"Hai đứa nhỏ học chung lớp. Không hiểu bệnh lây thế nào, giờ lại gặp nhau ở đây", chị Bảo Trân (33 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ với Tri thức - Znews.
Bên cạnh chị Trân là con gái Minh Phụng (5 tuổi), trán lấm tấm vết ban sởi, mắt nhắm nghiền. Bé Phụng được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) 5 ngày trước đó với các biểu hiện sốt cao không hạ, ho nhiều không đỡ. Tuy nhiên, cô bé chỉ mới được chuyển vào phòng cách ly của khoa Nhiễm - Thần kinh một ngày trước đó, sau khi có phát ban sởi.
Bạn của Phụng, bé Anh Minh, được chuyển vào sau đó một buổi với chẩn đoán tương tự, nằm phía bên kia phòng bệnh.
Cuộc gặp bất ngờ
Hai bé Minh Phụng và Anh Minh học chung lớp tại một nhà trẻ ở Hóc Môn. Trước khi nghỉ hè, lớp có một trẻ mắc sởi nhưng vẫn đi học bình thường, không may lây lan cho các bạn cùng lớp.
Một tuần trước đó, Minh và Phụng đều xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của việc nhiễm bệnh là ho và sốt cao không hạ. Khi kiểm tra tại phòng khám tư, các bác sĩ đều chẩn đoán 2 bé bị viêm họng cấp do lúc này chưa xuất hiện ban bất thường, được cho thuốc điều trị tại nhà.
Sau vài ngày điều trị, bé Phụng có hiện tượng sốt cao không hạ dù đã được cho uống thuốc nên được cha mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra.
"Khi đang chờ khám, con bé tự nhiên co giật, phải chuyển vào khoa Cấp cứu và phải nằm điều trị tại viện đến giờ cũng 5 ngày rồi", chị Trân nhớ lại.
Bé Phụng ngủ li bì, mí mắt dính lại vì dịch. |
Sau khi nằm viện 3 ngày, bé Phụng có hiện tượng mắt chảy dịch nhiều, kèm nhèm, khó chịu.
"Con mệt nhưng con không ngủ đâu. Con sợ khi ngủ, mắt con dính lại không mở ra được nữa. Con sợ lắm...", lời thủ thỉ ngây thơ của con gái khiến chị Trân cả đêm trằn trọc.
Đến sáng hôm sau, bé Phụng bắt đầu xuất hiện vết ban đỏ sau đầu. Ngay lập tức, trẻ được chẩn đoán mắc sởi, chuyển vào phòng cách ly điều trị. Chiều cùng ngày, bé Minh cũng được chuyển vào.
Bé Minh được cha mẹ đưa vào viện sau 4 ngày ho sốt không đỡ và có ban đỏ bất thường.
"Từ ngày mắc bệnh, con sút 5 kg rồi, từ 29 kg xuống còn 24 kg, ăn không được, ngủ li bì suốt ngày...", chị Quỳnh Trinh (41 tuổi, mẹ bé Minh) xót xa nói.
Bé Minh có dấu hiệu mắc bệnh từ trước nhưng chỉ vào viện khi xuất hiện ban đỏ. |
Khi được chuyển vào phòng cách ly, 2 vị phụ huynh không hề biết con mình là bạn học. Sau vài ba câu thăm hỏi, cả hai mới giật mình khi 2 đứa trẻ học cùng lớp, cùng chung một ổ dịch và đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi đầy đủ.
Bé Minh được tiêm phòng vaccine sởi mũi đầu tiên hồi 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời gian sau đó, dịch bệnh kéo dài khiến cậu bé không được tiêm mũi thứ hai.
Trong khi đó, bé Phụng lại có thể trạng yếu ớt, thường xuyên mắc bệnh vặt nên mỗi lần đi tiêm lại không đủ điều kiện. Dần dà, cha mẹ cô bé cũng quên mất lịch tiêm chủng của con gái nên đến nay, bé vẫn chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào.
Phòng cách ly điều trị trẻ mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Lo ngại khoảng trống miễn dịch
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết năm nay, dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ bệnh truyền nhiễm 5 năm/lần.
"Trước đó, hai chu kỳ gần nhất là vào năm 2019 và 2014, chúng tôi đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao", bác sĩ Quy cho hay.
Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, mọi người có quãng thời gian cách ly khá dài, tạo nên khoảng trống miễn dịch, dịch bệnh vì thế cũng dễ lây lan hơn.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh không dám cho con tiêm ngừa vì ngại đến chỗ đông người cũng là một lý do khiến nhiều trẻ không được tiêm phòng đầy đủ. Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát và lan rộng.
Do đó, tiêm vaccine là việc quan trọng cần làm để tăng độ phủ vaccine. Chỉ cần đạt 95% tỷ lệ tiêm chủng, dịch sởi có thể đã được ngăn chặn lan truyền trong cộng đồng.
Hiện, vaccine bệnh sởi cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm khác đều có mặt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cha mẹ nên chú ý đưa con đi tiêm phòng đúng lịch để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh không đáng có cho con.
"Đối với vaccine sởi, trẻ cần tiêm vào hai mốc là 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi để đủ kháng thể với virus, tăng tỷ lệ miễn dịch", bác sĩ Quy cho hay.
Đặc biệt, các nhóm trẻ nguy cơ cao, có bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh huyết học, bệnh gan, thận; hoặc phụ nữ có thai cũng cần chú ý tiêm phòng sởi sớm.
Theo bác sĩ, triệu chứng ban đầu của sởi là sốt, ho hắt hơi, sổ mũi, mắt mũi kèm chèm, phát ban sau tai, lan ra cổ gáy toàn thân. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời phát hiện và điều trị sớm. Hầu hết, ở giai đoạn nhẹ, trẻ đều được hướng dẫn điều trị tại nhà.
"Tuy nhiên, khi có các biểu hiện sốt cao không hạ, nôn ói, li bì, co giật, các bé cần được đưa vào bệnh viện ngay lập tức, dù là trong đêm, để theo dõi kịp thời, tránh việc bệnh tiến triển lên biến chứng", bác sĩ Quy khuyến cáo.
Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.