Các mẫu xe được bán thấp hơn mức giá đề xuất của hãng, thậm chí còn được tặng thêm nhiều quà và các chính sách khuyến mại, bán hàng trả góp lãi suất thấp… Song chừng đó chiêu kích cầu vẫn không đủ sức hút để kéo khách đến mua xe dù đã sát Tết - mùa mua sắm sôi động nhất trong năm. Nhiều cửa hàng, đại lý rơi vào tình trạng thua lỗ phải hoạt động cầm chừng, sang nhượng, thậm chí đóng cửa.
Nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh xe máy vắng khách. |
Cuối năm thường là mùa “hốt bạc” của dân buôn xe khi khách hàng nô nức sắm xe mới về chơi Tết. Hình ảnh những chiếc xe mới cáu cạnh, thậm chí chưa có biển chạy trên đường cũng khá phổ biến. Tuy nhiên năm nay chỉ còn ít ngày nữa là Tết Giáp Ngọ nhưng các đại lý vẫn trong cảnh hiu hắt, khách đến mua xe còn không bằng những tháng bình thường của mọi năm, dù rằng các nhà sản xuất cũng như đại lý đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại để kích cầu.
Ví như Suzuki Việt Nam công bố hỗ trợ khách hàng 1-2 triệu đồng khi mua xe Hayate trong tháng 12 cùng nhiều quà tặng khác. Tương tự, Yamaha cũng tuyên bố giảm hẳn 1,5 triệu đồng đối với xe Nozza. Honda Việt Nam tặng ngay 1 triệu đồng cho xe Air Blade. Đáng nói đây là đợt khuyến mại thứ ba kể từ tháng 8/2013 đến nay của nhà sản xuất dành cho dòng xe vốn rất ăn khách này.
Bản thân các đại lý lớn cũng tự tổ chức những hình thức khuyến mại riêng. HEAD Honda trên đường Cộng Hòa (TP.HCM) giảm giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng cho các dòng xe Lead. Ngoài ra, tất cả khách mua xe đều được tặng quà và gói bảo hiểm bồi thường khi xe bị mất trộm, cháy nổ... HEAD Phát Tiến, quận Tân Bình, trưng bảng giá công khai, trong đó nhóm xe Air Blade được hưởng khuyến mãi giảm 1 triệu đồng của hãng còn tiếp tục được đại lý giảm thêm 900.000 đồng/xe. Thậm chí, HEAD C.D trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, treo bảng “Thu xe cũ, đổi xe mới” dành cho dòng xe Air Blade. Đây chính là dòng xe đang tạo ra “cơn sốt ngược” trên thị trường – xe từ nhà máy về đại lý nhiều nhưng khách mua ngày càng giảm. Vậy nhưng nhiều showroom, đại lý bán xe máy tại Hà Nội và TP.HCM đều vắng lặng suốt cả tuần. Nơi nào đông khách đến thì hầu hết là để bảo hành và sửa chữa xe.
Kinh doanh lay lắt
Theo tính toán của chủ một đại lý xe máy Honda ở Hà Đông, Hà Nội, trung bình chi phí thuê mặt bằng của một đại lý tầm trung khoảng 50-70 triệu đồng, đại lý cỡ lớn khoảng 90-150 triệu đồng/tháng. Tiền lương nhân viên cũng ngót nghét 50-100 triệu đồng, thậm chí còn hơn tùy vào quy mô, số lượng. Ngoài ra còn khá nhiều những khoản thuế, phí khác… Chỉ tính sơ như vậy mỗi đại lý cấp 1 của Yamaha, Honda hay Suzuki tối thiểu cần bán khoảng 100-150 xe/tháng, nếu là đại lý lớn phải có doanh số bán hàng 300-500 xe, đồng thời phải kinh doanh tốt cả lĩnh vực bảo hành, bảo dưỡng… mới có thể không lỗ vốn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại ít nơi làm được điều này.
Chủ một đại lý xe máy Yamaha trên đường Giải Phóng, Hà Nội, than chưa năm nào xe bán ế như năm nay. Những năm trước mỗi tháng cũng bán được khoảng trên 100 xe, tháng bán chạy phải lên đến trên 200 xe. Nhưng năm nay cố lắm cũng chỉ bán được 50-60 xe một tháng, thậm chí có khi chỉ được hơn 20 xe. Tính ra tiền lãi không đủ trả tiền thuê mặt bằng. Hiện giờ mỗi tháng cửa hàng này đang phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng nhưng vẫn phải cố duy trì hoạt động.
Giới kinh doanh cho rằng xe máy đang ế nhất trong 10 năm trở lại đây. 1-2 năm trước giá bán xe thường cao hơn hẳn so với giá bán đề xuất, đặc biệt là với những dòng xe mới và thời điểm cận Tết, giá chênh có thể lên đến 1-5 triệu đồng mà vẫn cháy hàng. Vậy mà năm nay chỉ một vài những mẫu xe được coi là “hot” nhất như Honda Sh Mode, Lead 125, Exciter GP mới được nhỉnh hơn chút ít, và vẫn còn đầy đủ các phiên bản, màu sắc chứ không rơi vào tình cảnh khan hiếm như thường thấy. Các mẫu xe còn lại đều đang được bán bằng hoặc thấp hơn hẳn so với giá đề xuất. Nhiều dòng xe nhập khẩu có giá trên 100 triệu cũng rất khó bán, dù chủ hàng đã chấp nhận lỗ cả chục triệu đồng để thu vốn về.
Chủ một HEAD Honda lớn tại Hà Đông cho biết, năm nay đã phải giảm gần một nửa số nhân viên tại cửa hàng từ 16 xuống còn 8 người. Xe nhập về bán không được để tồn kho nên cũng không thu được vốn. Một vài dòng xe cửa hàng phải chịu lỗ 1-3 triệu đồng, thấp hơn hẳn giá đề xuất cộng thêm nhiều chính sách khuyến mại mà vẫn không đẩy hàng đi được. Cũng vì việc kinh doanh quá ế ẩm, thua lỗ kéo dài đã khiến nhiều cửa hàng, đại lý xe máy đã phải chuyển nhượng thậm chí đóng cửa.
Tháo chạy vì quá sức
Một người có nhiều năm kinh doanh xe máy chia sẻ, năm nay đã có khá nhiều cửa hàng, đại lý phải đóng cửa và chủ yếu là những cửa hàng, đại lý mới mở được vài ba năm chưa có nhiều khách quen hay vốn không đủ. Điều này cũng dễ nhận thấy khi con phố Bà Triệu ở Hà Nội từng nhộn nhịp sôi động với hàng loạt cửa hàng bán xe máy nay trở nên khá đìu hiu. Một đại lý Yamaha khá lớn cũng đã chuyển thành quán ăn, cửa hàng bán xe máy nhập khẩu gần đó nay cũng chuyển sang bán kèm xe đạp điện. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những cửa hàng trên phố Huế. Đại lý SYM lớn cũng chỉ còn treo biển ở tầng 2, tầng 1 đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Nhiều đơn vị không thể cầm cự nổi nên chủ đại lý đành rao bán với mức giá 3-5 tỷ đồng. Trong khi đó vài năm trước việc mở một đại lý xe máy ít nhất cũng tốn cả chục tỷ đồng.
Giới kinh doanh dự báo, với tình hình buôn bán như hiện nay sang năm tới sẽ có thêm nhiều những đại lý, cửa hàng phải ngừng hoạt động vì nhiều nơi đang cố cầm cự cho qua mùa Tết mong vớt vát chút đỉnh. Chủ đại lý Yamaha trên đường Giải Phóng ước tính, đến khoảng tháng 4 tháng 5 năm sau có thể tới một phần ba các đại lý sẽ đóng cửa.
Kinh tế khó khăn người tiêu dùng cũng siết chặt chi tiêu hơn đặc biệt là vào dịp cuối năm vốn có nhiều khoản cần dùng đến tiền. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của phương tiện mới là xe đạp, xe máy điện cũng khiến xe máy bị nhiều khách hàng “quay lưng”. Tuy nhiên, vì đã theo nghề nhiều năm bỏ công bỏ sức vào đầu tư buôn bán nên dù thua lỗ các chủ đại lý vẫn đang cố gắng cầm cự với “hy vọng kinh tế đỡ khó khăn thì người mua cũng tìm đến”.