Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cưỡi ngựa dưới chân núi Tứ Cô Nương

Được ví như dãy Alps của phương Đông bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, Tứ Cô Nương là khao khát chinh phục của biết bao dân leo núi.

Nếu không đủ sức “thướng sơn”, cưỡi ngựa trong thung lũng, vừa ngắm núi tuyết vừa ngắm sông nước, cảnh sắc nơi đây cũng mãn nhãn.

Dắt ngựa là công việc chính của người dân nơi đây
Dắt ngựa là công việc chính của người dân nơi đây.

Trôi trong mây

Tứ Cô Nương cách Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) 220 km, nhưng đường đi phải mất tám giờ đồng hồ. Nếu bạn cho rằng Mã Pí Lèng của Hà Giang là cung đường hiểm trở, ngồi trên chuyến xe bão táp đến Tứ Cô Nương, bạn phải giữ tim cho thật chặt. Hầu như toàn bộ cung đường chỉ có núi đá và vực sâu.

Mặc cho mây mù che phủ, những chiếc ô tô cứ lao vun vút trên con đường mòn mảnh như sợi chỉ uốn lượn theo các vách núi. Anh tài xế người Tây Tạng giải thích: “Mây mỗi lúc một dày. Đi chậm nữa, ngày mai không biết có đến nơi không”. Nhiều khi, đằng xa phía trên cao, một chiếc xe cheo leo trên đỉnh núi ngay sát bờ vực. Tôi thầm cảm ơn mình không đi đường đó, rồi chốc lát sau khi nhìn xuống phía dưới, giật bắn mình nhận ra mình đang ở đúng vị trí của chiếc xe lúc nãy.

Thế nhưng, nếu gạt qua được nỗi sợ hãi để mở mắt nhìn ra bên ngoài, bạn sẽ ngỡ ngàng tưởng mình đang trôi trong mây để đi đến thiên đàng. Một khung cảnh huyền ảo, phiêu bồng, thần tiên tựa như một giấc mơ.

Tôi mở cửa sổ xe, đưa tay ra ngoài hứng những giọt sương mát lạnh để cảm nhận rõ ràng hơn giấc mơ có thật. Khoảnh khắc khi xe lăn bánh rời Tứ Cô Nương vào một buổi sáng trong veo vẫn còn lởn vởn trong đầu tôi mỗi khi nghĩ về. Tôi nghe mình như nghẹn đi trước vẻ đẹp kinh ngạc của hàng chục ngọn núi lớn nhỏ nhấp nhô xen kẽ nhau, vàng ươm, rạng rỡ trong ánh nắng ban mai tựa như những chiếc cổng thần kỳ mở ra một thế giới kỳ bí. Không có chiếc máy ảnh nào có thể ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu này, tôi chỉ biết ngoái đầu nhìn lại cho đến khi những ngọn núi khuất hẳn tầm mắt và cố gắng ghim hình ảnh tráng lệ ấy vào trong tâm trí.

Trong thung lũng Changping dưới chân núi Tứ Cô Nương.
Thung lũng Changping dưới chân núi Tứ Cô Nương.

Chông chênh trên lưng ngựa

Đón chúng tôi tại cổ trấn Rilong là chiếc cầu vồng bảy sắc vắt ngang đỉnh núi tuyết trắng xóa. Không giống các thành phố lớn của Trung Quốc, cảnh vật tĩnh lặng, bình yên nơi đây đem lại một cảm giác thật dễ chịu. Chúng tôi rảo bước đến nhà nghỉ, đi qua những khóm hoa thược dược thắm sắc trước những ngôi nhà có kiến trúc Tây Tạng đắp đá vuông vức với họa tiết trang trí rực rỡ rất đặc trưng.

Thị trấn bé xíu, thoai thoải dốc cùng với những chiếc gò má đỏ ửng của các em bé và nụ cười thân thiện gợi nhớ đến Đà Lạt. Và khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những chú ngựa theo chủ trở về chuồng.

Trước mỗi ngôi nhà mang phong cách đặc trưng Tây Tạng luôn có những đóa thược dược khoe sắc.
Trước mỗi ngôi nhà mang phong cách đặc trưng Tây Tạng luôn có những đóa thược dược khoe sắc.

Dĩ nhiên lần đầu tôi không nhận ra điều này, nhưng sau một ngày trên lưng ngựa lang thang khắp thung lũng, tôi cảm phục sức chịu đựng và sự bền bỉ của các chiến binh đồng cỏ. Cưỡi ngựa là hoạt động được yêu thích nhất của du khách khi đến đây. Khu bảo tồn sinh thái Tứ Cô Nương rộng hơn 2.000 km2 với núi non hùng vĩ bao bọc những thung lũng rộng lớn, róc rách những dòng suối nhỏ uốn lượn xanh biếc. Thung lũng nào cũng đẹp như cổ tích. Chúng tôi đề nghị ngồi hai người trên một con ngựa hoặc sẽ thay phiên nhau để tiết kiệm chi phí, nhưng nhân viên cho thuê ngựa cứ lắc đầu nguầy nguậy ra hiệu không được.

Đầu tiên tôi cứ tưởng bị bắt chẹt, nhưng đi sâu vào thung lũng rồi mới hiểu. Đất lầy lội, đường này chỉ dành cho ngựa chứ không phải cho người. Vậy mà ngày nào người dân ở đây cũng phải lặn lội dẫn ngựa suốt cả ngày. Lần đầu cưỡi ngựa đã run rồi, cưỡi ngựa trên đầm lầy trơn trợt thế này thì đúng là cảm giác mạnh.

Càng đi sâu vào bên trong, thung lũng như càng rộng ra với những đồng cỏ bao la, từng đàn bò nhẩn nha gặm cỏ. Hàng cây thông lá đỏ nổi bật giữa rừng cây nhuốm vàng đầu thu in mình dưới dòng suối trong veo. Xa xa là đỉnh núi tuyết trắng xóa. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều sắc thái xanh đến thế. Màu xanh biếc của bầu trời như bao lấy màu xanh thẳm của ngọn núi, và trên nền màu xanh thẳm ấy là màu xanh xám của rừng già, xanh non của lá mới, xanh đậm của rong rêu. Tất cả các màu sắc hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh rực rỡ đến kỳ diệu. Không chỉ có bản phối màu, những âm thanh xa gần trong thung lũng cũng tạo nên một bản hòa tấu du dương.

Khi hoàng hôn trùm lấy cả thung lũng, từng đoàn người ngựa mới lục tục chui ra từ những con đường mòn dưới những cánh rừng lá thấp. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt muốn mình trở thành gã hiệp khách phiêu bạt giang hồ, mải miết trên lưng ngựa chông chênh đến những vùng đất mới.

Bắt cá trên mặt hồ đóng băng ở Trung Quốc

Những ngư dân khoan thủng mặt băng dày hàng chục centimet trước khi dùng các phương pháp thủ công bắt cá dưới mặt hồ lạnh giá.

http://phunuonline.com.vn/du-lich/kham-pha-the-gioi/cuoi-ngua-duoi-chan-nui-tu-co-nuong/a141607.html

Theo Yên Thảo / Báo Phụ nữ TP HCM

Bạn có thể quan tâm