Bệnh "người cây" có tên khoa học là Epidermodysplasia verruciformis (EV). Nguyên nhân gây bệnh được xác định là virus HPV (Human Papillomavirus), có khả năng làm hạn chế hệ miễn dịch ở cơ thể người. Nó là chứng rối loạn di truyền đặc biệt hiếm gặp ở da có liên quan nguy cơ ung thư cao.
Ripon Sarker được cho là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mắc bệnh "người cây". Ảnh: Dailymail. |
"Người cây" nhỏ tuổi nhất thế giới
Năm 2016, Ripon Sarker, 7 tuổi, sinh sống ở làng Pirgaj Upazila (Bangladesh), được phát hiện mắc căn bệnh "người cây".
Mahendra Roy, cha của Ripon, cho biết Ripon bắt đầu mắc bệnh trong vòng 3 tháng sau khi sinh. Các bác sĩ địa phương không thể chẩn đoán bệnh cho đến khi bé được đưa vào Bệnh viện Dhaka. Cậu bé được cho là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mắc căn bệnh kỳ lạ này trên thế giới.
Bàn tay và chân của Ripon biến dạng khiến cậu không thể tự mình đi lại hay ăn uống.
"Cháu đi lại rất khó khăn và không thể tự tắm rửa hay cầm được thức ăn bằng tay. Cháu cũng không có bạn bè, thậm chí phải nghỉ học thường xuyên", Ripon cho biết.
Các bác sĩ hy vọng sau phẫu thuật, tình hình của Ripon sẽ khá hơn bởi mụn cóc chưa dày đặc đến mức che phủ toàn bộ bàn tay, chân.
Bé gái mắc bệnh "người cây" đầu tiên trên thế giới
Bé gái Sahana Khatun, ở Bangladesh, được chẩn đoán mắc bệnh "người cây" khi mới 10 tuổi. Ban đầu, những vảy nhỏ giống như vỏ cây bắt đầu mọc trên mặt của cô bé. Nhưng điều đó không khiến anh Mohammad Shahjahan, cha của em, lo sợ cho đến khi các "vỏ cây" bắt đầu lan ra. Ông buộc phải đưa con gái từ làng ra thủ đô Dhaka để tìm bác sĩ chữa trị.
Sahana được xem là bé gái mắc chứng “người cây” đầu tiên trên thế giới. Cô bé được Bệnh viện Đại học Y khoa Dhaka điều trị miễn phí. Ca phẫu thuật ban đầu rất thành công nhưng sau đó, các "vỏ cây" mọc trở lại, thậm chí còn dày và khỏe hơn.
"Tôi rất sợ. Bác sĩ nói rằng con gái tôi cần thêm 8-10 ca phẫu thuật nữa. Nhưng không có gì đảm bảo cháu sẽ được chữa khỏi hoàn toàn", anh Mohammad chia sẻ.
Bác sĩ Samanta Lal Sen, Trưởng khoa Phẫu thuật bỏng và Thẩm mỹ của Bệnh viện Dhaka, cho biết ông muốn giữ cô bé lại bệnh viện để phẫu thuật thêm nhưng gia đình từ chối vì không đủ chi phí.
Cô bé "người cây" Sahana Khatun. Ảnh: Straitstimes. |
Cô bé 14 tuổi với cánh tay phải to và sần sùi như vỏ cây
Mukta Moni là con của một chủ cửa hàng tạp hóa tại làng Kamarbaisa (Bangladesh). 5 năm trước, một nốt mụn nhọt nhỏ đã xuất hiện trên tay phải của Mukta. Nó dần to lên, lan rộng trên cả cánh tay và sưng phồng giống như thân cây sần sùi. Sau đó, khối u lan rộng từ tay xuống cơ thể Mukta.
Cánh tay phải ngày càng trầm trọng và bị nhiễm trùng rất nặng, khiến Mukta luôn cảm thấy rất đau, đặc biệt vào mùa hè và mùa đông. Người dân trong làng, thậm chí cả họ hàng của gia đình, không còn tới chơi khi thấy cánh tay của bé bị hoại tử và có mùi hôi.
Suốt thời gian qua, gia đình đưa cô bé tới nhiều cơ sở y tế khác nhau để khám và điều trị nhưng không có hiệu quả. Họ trở nên nghèo túng vì chi phí chữa bệnh cho cô bé.
Ngày 5/9/2017, Mukta được làm phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y khoa Dhaka. Ca mổ kéo dài 3,5 tiếng để cắt bỏ các khối u trong mạch máu trên cánh tay phải. Sau đó, các bác sĩ khẳng định không còn khối u nào trên cánh tay này.
Cánh tay phải của Mukta bị sưng to và nhiễm trùng nặng. Ảnh: Unb. |
"Người cây" ở Indonesia qua đời ở tuổi 45
Tháng 11/2007, một video về người đàn ông Dede Koswara cùng cơ thể đầy mụn cóc như vỏ cây kỳ quái xuất hiện trên mạng. Câu chuyện về Dede rất được dư luận quan tâm lúc bấy giờ.
Anh Dede Koswara, sống tại Indonesia, đã phải từ bỏ nghề thợ mộc vì mắc chứng loạn sản Lewandowsky-Lutz. Căn bệnh này khiến anh bị nhiễm virus HPV không kiểm soát và xuất hiện những khối u như vỏ cây trên cơ thể.
Anh Dede Koswara bị mọc các khối u trên cơ thể từ năm 15 tuổi. Ảnh: |
Anh Dede bắt đầu phát triển bệnh khi 15 tuổi. Sau khi Dede phải mổ đầu gối vì tai nạn, một mụn cóc nhỏ phát triển ở phần chi dưới và bắt đầu lan rộng không kiểm soát.
Khi tình trạng của Dede trở nên tồi tệ hơn, anh phải từ bỏ nghề thợ mộc của mình và khó khăn trong việc sinh hoạt cá nhân. Vì không có tiền để nuôi gia đình, vợ chồng anh đã ly hôn và 2 đứa con của họ đi theo mẹ.
Anh từng trải qua 9 lần phẫu thuật trong 12 ngày để cắt bỏ 13,2 kg mụn nhọt. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, chúng vẫn tiếp tục mọc và lan ra rất nhanh trên cơ thể.
Các bác sĩ cho biết đây chỉ là phương pháp điều trị tạm thời bởi hiện nay, y học chưa có cách trị tận gốc căn bệnh này.
Không may mắn, Dede đã tử vong năm 2016 vì một loạt các biến chứng, bao gồm viêm gan, suy gan và rối loạn dạ dày.