Ai Jing, người điều hành công ty đặt vé hòa nhạc ở Bắc Kinh, cảm thấy việc kinh doanh không bao giờ có cơ hội thoát khỏi các hạn chế Covid-19 khiến hoạt động bị đình trệ.
Những ngày này, Ai phải vật lộn tìm kiếm nhạc công kể từ khi lệnh cấm sự kiện trực tiếp được áp dụng vào tháng 4 khiến nhiều người trong số họ phải nghỉ việc.
Ai cũng khó đạt được thỏa thuận với các nhạc sĩ lưu diễn vì rất ít người sẵn sàng lập kế hoạch trong bối cảnh thành phố nào cũng có nguy cơ bị phong tỏa đột ngột nếu xuất hiện ca mắc Covid-19, theo Al Jazeera.
Trong khi đó, nhiều người cảnh giác với việc tiếp xúc gần với khán giả xem hòa nhạc dương tính với SARS-CoV-2 và phải cách ly, gây ảnh hưởng xấu đến doanh thu bán vé.
“Chính sách ‘zero Covid-19’ khiến việc kinh doanh nhạc sống trở nên bấp bênh và khó đoán”, Ai nói.
Nhiều quán bar, karaoke, hộp đêm và địa điểm tổ chức hòa nhạc trên khắp Trung Quốc vẫn đang chờ thoát khỏi các hạn chế được áp đặt từ cách đây nhiều tháng. Ảnh: Damir Sagolj/Reuters. |
Thiệt hại nặng nề
Chiến lược “dynamic zero Covid-19” nghiêm ngặt của Trung Quốc, yêu cầu các thành phố phải đóng cửa dù chỉ xuất hiện một số ít ca bệnh, gây thiệt hại nặng nề đối với các cơ sở giải trí và nhạc sống - vốn thường là loại hình doanh nghiệp cuối cùng được hưởng lợi từ việc nới lỏng quy định chống dịch.
Trong khi các hạn chế sâu rộng đối với nhà hàng và cơ sở kinh doanh khác được dỡ bỏ ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, rất nhiều quán bar, karaoke, hộp đêm và địa điểm hòa nhạc trên khắp Trung Quốc vẫn đang chờ đợi để thoát khỏi những quy định từ nhiều tháng trước đó.
Tại quận Triều Dương vốn nhộn nhịp của Bắc Kinh, một chủ quán bar cocktail nói rằng cơ sở của cô vẫn đóng cửa mặc dù các quán bar ở quận khác đã được phép mở trở lại.
“Chính quyền nghĩ rằng các quán bar hoặc hộp đêm chỉ để giải trí và nên đóng cửa. Lập trường cứng rắn của họ đang khiến nhiều chủ quán bar như tôi nghĩ rằng Bắc Kinh không phải là nơi tốt cho loại hình kinh doanh này trong tương lai”, người này nói.
Xin Sun, giảng viên cao cấp về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại King's College London, cho biết các nhà chức trách đặc biệt nghiêm khắc đối với cơ sở giải trí do mối liên hệ với những đợt bùng dịch lớn trước đó.
“Những địa điểm kín và đông đúc này được cho là có nhiều rủi ro hơn. Điều này khiến chính quyền địa phương đình chỉ nhiều hoạt động trong số đó”, ông nói.
Chính quyền địa phương sẽ phong tỏa toàn bộ thành phố vì một số ít ca mắc Covid-19. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Tháng 6, quán bar bia Heaven Supermarket trở thành trung tâm của đợt bùng phát dịch bệnh lớn ở Bắc Kinh. Theo truyền thông nhà nước, nơi này bị giám sát chặt chẽ không chỉ vì liên quan đến 287 ca mắc Covid-19 mà còn bởi việc quản lý “cản trở việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm”.
Nhà chức trách đã thu hồi giấy phép của quán bar và khởi tố vụ án hình sự đối với chủ quán.
Mặc dù các sự kiện siêu lây nhiễm tương tự thu hút sự chú ý, số ca lây nhiễm ít ỏi cũng đủ khiến các thành phố phải đóng cửa.
Tại Wugang, thành phố thuộc tỉnh Hà Nam nổi tiếng về sản xuất thép, một trường hợp dương tính duy nhất đã khiến chính quyền buộc toàn bộ 300.000 dân phải cách ly trong 3 ngày bắt đầu từ 11/7.
Quyết định đóng cửa doanh nghiệp và phong tỏa đối với hàng triệu người cũng được đưa ra ở Tây An, Lanzhou, Haikou, Macau và tỉnh An Huy trong những tuần gần đây.
Giảng viên cao cấp Xin Sun cho biết mức độ nghiêm trọng của các hạn chế trong tương lai có thể phụ thuộc vào thành phố hoặc tỉnh mà các ca mắc mới được phát hiện.
“Nếu đợt bùng phát lớn xảy ra, như trường hợp gần đây ở 2 quận tại An Huy, tôi cho rằng chính quyền địa phương sẽ buộc phải áp đặt các biện pháp phong tỏa hà khắc để đảm bảo không lây lan và tuân theo chủ trương của đất nước. Đối với các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nếu số trường hợp không quá cao, những gì chúng ta có thể thấy là phong tỏa cục bộ ở các khu vực lân cận”.
Vô vọng
Đối với Marco Chao, chủ xưởng sản xuất đồ uống có cồn, những hạn chế liên tục thay đổi và sự không chắc chắn về chính sách khiến anh phải sản xuất nhiều bia đóng hộp để bán trực tuyến và tại các cửa hàng.
“Bằng cách đó, chúng tôi không phải dựa vào các quán bar - nơi dễ bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và kiểm dịch”, Chao nói.
Bastien Ciocca, đồng sở hữu quán bar ở Quảng Châu, cho biết toàn bộ lĩnh vực giải trí về đêm đang gặp khó khăn.
“Trước ‘zero Covid-19’, tình hình khá suôn sẻ, trong khi các quy tắc vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, khi vài ca mắc được phát hiện ở một thành phố, mọi thứ có xu hướng dừng lại đối với các ngành kinh doanh thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là quán bar”, ông nói.
Các nhà chức trách Trung Quốc có đường lối cứng rắn đối với các cơ sở giải trí. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Đối với các doanh nghiệp không phụ thuộc vào cuộc sống về đêm, triển vọng cho họ là lạc quan hơn.
Zhang Yi, Giám đốc điều hành của iiMedia Research, cho biết nhiều doanh nghiệp đổi mới về công nghệ có thể phát triển mạnh trong điều kiện “zero Covid-19”.
“Các ngành công nghiệp phát trực tiếp và thương mại điện tử đạt được kết quả tốt. Ăn uống, du lịch và hàng không bị ảnh hưởng khá nhiều. Nếu chịu thay đổi, chúng có thể vực dậy. Mặc dù vậy, chiến lược không khoan nhượng với đại dịch của Bắc Kinh đã làm gia tăng đáng kể những bất ổn trong kinh doanh”, Xin nói.
Với việc các nhà chức trách không đưa ra dấu hiệu nào về sự thay đổi đối với chiến lược “zero Covid-19”, mối đe dọa liên tục về các vụ phong tỏa trong tương lai vẫn còn.
Ai Jing đang chuẩn bị cho nhiều hạn chế hơn mà anh cho rằng sẽ bóp nghẹt lĩnh vực giải trí về đêm.
“Tôi lo lắng nhiều về điều đó. Nếu cứ tiếp tục như vậy, không chỉ công việc kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng mà ‘zero Covid-19’ có thể giết chết nền nhạc sống và tàn phá toàn bộ lĩnh vực văn hóa”.