Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cứu bé trai vỡ túi phình mạch máu não

Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ can thiệp nội mạch thành công cho bệnh nhân 11 tuổi bằng cách đặt coil để bít túi phình và tạo nút kín nơi chảy máu.

Ngày 28/7, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT), cho biết các bác sĩ của đơn vị đã can thiệp thành công cho bệnh nhi 11 tuổi có túi phình mạch máu não vỡ là bé T.T.B.T. (11 tuổi, ngụ Bạc Liêu).

Chiều 17/7, T. được bệnh viện tuyến trước chuyển đến Cần Thơ trong tình trạng xuất huyết nội sọ vùng thái dương trái. Gia đình cho biết trong 2 ngày liên tiếp, T. nhức đầu, nôn ngày càng tăng.

Kết quả chụp kỹ thuật số xóa nền, bác sĩ xác định T. xuất huyết do túi phình mạch máu não vỡ.

Be trai vo tui phinh mach mau nao anh 1

Bé T.T.B.T. đã khỏe, giao tiếp tốt. Ảnh: T.P.

Ngày 26/7, bác sĩ sử dụng ống thông luồn vào động mạch đùi của bé. Dưới sự hỗ trợ của máy DSA, dây xoắn kim loại đi qua ống thông vào trong túi phình mạch não. Khối coil sau đó sẽ lấp đầy túi phình và tạo nút kín nơi chảy máu.

Đến chiều 28/8, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hết nhức đầu, ăn uống tốt.

Tiến sĩ, bác sĩ Hà Tấn Đức, Trưởng khoa Đột quỵ BVĐKTWCT, cho biết đây là ca đầu tiên bệnh viện áp dụng kỹ thuật đặt coil để bít túi phình ở trẻ em.

Theo ông Đức, túi phình mạch máu não là một dạng bất thường, do thành mạch máu có một điểm yếu, lâu dần giãn lớn. Tần suất túi phình mạch máu não trong cộng đồng khoảng 3% và tỷ lệ vỡ khoảng 0,3% mỗi năm.

Đối với túi phình nhỏ (đường kính dưới 5 mm) thường không có triệu chứng. Một số túi phình lớn có thể gây ra triệu chứng nhìn mờ hoặc nhìn đôi, đau trên hoặc xung quanh mắt, tê bì hoặc yếu một bên vùng mặt, nói khó, đau đầu kinh niên, mất thăng bằng.

Trong trường hợp túi phình vỡ, bệnh nhân đột ngột bị đau đầu dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn, trường hợp nặng có thể hôn mê. Khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng của vỡ túi phình mạch máu não, người thân cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

“Bệnh viện đã thành lập khu hồi sức tích cực để sẳn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực tuyến dưới. Chúng tôi còn đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu..., để sẳn sàng giúp các địa phương khi có yêu cầu hỗ trợ”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Cứu người đàn ông bị đau đầu dữ dội

Bệnh nhân bị xuất huyết não, nếu không được cấp cứu kịp thời, tính mạng sẽ nguy kịch.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm