Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cuộc khủng hoảng 'nối dõi tông đường' ở Trung Quốc

Ngày càng nhiều đứa trẻ sinh ra ở Trung Quốc theo họ mẹ, làm sâu sắc hơn cuộc khủng hoảng của chế độ phụ hệ tại đất nước này.

Các cấu trúc gia trưởng, vốn là chuẩn mực hôn nhân truyền thống của Trung Quốc, đang cho thấy sự lạc hậu. Giới trẻ nước này đã có những cách đa dạng khi sắp xếp cuộc sống hôn nhân, phân chia nguồn lực cho bố mẹ hai bên một cách công bằng hơn.

Ngay cả tập tục đặt tên theo chế độ phụ hệ - con sinh ra lấy họ cha - cũng đang bị đảo ngược ở một số vùng, khi một số gia đình cho con theo họ mẹ hoặc tạo ra họ ghép của cả cha lẫn mẹ.

Mọi thứ đang thay đổi

Con cái lấy họ của cha là một đặc điểm nổi bật của cơ cấu gia đình phụ hệ truyền thống của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh rất nhiều đến nhu cầu phải có con trai để nối dõi tông đường. Nhưng mọi thứ đang thay đổi.

Lời giải thích rõ ràng nhất cho xu hướng này là tiến bộ xã hội và những quan niệm hiện đại hơn về giới tính. Sự gia tăng gần đây về số người chọn họ mẹ hoặc tạo họ ghép có thể từ sự phát triển trong xã hội.

cha me trung quoc anh 1

Việc con theo họ mẹ ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Ảnh: IC.

Tuy nhiên, không phải tất cả học giả đều tin rằng tiến bộ xã hội là động lực thúc đẩy các gia đình từ bỏ niềm tin sâu sắc về dòng dõi.

Nhà xã hội học thế kỷ XX Fei Xiaotong đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của Mạnh Tử về "3 cái bất hiếu, trong đó lớn nhất là không có người nối dõi" để minh họa cho sự coi trọng đặc biệt của các gia đình về việc phải có con trai nối dõi tông đường. Niềm tin này khiến các gia đình buộc phải có con trai.

Tuy nhiên, chính sách một con kéo dài trước đó khiến việc đảm bảo có một người thừa kế là nam giới trở nên bất khả thi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng xu hướng đặt tên con theo họ mẹ họ ghép chỉ là một phản ứng đối với tình trạng thiếu con trai, đó là cách các gia đình cố gắng duy trì dòng dõi thông qua con gái.

Khủng hoảng chế độ phụ hệ

Nhóm nghiên cứu của Xu Qi, phó giáo sư Xã hội học tại ĐH Nam Kinh, đã kiểm tra dữ liệu từ Khảo sát mẫu dân số quốc gia 1% mang tính đại diện trên toàn quốc để hiểu được liệu xu hướng đặt tên theo họ của mẹ là vì tư duy tiến bộ hay vì gia đình thiếu con trai.

"Chúng tôi nhận thấy tập tục đặt tên theo họ mẹ phổ biến hơn ở các ngôi làng ở khu vực phía đông Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô, cũng như ở những gia đình mà người mẹ có trình độ học vấn thấp hơn. Điều đó cho thấy việc theo đuổi tư duy tiến bộ, hiện đại có thể không phải là lời giải thích đúng đắn. Chúng tôi cũng phát hiện ra trẻ em có nhiều khả năng mang họ mẹ hơn trong những gia đình mà người chồng có địa vị kinh tế xã hội thấp, đặc biệt nếu người vợ không có anh em trai còn người chồng thì có", ông Xu nói.

cha me trung quoc anh 2

Xu hướng đặt tên mới đang thách thức chế độ phụ hệ ở Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Nói cách khác, đặt tên con theo họ mẹ đã trở thành một phương tiện để truyền lại họ trong các gia đình không có con trai, ít nhất là với những gia đình có kinh tế tốt. Điều này tương tự việc những người đàn ông đi ở rể, thường là khi người chồng có địa vị kinh tế và xã hội thấp hơn nhà vợ.

Mặt khác, họ ghép phổ biến hơn ở các thành phố hiện đại hóa và trong các hộ gia đình mà người mẹ có trình độ học vấn cao. Điều này cho thấy rõ ràng rằng việc sử dụng họ ghép không phải do tỷ lệ sinh giảm mạnh và nhu cầu tiếp tục truyền lại họ. Nhiều khả năng nó bắt nguồn từ những thay đổi trong thái độ do quá trình hiện đại hóa mang lại.

Nói tóm lại, việc sử dụng họ mẹ dường như là một chiến lược của các gia đình để tiếp tục duy trì dòng họ trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm; trong khi việc sử dụng họ ghép phản ánh một mức độ nào đó những thay đổi về hôn nhân do quá trình hiện đại hóa xã hội mang lại. Cả hai xu hướng đều đang gia tăng.

Một mặt, quá trình hiện đại hóa bị nén chặt ở Trung Quốc đã dẫn đến sự tồn tại chung của các ý tưởng, tín ngưỡng truyền thống, hiện đại và thậm chí hậu hiện đại. Mặt khác, sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học do chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc và sự phân biệt về không gian đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các kiểu và khái niệm gia đình khác nhau.

Cuối cùng, việc lựa chọn họ ở Trung Quốc ngày nay là kết quả của sự xung đột, đối đầu và cùng tồn tại giữa các quan niệm truyền thống và nhu cầu hiện đại.

Những thay đổi nhanh chóng về xã hội và nhân khẩu học của đất nước đã làm trầm trọng thêm “cuộc khủng hoảng” về chế độ phụ hệ, đồng thời mở ra cánh cửa cho sự phát triển của chế độ mẫu hệ và những thay đổi về họ vừa có nền tảng truyền thống vừa mở ra cho hiện đại.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Cô gái bị bạn trai đánh đập dã man vì đòi lại số quà hơn nửa triệu USD

Trong hai năm hẹn hò, Li đã mua quà và gửi tiền cho bạn trai với tổng trị giá hơn 500.000 USD. Khi phát hiện bạn trai ngoại tình, cô quyết đòi lại.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm