Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống của cô bé có tên lạ và người mẹ tâm thần

Cô bé có tên là Trốn chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ vì nhà quá nghèo. Em sống trong ngôi nhà rách nát trên đảo cùng ông ngoại và người mẹ bị tâm thần nhẹ.

Bé Nguyễn Thị Trốn (sinh năm 2005) ở thôn đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Em sinh ra sau một lần người mẹ của mình (bị tâm thần nhẹ) quan hệ với một người đàn ông đã có gia đình. Người đàn ông kia không chịu nhận bé là con nên ông ngoại rất hận và đặt tên em là "Trốn".
Vì trên đảo chỉ có trường tiểu học, muốn học cấp 2 thì phải vào đất liền. Nhà nghèo, không có điều kiện nên Trốn phải từ giã cuộc đời học sinh ngay sau khi hết lớp 5. Hàng ngày em ở nhà phụ giúp ông ngoại và mẹ việc nhà cửa. Mẹ em là chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1973), bị tâm thần nhẹ (ảnh).
Hàng ngày, chị Thu lang thang nhặt ve chai trên bãi biển, bãi rác hay những đồ thải tái chế do sóng đánh dạt vào bờ để bán kiếm sống qua ngày. Những lúc rảnh chị đi mò cua, ốc để có thêm chút tiền. Mẹ của Trốn cho biết, với số kinh phí 405.000 đồng/tháng trợ cấp người tàn tật của chị quá ít ỏi, không giúp được gia đình nhiều.
Ông Nguyễn Văn Cang (ông ngoại của Trốn) năm nay 84 tuổi nhưng vẫn phải làm lụng vất vả. Hàng ngày, ông đi ra biển đánh bắt cá về bán. Bộ lưới ông dùng đã lâu và rách nhiều chỗ nên phải thường xuyên ngồi vá lại trước mỗi chuyến ra biển. 
Ông ngoại của bé Trốn còn phải cuốc đất làm vườn trồng rẫy bắp bán, kiếm thêm tiền lo cho con và cháu. Số tiền trợ cấp cao tuổi 215.000 đồng/tháng không đủ để ông lo cho cuộc sống 3 miệng ăn.
Hàng ngày ông thu hoạch bắp, luộc đem vào bán trong thôn. Ngôi nhà rách nát của gia đình nằm tách biệt hẳn khu dân cư đông đúc. 
Ông Cang chia sẻ, dù rất già yếu và mệt mỏi nhưng nghĩ cảnh con cháu không ai chăm sóc nên còn cố sức được thì phải ráng.
Bé Trốn hàng ngày phụ ông ngoại nấu bắp, cơm nước trong nhà.
Khi nhắc đến chuyện học em buồn rười rượi. Trốn tâm sự, rất thích đi học nhưng không có biết cách nào để vào đất liền học, mà còn phải ở nhà phụ giúp ông và mẹ.
Một trong những đồ chơi mà cô bé nâng niu, đó là chiếc khung có tấm ảnh chân dung mình do một khách du lịch ghé chơi vừa chụp tặng làm kỷ niệm.
Nơi bé Trốn ở rất cách xa thôn, một mình lủi thủi, ít bạn bè. Niềm vui của em lúc rảnh là chăm sóc những chú gà con do ông ngoại nuôi.
Thỉnh thoảng Trốn cũng vào thôn và vui chơi cùng bạn học cũ. Anh Pha - Trưởng công an xã Vạn Thạnh chia sẻ, mong sao Trốn được trở lại trường học để em và gia đình có tương lai tốt đẹp hơn.

 

Điệp Sơn là một trong những thôn đảo khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có gần 100 hộ dân sinh sống trong điều kiện thiếu điện và nước sạch cho sinh hoạt. Thu nhập của bà con trên đảo chủ yếu dựa vào nghề biển. Những lúc biển động, họ bị bữa đói bữa no. Tuy nhiên, thiếu thốn lớn nhất vẫn là đời sống tinh thần. Toàn đảo chỉ có một máy phát điện, hàng ngày chỉ chạy từ 18h đến 22h.

Hải An

Bạn có thể quan tâm