mở khu định cư dành cho con người trên sao Hỏa, ra mắt loại đồ uống tối ưu hoá việc sử dụng công cụ tìm kiếm của công ty bằng cách tăng trí thông minh của người uống, truy tìm kho báu trên Google Maps cho đến Google Dịch cho động vật.
Giày kết hợp điện thoại, giấy vệ sinh ghi định nghĩa từ mới là 2 trong vô số ý tưởng sản phẩm được trình làng vào ngày Quốc tế nói dối. |
Cá tháng Tư vào năm 2018, Elon Musk đăng tải lên Twitter dòng trạng thái "Chúng tôi rất buồn khi phải thông báo rằng Tesla đã phá sản hoàn toàn. Phá sản đến mức không thể tin được".
Hình ảnh đi kèm cho thấy ông chủ của Tesla ngồi dựa vào chiếc Tesla Model 3 và cầm tấm biển ghi dòng chữ "phá sản". Thông báo này lừa được nhiều người, hoặc ít nhất gây ra sự tò mò lớn, khi truyền thông lẫn người tiêu dùng lập tức liên hệ tới Telsa để kiếm thông tin chi tiết hơn.
Một loạt sản phẩm kỳ quặc được công bố vào đúng ngày này: sách nghe dành cho cá của Amazon, giấy vệ sinh tổng hợp từ vựng của Duolingo, giày kết hợp smartphone của T-mobile, nước siêu tăng lực dành riêng cho game thủ của Razer...
Theo Best Media Info, chỉ vào ngày nói dối, các thương hiệu mới có thể tự do thực hiện những màn chơi khăm khách hàng với mục đích vui vẻ. Trò đùa nếu được thể hiện khéo léo, sẽ đem lại một màn tiếp thị hài hước, có lợi cho hình ảnh công ty.
“Cách xây dựng thương hiệu đôi khi có vẻ khô khan. Khách hàng liệu có thực sự biết đến doanh nghiệp của bạn. Tiếng cười giúp thoát ra khỏi khuôn khổ, thể hiện cá tính của công ty và giúp khách hàng kết nối với thương hiệu như một con người”, theo Mirasee, một blog chuyên về marketing doanh nghiệp.
Ngoài ra, bắt trend là một phần của công việc tiếp thị và các nhãn hàng khó lòng bỏ qua xu hướng đang thịnh hành.
Quốc tế nói dối trở thành dịp các nhãn hàng, thương hiệu tung ra các tin tức, quảng cáo đánh lừa khách hàng. |
Những cú lừa đủ đem lại sự bất ngờ, ngạc nhiên và thậm chí gây sốc giúp người tiếp cận thấy hứng thú, muốn chia sẻ chúng rộng hơn lên mạng xã hội và từ đó đẩy cao lượt tương tác. Nếu trò đùa thực sự ấn tượng, chúng có khả năng được báo chí, truyền thông đưa tin và hiệu ứng tiếp tục lan rộng.
Và với rất nhiều bên có chung suy nghĩ tương tự, ngày 1/4 đã trở thành cuộc đua cho các nhãn hàng vận dụng mọi khả năng sáng tạo để lôi kéo sự quan tâm của khách hàng lẫn công chúng.
Năm 2015, hãng BMW gây dấu ấn nhờ chiến dịch Cá tháng Tư ngược. Một đại lý xe hơi của hãng tại New Zealand đã đăng quảng cáo trên báo rằng người đầu tiên đến cửa hàng trong ngày 1/4 sẽ có cơ hội đổi chiếc xe cũ lấy một chiếc BMW hoàn toàn mới.
Mẩu quảng cáo có nội dung khó tin khiến đa số đều tin đây là trò chơi khăm. Chỉ có một người phụ nữ tên Tianna Marsh đã thực hiện theo như yêu cầu. Cô đến cửa hàng từ 5h30 sáng và trở thành chủ nhân của chiếc xe trị giá 50.000 USD cùng biển số đặc biệt “NoF00l”.
Tác dụng ngược
Tuy nhiên, không phải trò đùa ngày 1/4 nào cũng được hưởng ứng như mong muốn ban đầu khi đem lại phiền toái cho người dùng và khiến thương hiệu bị phản đối.
Farrokh Madon, giám đốc sáng tạo của Pirate cho biết, đánh giá hầu hết trò đùa ngày Cá tháng Tư của các hãng xe, công nghệ hiện nay đều có xu hướng phù phiếm và không mang lại lợi ích tiếp thị cụ thể nào.
Năm 2016, Google giới thiệu một tính năng mới cho người dùng Gmail có tên là Mic Drop vào ngày nói dối. Theo giới thiệu của Google, tính năng này sẽ kết thúc cuộc hội thoại trong Gmail một cách nhanh nhất.
Chỉ cần trả lời thư bằng nút Send + Mic Drop, người dùng sẽ gửi đi thư điện tử kèm theo hình động của một chú Minion thả micro.
Tính năng Mic Drop thực chất là một trò đùa ngày Cá tháng Tư của Google. |
Nhiều người dùng Gmail không biết đây là trò đùa của Google nên đã vô tình click vào nút Mic Drop sau khi gửi, khiến việc trao đổi thư trở nên gián đoạn. Một người dùng cho biết đã mất việc sau khi gửi email cho sếp.
Trên trang trợ giúp của Gmail, nhiều người dùng tỏ ra tức giận vì tính năng này. Họ yêu cầu Google phải xóa nút Mic Drop ra khỏi trình soạn thảo thư điện tử.
Phát ngôn viên của Google sau đó xin lỗi về trò đùa của hãng và cho biết công ty đã xóa bỏ tính năng đó.
Năm 2019, Grab giới thiệu tính năng GrabFoodCopter giúp ship đồ ăn từ Singapore sang Malaysia bằng trực thăng cùng lời hứa: "Những người Malaysia mê ẩm thực Singapore sẽ không phải xấu hổ nữa".
Hai quốc gia này từng có bất hoà do người Malaysia cho rằng ẩm thực Singapore là một bản sao nhạt nhẽo hơn của ẩm thực quốc gia mình.
Trò đùa của Grab bị phản đối là kém duyên. Hãng này sau đó lên tiếng đính chính "đây chỉ là trò đùa ngày Cá tháng Tư nhằm mục đích đùa vui".