Lễ trao giải cuộc thi Lập trình Quốc tế Samsung Collegiate Programming Cup 2019 (SCPC 2019) diễn ra tại Hà Nội vào sáng 26/7, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC) tổ chức. 28 giải thưởng đã được trao cho các thí sinh đạt thành tích xuất sắc. Trong đó, giải nhất của cuộc thi (gồm 40 triệu đồng cùng một điện thoại Galaxy S10+) thuộc về thí sinh Phạm Bá Thái - ĐH Bách khoa Hà Nội.
Liên tục “ghi điểm”
Phạm Bá Thái cùng 9 gương mặt xuất sắc được lựa chọn từ cuộc thi sẽ có mặt tại Hàn Quốc để tham dự vòng chung kết cùng các thí sinh quốc tế khác (vào ngày 30/7). Ngoài ra, họ cũng sẽ được ưu tiên khi thi tuyển vào các vị trí tại Samsung Electronics.
Để được lựa chọn, các thí sinh Việt Nam đã phải trải qua 2 vòng thi, với các bài thi về thuật toán và cấu trúc dữ liệu (sử dụng ngôn ngữ lập trình C, C++, Java). Các cuộc thi tương tự cũng được Samsung tổ chức tại Hàn Quốc và Ấn Độ, với tổng số thí sinh tại 3 quốc gia là 6.200 người.
Các thí sinh đạt giải tại cuộc thi SCPC 2019 Việt Nam. |
Cùng với Hàn Quốc, Việt Nam là một trong 2 quốc gia có thí sinh đạt số điểm tuyệt đối (1.000 điểm) tại vòng 2 của cuộc thi. Cụ thể, trong 25 thí sinh đạt số điểm này, 5 người đến từ Việt Nam.
Ông Kim In Soo - Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, Tổng giám đốc SVMC - cho biết: “Bên cạnh số lượng thí sinh tăng lên gần 900 sinh viên tại Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam so với năm 2018, chúng tôi còn vui mừng khi thấy trình độ của các thí sinh được nâng cao qua mỗi năm. Việc Việt Nam có sinh viên đạt thành tích tuyệt đối trong 2 năm liên tiếp tại cuộc thi lập trình quốc tế Samsung SCPC là một tín hiệu đáng mừng”.
Ông Kim In Soo - Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, Tổng giám đốc SVMC - phát biểu tại lễ trao giải SCPC 2019. |
Cùng 140 thí sinh quốc tế tại vòng chung kết ở Hàn Quốc vào ngày 30/7, các thí sinh Việt Nam sẽ tham gia tranh tài trong 4 tiếng đồng hồ, với các bài thi về thuật toán nâng cao và cấu trúc dữ liệu. Trước đó, trong 2 lần dự thi tại vòng chung kết vào các năm 2017 và 2018, đoàn Việt Nam đều giành được những thành tích ấn tượng.
Đánh thức tiềm năng
Cuộc thi SCPC được Tập đoàn Samsung tổ chức từ năm 2015 tại Hàn Quốc và trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống công nghệ thông tin tại đây. Từ năm 2017, cuộc thi được mở rộng đến Việt Nam và Ấn Độ - những quốc gia được Samsung đánh giá cao về tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này.
Phạm Bá Thái - gương mặt vừa giành giải nhất - không phải là một cái tên xa lạ với SCPC. Năm 2017, trong lần đầu tiên sân chơi này được tổ chức, Thái đã giành giải nhì chung cuộc. Thái cho rằng sân chơi này là một cơ hội đáng quý để các sinh viên tự khám phá năng lực và tìm kiếm thêm những trải nghiệm cho mình.
Thái nhận xét: “Quay lại với SCPC sau 2 năm, tôi thấy cuộc thi đã phát triển lên một tầm mới và đạt tới sự chuyên nghiệp cao trong cách tổ chức cũng như các đề bài. So với năm 2017, đề bài năm nay đa dạng và đem lại nhiều thách thức hơn, đòi hỏi người tham dự phải có kiến thức đa dạng và tư duy tốt về thuật toán”.
Những chia sẻ của Thái cũng gắn với một thực tế đã được nhiều chuyên gia chỉ rõ: iềm năng của các sinh viên công nghệ thông tin tại Việt Nam là có thật. Để sớm đánh thức những tiềm năng ấy, sự xuất hiện của những cuộc thi về kỹ năng lập trình và thuật toán - các “sân chơi” công nghệ như Samsung đang làm - là một trong những điều cần được ưu tiên.
Theo ông Kim In Soo, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, trình độ sinh viên Việt Nam nói chung và trình độ sinh viên chuyên ngành IT nói riêng sẽ có thể ngang bằng với thế giới.
Ông nhận định: “Ở vòng chung kết sắp tới, với những gì đã thể hiện trong 2 lần tham dự trước đây, tôi tin rằng các sinh viên Việt Nam sẽ là một đối thủ rất mạnh ở sân chơi lập trình châu Á này. Họ có nhiều cơ hội để tiếp tục làm rạng danh trí tuệ Việt Nam trên đấu trường quốc tế bằng tài năng, bản lĩnh và nỗ lực của mình”.
Cuộc thi Lập trình Quốc tế SCPC 2019 đã thu hút gần 900 thí sinh đăng ký tham dự (tăng 20% so với năm ngoái). Hầu hết trong số này đều đến từ trường đại học hàng đầu về công nghệ hiện nay, như Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Bách khoa Hà Nội...