Các bác sĩ khoa Sản Phụ khoa và Trung tâm điều trị bệnh lý tuyến vú đã phẫu thuật nội soi tháo xoắn, kịp thời giữ tính mạng em bé, bảo toàn buồng trứng cho mẹ.
Thai phụ cấp cứu vì đau bụng, chẩn đoán xoắn buồng trứng
Mang thai tuần thứ 8, chị Đ.T.H.T. (31 tuổi, quận 12, TP.HCM) bất ngờ đau dữ dội ở vùng chậu và được người thân đưa đến Bệnh viện FV cấp cứu. Tại đây, chị được khám và thực hiện các xét nghiệm trong khoảng 2 tiếng, sau đó chuyển lên khoa Sản Phụ khoa và Trung tâm điều trị bệnh lý tuyến vú.
Khi khám cho bệnh nhân, dựa trên triệu chứng và kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Nguyễn Đức Trường, khoa Sản Phụ khoa và Trung tâm điều trị bệnh lý tuyến vú, nhận định chị T. bị xoắn buồng trứng.
![]() |
Là tình trạng hiếm gặp ở thai phụ, xoắn buồng trứng có nguy cơ đe dọa tính mạng thai nhi và gây hoại tử buồng trứng. |
Xoắn buồng trứng là cấp cứu phụ khoa, xảy ra khi một buồng chứng bị xoắn lại quanh dây chằng, giữ buồng trứng tại chỗ. Xoắn buồng trứng hiếm gặp ở thai phụ, chỉ chiếm 1,6/10.000 ca. Nguyên nhân có thể là trong quá trình mang thai buồng trứng to lên, hormone gây ra tình trạng tích nước phì đại, các mô nâng đỡ buồng trứng trở nên lỏng lẻo, dễ gây xoắn.
“Thai phụ bị xoắn buồng trứng có nguy cơ sảy thai. Ngoài ra, nếu không phát hiện kịp, buồng trứng có nguy cơ hoại tử, giảm khả năng mang thai sau này”, bác sĩ Trường nhận định.
Phẫu thuật khẩn cấp bằng linh cảm nghề nghiệp
Khi đưa vào cấp cứu, chị T. được dùng thuốc giảm đau, sau đó chuyển lên khoa Sản theo dõi. Dù lúc này triệu chứng đau đã thuyên giảm, bác sĩ Trường vẫn băn khoăn có nên phẫu thuật cho bệnh nhân không.
Theo phân tích của bác sĩ Trường, cơn đau giảm có thể là tác dụng của thuốc giảm đau, song không loại trừ buồng trứng tự tháo xoắn. Nếu phẫu thuật thì đây là can thiệp thừa, tạo nên nguy cơ không cần thiết cho mẹ và em bé.
Trường hợp khác là khi mới xoắn, bệnh nhân cảm thấy rất đau, lâu dần có thể bị “trơ”, không thấy đau nữa. Trong tình huống này, nếu bác sĩ không can thiệp, thai phụ đối mặt nguy cơ hoại tử buồng trứng, ảnh hưởng khả năng sinh sản. Khối hoại tử tạo thành huyết khối dẫn đến nguy cơ sảy thai cao. Nhưng, y khoa không có bằng chứng rõ ràng để xác định xoắn buồng trứng trong bao lâu sẽ dẫn đến hoại tử.
“Siêu âm chỉ đánh giá trợ giúp, tức là góp phần cho biết buồng trứng xoắn, song can thiệp thời điểm nào lại là bước khó. Lúc này bác sĩ sẽ ra quyết định dựa trên cảm nhận và kinh nghiệm nghề nghiệp của bản thân”, bác sĩ Trường phân tích, đồng thời cho biết cảm nhận mạnh mẽ của anh lúc đó là phải tiến hành phẫu thuật.
Tuy vậy, việc mổ trên thai phụ rất thách thức, cần giảm thiểu việc dùng thuốc và phẫu thuật trong thời gian ngắn nhất có thể. Phẫu thuật càng lâu thì tỷ lệ em bé gặp nguy hiểm càng cao.
“Hơn nữa, phẫu thuật cho thai phụ dễ bị chảy máu và tai biến hơn, do các mô mềm, dễ bị tổn thương, mạch máu tăng sinh nhiều. Theo đó, động tác tháo xoắn cũng cần thực hiện nhẹ nhàng. Ngoài ra, hệ miễn dịch của thai phụ suy yếu, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn bình thường”, bác sĩ Trường nhận định.
Ca mổ nội soi do bác sĩ Nguyễn Đức Trường phụ trách được tiến hành khẩn trương, với sự cẩn trọng cao độ. Bác sĩ tiếp cận buồng trứng bằng đường rạch ở rốn và bụng, chiều dài lần lượt 5 mm và 1 cm. Lúc này, buồng trứng đã xoắn lại như dây thừng, mạch máu bị chèn ép gây bầm máu. Nhận định chức năng buồng trứng vẫn còn, ê-kíp khẩn trương tháo xoắn cho bệnh nhân.
![]() ![]() |
Hình ảnh siêu âm buồng trứng được tưới máu bình thường sau một tuần tái khám (bên trái là bình thường, bên phải từng bị xoắn). Ảnh bệnh nhân cung cấp. |
Ca tháo xoắn diễn ra khoảng 30 phút, trong đó thời gian thực hiện thủ thuật chưa đầy 10 phút. Hai ngày sau mổ, hình ảnh siêu âm cho thấy buồng trứng sau khi tháo xoắn đã có máu nuôi trở lại. Bệnh nhân được chỉ định xuất viện sau 2 ngày tiếp theo.
Tái khám một tuần sau đó, kết quả cho thấy mạch máu phục hồi tốt, buồng trứng gần như trở lại bình thường và thai nhi phát triển khỏe mạnh. Gia đình bệnh nhân vui mừng nhờ quyết định đầy quyết đoán của bác sĩ.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Đức Trường giải thích về bệnh xoắn buồng trứng. |
Triệu chứng xoắn buồng trứng dễ nhầm với bệnh ở thận và tiêu hóa. Do vậy, bác sĩ Trường khuyến cáo phụ nữ bị đau bụng vùng dưới nên đi khám ngay. Bệnh nhân mang thai không nên tác động vào cơ thể, kể cả dùng thuốc giảm đau. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán bằng siêu âm để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Để biết thêm thông tin bệnh lý xoắn buồng trứng, độc giả liên hệ khoa Sản Phụ khoa, Trung tâm điều trị bệnh lý tuyến vú qua số điện thoại 02854113333 hoặc liên hệ trực tiếp số 6 Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP.HCM.