![]() |
Chị Hoài (37 tuổi, TP Thủ Đức) cũng là một trong những sản phụ mắc Covid-19 rất nặng, được cứu sống tại Bệnh viện Quân y 175. Khi nhiễm bệnh, chị đang mang thai 33 tuần. Giờ đây, con trai đã hơn 3 tuổi. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Ngồi dưới hàng ghế khán giả, chị Nguyễn Thị Thu Trinh (34 tuổi, ngụ TP.HCM) thi thoảng lại hướng mắt tìm kiếm những bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM).
Chỉ khi nhìn thấy bác sĩ chuyên khoa II Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực, chị Trinh mới nở nụ cười, đôi mắt rưng rưng. Chị vội bước tới, siết chặt tay người bác sĩ từng cứu mình, không giấu được xúc động.
Cuộc hội ngộ đặc biệt này không diễn ra trong bệnh viện, mà tại buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Bệnh viện Quân y 175, ngày 24/2. Giữa không khí trang trọng của sự kiện, khoảnh khắc chị Trinh gặp lại ân nhân của mình khiến những người chứng kiến cũng không khỏi bồi hồi.
![]() |
Nhớ lại những ngày tháng nguy kịch vì Covid-19, chị Trinh không kìm được nước mắt. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội khắp TP.HCM, chị Trinh nhận tin mình dương tính. Lúc đó, chị đang mang thai con trai đầu lòng, thai kỳ vừa tròn 36 tuần. Cầm tờ kết quả xét nghiệm, cả hai vợ chồng bật khóc, không phải vì sợ hãi cho bản thân, mà nỗi bất an dành cho đứa con chưa kịp chào đời.
Thai phụ trẻ được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh) để điều trị, chồng chị phải vào khu cách ly riêng. Trước lúc rời đi, họ chỉ kịp nhìn nhau qua lớp khẩu trang, đôi mắt rưng rưng. Không ai biết điều gì đang chờ phía trước.
Nằm thở oxy trong khu điều trị Covid-19, mỗi ngày, chị chứng kiến những bệnh nhân nặng được đưa vào, rồi lại lặng lẽ rời đi. Họ đi đâu, còn trở lại không, chị không biết. Chỉ có nỗi sợ hãi ngày một lớn dần, bám chặt lấy tâm trí.
Sinh con ở tuần 37, trên giường bệnh, chị vừa là sản phụ, vừa là bệnh nhân Covid-19. Thay vì được ôm con, người phụ nữ chỉ có thể nhìn bé qua lớp kính mờ.
Tưởng chừng đã qua cơn nguy kịch, chị Trinh bất ngờ trở nặng. Bác sĩ hội chẩn khẩn cấp và chỉ định đặt ECMO. Đến khi hồi tỉnh, người phụ nữ mới biết bản thân tưởng chừng không qua khỏi, hai phổi trắng xóa, viện phí hàng tỷ đồng.
![]() |
Con trai chị Thu Trinh được chào đời trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng nhất. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Chị Trinh là một trong những bệnh nhân Covid-19 nặng may mắn được cứu sống nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ. Hành trình giành giật sự sống của chị cũng là câu chuyện của hàng trăm bệnh nhân khác, những người đã được điều trị miễn phí tại Bệnh viện Quân y 175 trong giai đoạn cam go nhất của đại dịch.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết những ngày chống dịch Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 đã điều động hàng trăm y, bác sĩ chi viện cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đồng thời, bệnh viện đã quản lý, chăm sóc, điều trị hàng chục nghìn bệnh nhân Covid-19 và hạn chế nguy cơ tử vong.
Trong “cuộc chiến” cam go ấy, khoa Hồi sức tích cực là đơn vị chủ lực, đầu sóng ngọn gió của bệnh viện. Khoa chủ động triển khai nhiều biện pháp cấp bách. Với trách nhiệm của những người tuyến đầu, các y, bác sĩ sẵn sàng rời xa gia đình, lao vào tâm dịch, làm việc gấp đôi, gấp ba với quyết tâm cao nhất.
Để ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175.
![]() |
Thượng tướng Võ Minh Lương thay mặt Chủ tịch nước, trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: K.T. |
TS.BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên bệnh viện.
Ông nhấn mạnh, đây sẽ là động lực để đội ngũ y bác sĩ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Không chỉ nói về bò viên, cuốn Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian là tập hợp những bài viết đầy cảm xúc của một người tha thiết yêu Sài Gòn, gắn bó với mảnh đất này từ bé và kể lại các câu chuyện thông qua những kỷ niệm; đó có thể là những câu chuyện sống động về chuyện ăn, uống, giải trí, thói quen sinh hoạt… cho đến những nhận định sâu sắc hơn về lịch sử, dấu tích cha ông trên một vùng đô thị đang hiện đại hóa từng ngày.