Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện Thái Hòa - kiến trúc trung tâm của Tử Cấm Thành

Điện Thái Hòa là điện quan trọng nhất của Tử Cấm Thành, là biểu trưng cho quyền lực của hoàng đế Trung Hoa, và cũng là công trình bằng gỗ lớn nhất còn được bảo tồn ở Trung Quốc.

Điện Thái Hòa có nhiều tên gọi khác nhau. Vào thời nhà Minh, điện có tên là Phụng Thiên, đến thời Thuận Trị nhà Thanh mới đổi thành Thái Hòa như hiện nay. Trong dân gian, điện Thái Hòa lại có tên là Kim Loan. Điện nằm ở trung tâm trên trục Bắc - Nam của Tử Cấm Thành. Điện được hoàn công vào năm Vĩnh Hòa thứ 18 (năm 1420), sau bị phá hủy bởi hỏa hoạn nhiều lần, đến năm Khang Hy thứ 34 (năm 1695) mới được xây dựng lại. Đây là kiến trúc đồ sộ nhất trong quần thể Tử Cấm Thành với chiều cao 35,05 m, diện tích 2 377 m2, gồm 55 gian khác nhau và 72 chiếc cột lớn. Ảnh: Sina.

Điện được cấu trúc hoàn toàn bằng gỗ. Đây là một trong những kiến trúc bằng gỗ lớn nhất Trung Quốc còn được bảo tồn cho tới ngày nay. 72 cột trong tòa điện là một trong những nét đặc biệt của kiến trúc này, được thiết kế để nâng trọng lượng hơn 4 tấn của cả tòa điện Thái Hòa. Ảnh: Peopledaily.

Toàn bộ mái của tòa điện được lợp bằng ngói lưu ly màu vàng, màu tượng trưng cho cung đình Trung Quốc. Ảnh: Baike.

Trên nóc phía ngoài mái điện, ở 2 phía có đắp 2 đầu rồng cao 3 m và dọc theo nóc điện có bố trí nhiều tượng con vật nhỏ. Ảnh: Xinhua.

Các cửa ra vào và cửa sổ đều có những mảng hoa văn đặc trưng văn hóa Trung Hoa. Ảnh: Tuniu.com.

Nếu điện Thái Hoà là trung tâm của Tử Cấm Thành, bệ rồng trong điện chính là tâm điểm. Người Trung Hoa coi đây là rốn của vũ trụ. Bệ rồng của nhà vua là 1 ngai vàng đặt trên bục gỗ. 5 con rồng được thiết kế cuộn tròn xung quanh phần lưng và tay ngai. Ảnh: Ifeng.

Đằng sau ngai vàng là chiếc bình phong 7 cánh, phía trước bình phong có bày nhang án, lư hương, chim công… Theo quan niệm của Trung Quốc, bản thân những biểu tượng này mang nghĩa an lành, trường thọ, và hàm ý của cách bài trí này là khẳng định quyền lực của vua được ổn định và củng cố vững chắc. Ảnh: Xinhua.

Hai bên bệ rồng là 6 cây cột giữa sơn son thếp vàng với hình những con rồng vàng lượn khúc. Ở trần điện, trên đầu 6 cây cột được thiết kế tạo dáng như một cái giếng chìm, có hình rồng cuộn, và từ miệng giếng tỏa ra một chùm những quả cầu bằng kim loại, được gọi là "Gương Hiên Viên”, với ngụ ý quay trở về với Hiên Viên Hoàng Đế, một vị vua huyền thoại và anh hùng văn hóa Trung Quốc, là thủy tổ của người Hán. Ảnh: Ifeng.

Hoa văn trang trí ở điện Thái Hòa phần lớn là hoa văn hình rồng. Ở đây, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, người ta cộng lại tất cả có 12.654 hình con rồng uốn lượn nhiều hình dáng. Người Hán coi rồng là tượng trưng cho dân tộc Trung Hoa. Ảnh: Baike.

Điện Thái Hòa ở thời nhà Minh là nơi các quan lại thiết triều và bàn luận chính sự. Đến thời nhà Thanh, hoàng đế chuyển nơi thiết triều ra cung Càn Thanh, điện Thái Hòa chỉ được sử dụng là nơi tổ chức nghi lễ, như lễ đăng quang, lễ tấn phong hay lễ cưới của hoàng tộc. Ảnh: Ifeng.

Những sự thật thú vị về Tử Cấm Thành ở Trung Quốc

Tòa thành nổi tiếng của Trung Quốc thu hút hàng triệu du khách mỗi năm bởi sự lộng lẫy, quy mô ấn tượng cũng như những sự thật thú vị mà ít ai biết tới.

Đỗ Vũ (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm