![]() |
PGS.TS toán học Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: TH. |
Tôi bắt máy theo phép lịch sự nhưng thâm tâm nghĩ chắc ông gọi nhầm. Có lẽ ông gọi điện cho cấp dưới. Tôi hỏi: “Sao anh gọi điện khuya thế, trường có chuyện gì à?”. Đầu dây bên kia, giọng ông chùng xuống: “Hôm nay, trường anh có một chuyện buồn". Rồi ông nói: “Một sinh viên của anh vừa qua đời”. Ngay lúc ấy tôi biết ông không gọi điện nhầm.
Nỗi buồn khi một sinh viên ra đi
Ông Phạm Hoàng Quân kể sinh viên này theo học ngành Quản trị kinh doanh ở trường đã 6 năm. Sở dĩ kéo dài như vậy vì những năm cuối em phát hiện bị ung thư máu. Vừa đi học vừa phải chữa bệnh. Dù vậy, em quyết tâm hoàn thiện chương trình, lấy bằng tốt nghiệp đại học. Con đường em đi đã hoàn thành.
Cách đây 6 ngày, nhà trường tổ chức trao bằng tốt nghiệp và em có tên trong danh sách những sinh viên được nhận bằng đợt này. Cứ ngỡ là niềm vui thì trường nhận thông tin em bị sốt cao, phải vào bệnh viện cấp cứu. Ngày hôm qua, em trút hơi thở cuối cùng khi chưa thể cầm trên tay tấm bằng sau những năm học tập mòn mỏi.
Vị hiệu trưởng chia sẻ với ông, mỗi sinh viên là mỗi sinh mạng, một cuộc đời. Các em vào trường ở độ tuổi 18-19, mang theo nhiều ước mơ, hoài bão, khát vọng về tri thức và cuộc sống. Nhà trường cũng kỳ vọng vào các em và xem mỗi sinh viên là một phần của trường.
Mất đi một sinh viên khiến ông đau xót, day dứt. Ông quyết định ngày mai đại diện trường sẽ đến chia buồn, trao tấm bằng tốt nghiệp khi em còn ở “trên đất”. Có lẽ, đây là niềm an ủi cuối cùng trước khi em rời cõi tạm.
![]() |
PGS.TS Lê Chi Lan, Phó hiệu trưởng Đại học Sài Gòn, trao bằng tốt nghiệp cho Lý Tấn Phát. Em ruột và ba mẹ đã nhận bằng tốt nghiệp thay Phát. Ảnh: TĐ. |
Trong giáo dục, PGS.TS Phạm Hoàng Quân là người thẳng thắn, nhiệt tình, trượng nghĩa, quan tâm học sinh, sinh viên cũng như cán bộ giảng viên. Ông cũng là người giản dị, không phô trương, màu mè.
Hỗ trợ sinh viên
Cách đây một tháng, tôi hỏi ông về chế độ thu nhập của giảng viên. Ông bảo rằng với ông mỗi tháng là mỗi sống. Là hiệu trưởng, ông phải có trách nhiệm làm sao để giảng viên mình sống được và còn sống tốt, yên tâm công tác, tận tâm với nghề, chứ không phải đầu năm chạy vạy, cuối năm nhận cục tiền rồi cũng chỉ để trả nợ.
Những năm gần đây, tại Đại học Sài Gòn, nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu giỏi đã về làm việc. Trong số đó, phải kể đến giáo sư toán học Nguyễn Sum - nhà toán học rất nổi tiếng.
PGS.TS toán học Phạm Hoàng Quân nói sinh viên phải được thụ hưởng những gì tốt nhất. Họ bỏ tiền đi học, phải được học những người thầy giỏi để thu nạp kiến thức. Muốn thu hút được người giỏi không chỉ kinh phí mà còn là môi trường làm việc.
Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ông gọi điện thông báo: Năm nay, nhà trường không những tổ chức xe đưa sinh viên về ăn Tết (việc nhiều trường đại học ở miền Nam đang làm) mà còn đón các em trở lại trường sau Tết.
“Chả nhẽ chở các em về quê lại bắt các em bỏ tiền đi vào? Sau Tết nguyên đán, đi lại khó khăn, tàu xe đắt đỏ. Với sinh viên khó khăn, bỏ ra một khoản để mua vé tàu xe không hề nhỏ. Khoản ấy có khi bằng nửa tháng tiền sinh hoạt phí của các em ở thành phố. Thôi thì, trường có xe phục vụ chở giảng viên đi coi thi, sinh viên đi học tập, không dùng vào những việc này thì dùng việc nào", ông bày tỏ.
Do vậy, nhà trường tổ chức đón sinh viên khó khăn trở lại trường học tập, chủ yếu là sinh viên ở miền Bắc và miền Trung, vượt hàng nghìn km để vào TP.HCM.
Đại học Sài Gòn dưới thời ông quản lý, điểm chuẩn hàng năm luôn cao. Nhà trường kiên định việc không xét tuyển bằng học bạ vì cho rằng học bạ không phải là kênh chính xác để tuyển sinh.
Một thí sinh ở miền núi được 9 điểm học bạ và em khác ở thành phố được 7 điểm, không lẽ nhà trường tuyển em có học bạ 9 điểm? Như vậy mẫu chốt ở đây là cách đánh giá bằng điểm số ở mỗi vùng, mỗi trường có sự khác nhau, dẫn đến không phản ánh thực chất năng lực học sinh.
Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, đánh giá công bằng, nhà trường không sử dụng học bạ mà dùng kết quả các kỳ thi để xét tuyển.
Năm nay, Đại học Sài Gòn thực hiện tự chủ. Tự chủ đồng nghĩa với việc tăng học phí để cân đối thu - chi, trong bối cảnh sẽ không nhận ngân sách từ thành phố.
Ông chia sẻ để đi đến quyết định tự chủ, nhà trường đã họp rất nhiều lần, căn ke tính toán từng chút, làm sao đưa ra mức học phí phù hợp, để các em vẫn đi học được, vẫn tự lo được.
Ông cam đoan trong số các trường thực hiện tự chủ, học phí của Đại học Sài Gòn sẽ ở mức thấp nhất. Nhà trường sẽ có chính sách không để sinh viên nào gia cảnh khó khăn, học giỏi vì tăng học phí mà bỏ học.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.