Cuộc gọi "swatting" gây ra nỗi sợ hãi nghiêm trọng và nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng trường học ở Mỹ. Ảnh: The guardian. |
Tháng 9/2022, Emmi Coley - chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan - bắt đầu nắm được thông tin về các cuộc gọi thông báo về những vụ xả súng trong trường học.
Cô đã bác bỏ nó và cho rằng không có dấu hiệu liên quan giữa những cuộc gọi này và những lời kêu gọi xả súng ở trên mạng. Tuy nhiên, khi số lượng các cuộc xả súng gia tăng, Coley nhận ra hiện tượng kêu gọi xả súng là có thật, những cuộc gọi này xuất phát từ châu Phi.
“Các cuộc kêu gọi xả súng có quy mô rõ ràng, phối hợp nhất quán và có người cố gắng duy trì đằng sau”, Coley nói với NPR.
Những cuộc gọi từ nước ngoài
Chuyên gia bắt đầu đào sâu hơn và tự hỏi các cuộc gọi này có khác biệt đáng kể nào so với những gì cô thường thấy trong các mối đe dọa trường học. Không ai tin tưởng những cuộc gọi này, ngay cả khi chúng kéo dài trong vài tuần.
FBI tuyên bố họ đã biết về các vụ việc, nhưng không tìm ra bằng chứng cho thấy đây là một mối đe dọa cụ thể và đáng tin cậy.
Cơ quan này cho biết họ đang làm việc với cơ quan thực thi pháp luật ở mọi cấp độ để điều tra các cuộc gọi. Tuy nhiên, một số báo cáo tin tức (bao gồm ở Minnesota và Louisiana, Mỹ), cho biết các nhà chức trách nhận định các cuộc gọi có thể bắt nguồn từ châu Phi, cụ thể là Ethiopia và FBI không bình luận về chi tiết này.
Đối với Conley, chi tiết xung quanh các cuộc gọi cho thấy những người đứng sau thực sự là người nước ngoài.
“Câu hỏi lớn được đặt ra là các cuộc gọi này nhắm đến ai. Có phải là công chúng, cơ quan thực thi pháp luật, phương tiện truyền thông hay thứ khác? Và tại sao họ theo dõi nó”, Conley đặt vấn đề.
Theo âm thanh thu được từ một số cuộc gọi ““swatting” ở Ohio và Minnesota, người thông báo về một vụ nổ súng đang thở dốc, tự nhận mình là sinh viên và đưa ra những câu chuyện nguy hiểm gần giống nhau, NPR đưa tin.
Drew Evans, Giám đốc Cục truy bắt tội phạm Minnesota (MBCA), cho biết cũng đã nghe các cuộc gọi lừa bịp và chúng rất giống nhau.
“Giọng nói trong tất cả các cuộc gọi có vẻ như là của một người hoặc vài người có giọng nói tương đồng”, ông nói.
Ông Evans cũng chỉ ra rằng các cuộc gọi ở bang Minnesota đều được gọi trực tiếp đến trường học hoặc đường dây không khẩn cấp thay vì 911. Dường như các số điện thoại này được lấy trên Internet, thông qua kết nối VPN.
Emmi Coley phỏng đoán các cuộc gọi có khả năng đến từ cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài bởi những chi tiết trong cuộc gọi không điển hình như các vụ xả súng ở trường học Mỹ. Nhưng cả Conley và Evans đều lưu ý rằng nhóm người này có kiến thức hoặc nghiên cứu chi tiết về các địa phương.
“Họ đều gọi điện tới các trường học cụ thể, liên hệ chính xác người điều hành và cung cấp thông tin cụ thể các mối đe dọa”, Conley nói.
Sau cuộc gọi lừa đảo thông báo về một vụ xả súng ngày 5/10, cảnh sát và nhân viên y tế đã tức tốc đến trường Trung học Robert Anderson. Phụ huynh vội vàng đến đón con, gây ra tắc đường. Ảnh: Reuters. |
Mối đe dọa mới
"Swatting" là từ chỉ hành động một người báo tin tức giả cho cảnh sát cốt để quy tụ được một lượng cảnh sát lớn nhất. Để đạt được điều đó, màn lừa đảo này phải là thông báo về có kẻ đánh bom, giết người hay vây hãm con tin.
Thông thường, những cuộc gọi này nhắm tới lực lượng đặc nhiệm lừng danh SWAT của Mỹ, vì thế nên có chữ "swatting". Vào năm 2017, trò đùa này đã khiến một người đàn ông vô tội ở Wichita bị bắn chết.
Conley cho biết trò đùa này phổ biến trên mạng, có xu hướng bạo lực và tính liên kết. Gần đây, mục tiêu mới nhóm người này là trường học - một bước phát triển mới.
Theo thống kê, trong vòng hơn 20 ngày, đã có ít nhất 113 cuộc gọi “swatting”. Trước đó, NPR đã xác định được các trường học tại ít nhất 6 tiểu bang đã nhận được cuộc gọi từ giữa tháng 3 đến tháng 4/2022.
Minnesota, North Carolina, Maine, Louisiana và Hawaii là các địa phương nhận nhiều cuộc gọi lừa bịp trong một ngày. Các chuyên gia an ninh trường học lo lắng những trò lừa bịp này có thể bị bắt chước, gây ra nỗi sợ hãi nghiêm trọng và nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng trường học ở Mỹ.
Mo Canady - Giám đốc điều hành NASRO - cho biết trong nhiều thập kỷ, những người đảm bảo an toàn trường học luôn đối phó với những mối đe dọa đánh bom giả. Nếu họ nhận được một cuộc gọi thông báo rằng có ai đó đang xả súng, đó là một vấn đề hoàn toàn khác, đòi hỏi phải có sự đối phó toàn diện.
Sự thay đổi từ đe dọa đánh bom sang các cuộc gọi sai về những vụ xả súng đã phản ánh rằng những kẻ xấu hiểu các vụ xả súng gây ra nỗi sợ hãi nghiêm trọng như thế nào ở nước Mỹ.
Động cơ khó xác định
Ông Mo Canady lo ngại các cuộc gọi từ nước ngoài có khả năng đang cố gắng kiểm tra hệ thống của an ninh của Mỹ, từ đó xem cách họ phản ứng ra sao với những sự kiện xả súng.
Mới đây, NASRO đã nhận định các cuộc gọi “swatting” là mối đe dọa thực sự. Tổ chức này đã ban hành hướng dẫn cho các trường học về việc xử lý các cuộc gọi lừa bịp này.
“Nếu chúng ta chần chừ, có thể phải trả giá bằng mạng sống. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục tiến hành trong tình trạng khẩn cấp, cho đến khi chúng tôi biết rằng đó không phải là điều đáng lo ngại”, ông Canady nói.
Trong khi đó, Amanda Klinger, Giám đốc vận hành của Mạng lưới An toàn Trường học (Mỹ), cho rằng việc quá lo ngại về các cuộc gọi “swatting” có thể ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, giáo viên và phụ huynh.