"Học kỳ 1 đóng 1 triệu đồng tiền quỹ, cuối kỳ vẫn âm. Sang đến học kỳ 2, phụ huynh đóng thêm 1 triệu đồng tiền quỹ nữa. Cuối năm học, ban phụ huynh vẫn thông báo âm tiền, phải đóng thêm..."
"Tôi có con nhỏ lớp 5 trường N.Đ.C., 2 tuần trước khi bế giảng và ra khỏi trường để đi học trường khác, trưởng ban phụ huynh đề xuất thay điều hoà mới vì cái đang dùng trục trặc. Đa số phụ huynh không đồng ý thì gọi thợ sửa luôn".
"Mỗi học sinh khối 5 góp 200.000 đồng đóng góp cho các hoạt động nhà trường. Toàn khối tổ chức một buổi liên hoan chung dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 13-20/5. Lịch cụ thể sẽ thống nhất với nhà trường sau".
"Nốt năm nay khóa mình tốt nghiệp và ra trường rồi nhưng cuối năm, mỗi học sinh vẫn phải đóng tiền quyên góp xây trường. Khoản thu này hợp lý không ạ".
Đó là bốn trong nhiều chia sẻ của phụ huynh và học sinh trên mạng xã hội trong những ngày cuối năm học. Hai tuần nay, trên các diễn đàn học sinh và phụ huynh, chủ đề về quỹ lớp hay các khoản đóng góp cuối năm thu hút nhiều quan tâm của dư luận.
Đóng 2,2 triệu đồng/năm học nhưng cuối năm vẫn âm
Cuối năm học là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động của học sinh như chụp ảnh kỷ yếu, liên hoan, tổng kết, tri ân thầy cô, nhà trường, lễ trưởng thành...
Đi kèm mỗi sự kiện là những khoản tiền không hề nhỏ mà phụ huynh phải đóng dưới dạng "ủng hộ tự nguyện", "xã hội hóa", "huy động tài trợ"... Dù ấm ức vì đủ loại khoản thu vô lý, nhiều phụ huynh vẫn "bấm bụng" đóng tiền để con có thứ gọi là "bằng bạn bằng bè", "không thua lớp khác", "để lại ấn tượng với nhà trường"...
Một tài khoản có tên V** L** bức xúc chia sẻ cuối năm học nào, trong báo cáo thu chi của ban phụ huynh cũng luôn có khoản tiền “cảm ơn”, “tri ân” ban giám hiệu. Khoản này được trích từ quỹ lớp, và là một khoản không nhỏ.
Theo danh sách thu, chi mà tài khoản này chia sẻ, lớp này dành 2 triệu đồng để cảm ơn ban giám hiệu cuối năm, 2,5 triệu để cảm ơn thầy cô bộ môn, 6 triệu đồng để liên hoan, 1,7 triệu đồng để chụp ảnh...
Trong một bài đăng khác của tài khoản Đ* H*, phụ huynh này chia sẻ năm nay, chị phải đóng tổng 2,2 triệu đồng/năm học cho quỹ hội phụ huynh. Ban đầu, ban phụ huynh có nói rằng do dự trù chụp kỷ yếu cho trẻ nên số tiền cần đóng nhiều hơn.
Tuy nhiên cuối năm, ban phụ huynh nói rằng số tiền quỹ này đã hết, yêu cầu phụ huynh phải đóng thêm 1 triệu đồng để học sinh chụp kỷ yếu và liên hoan. Tuy nhiên, khi có thắc mắc về việc thu, chi tiền quỹ, phụ huynh này liền bị các phụ huynh khác trong lớp công kích với lời lẽ xúc phạm.
Bên dưới các bài đăng này, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ nỗi bức xúc, thể hiện sự bất bình với cách thu, chi của ban phụ huynh hay cách vận động của trường, lớp.
Hàng loạt chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội. |
Nguồn cơn bức xúc
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định cách kêu gọi của một số trường, ban phụ huynh đang chưa phù hợp như không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc hay quy định mức tài trợ bình quân, tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp.
Việc tuyên truyền từ trường tới lớp, từ lớp tới phụ huynh hay từ ban phụ huynh đến cá nhân cha mẹ chưa khéo léo cũng chính là nguyên nhân khiến phụ huynh không đồng lòng, bức xúc về các khoản thu, chi quỹ cha mẹ học sinh.
Nhất là khi việc này diễn ra trong thời điểm cuối năm, bởi trước đó, trong năm học, phụ huynh đã phải đóng nhiều khoản khác.
Ngoài ra, theo ông Nam, bản thân một số phụ huynh cũng đang góp phần làm cho vấn nạn "lạm thu" trở nên khó chấm dứt. Có nhiều người ngay từ đầu xác định tham gia vào ban phụ huynh đã tự mặc định sẽ trở thành cánh tay nối dài của trường và giáo viên để mong con cái mình được quan tâm, chú ý hơn.
“Chính họ cũng chủ động đề xuất nhiều khoản thu từ các phụ huynh khác mà không cân nhắc kỹ càng đến các yếu tố như có sự khác biệt về hoàn cảnh dẫn đến áp lực tài chính với một số phụ huynh trong lớp, nguy cơ bị kỳ thị hay ứng xử bất bình đẳng giữa các gia đình và học sinh với nhau", ông Nam nhận định.
Lấy ví dụ về việc ban phụ huynh vận động thu thêm tiền để tổ chức liên hoan, tổng kết cho trẻ, Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục nhận định ở thời điểm cuối năm học, sau khi các con đã hoàn tất một năm vất vả, cha mẹ có kế hoạch tổ chức liên hoan tổng kết, dã ngoại cuối năm hay tri ân thầy cô là điều cần thiết.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng như nhà trường cần phải tính toán thế nào để vừa ý nghĩa, vừa phù hợp điều kiện kinh tế của các phụ huynh, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Khi tổ chức chương trình, hoạt động phải xem xét nhu cầu, ý nghĩa của hoạt động đó.
“Tặng quà thật to, tổ chức một chương trình hoành tráng liệu có xuất phát từ mong muốn của học sinh hay chỉ để phụ huynh cảm thấy hãnh diện?”, ông Nam nói.
Đồng quan điểm, một giáo viên THPT tại TP.HCM nhận định những năm gần đây, việc tổ chức lễ tổng kết, tri ân, trưởng thành đã không còn mang ý nghĩa là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành hay giáo dục học sinh. Nhiều trường coi đây là dịp để huy động tài trợ, "chạy đua" tổ chức hoành tráng, hay nhiều phụ huynh cho rằng đây là dịp để tặng quà thầy cô, nhà trường.
"Nếu các khoản thu không hợp lý, có dấu hiệu 'cào bằng', điều này rất dễ trở thành gánh nặng cho phụ huynh, nhất là những gia đình khó khăn", giáo viên nhận định.
Vị giáo viên cũng cho rằng việc tri ân, cảm ơn nhà trường bằng cách tặng quà lớn, phong bì tiền triệu đang dần làm xấu hình ảnh nhà trường, giáo viên khi ngày càng nhiều người nghĩ rằng nhà giáo đang "moi tiền" phụ huynh.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng hình thành tư tưởng phải tặng quà to mới có giá trị, mới xứng đáng, dẫn đến cuộc "chạy đua" quà tặng, tiền ủng hộ, coi số tiền vận động được như một thành tích.
Nhiều khoản thu vô lý đang trở thành gánh nặng cho phụ huynh. Ảnh minh họa: TPO. |
Đừng để phụ huynh thêm gánh nặng
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư vào cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và cần thiết, đặc biệt khi ngân sách Nhà nước bị hạn chế.
Tuy nhiên, quản lý và sử dụng các nguồn lực này phải được thực hiện một cách minh bạch, công bằng, và đúng đối tượng mục tiêu, vì quyền lợi của người học và không phân biệt đối xử.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã có thông tư 55/2011 quy định về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16/2018 quy định việc trường học huy động tài trợ. Các trường học và ban phụ huynh cần căn cứ vào đó để triển khai minh bạch, hiệu quả, xóa vấn nạn “lạm thu", tránh gánh nặng cho phụ huynh.
Để làm trong sạch môi trường học đường, ngành giáo dục và đào tạo cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm lạm thu. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần sẵn sàng lên tiếng nếu phát hiện những khoản thu bất hợp lý. Có như vậy, câu chuyện lạm thu sẽ không còn là vấn đề "nóng" trong các nhà trường dù đầu năm học hay cuối năm.
Đồng quan điểm, vị giáo viên tại TP.HCM cho rằng để phụ huynh thoải mái đóng góp, quan trọng nhất là sự minh bạch từ nhà trường (nếu huy động tài trợ) và ban phụ huynh.
Cùng với đó là đảm bảo nguyên tắc đóng góp trên tinh thần tự nguyên, không ép buộc hay quy định mức tài trợ bình quân, tối thiểu.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.